Vụ việc có dấu hiệu gian dối về máy xét nghiệm ở một số bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội đang làm nóng dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi về công tác đấu thầu, quản lý nhập khẩu cũng như quản lý, sử dụng thiết bị y tế.
Lô thiết bị máy xét nghiệm sinh hóa nằm trong gói thầu số 4 thuộc Dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho một số bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gồm 6 bệnh viện là: Hoài Đức, Thường Tín, Vân Đình, Thanh Oai, Phú Xuyên và Quốc Oai.
Đơn vị trúng thầu cung cấp các thiết bị này là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khoáng sản (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với giá trúng thầu 26,78 tỷ đồng. Các thiết bị y tế này đã được đưa vào sử dụng từ năm 2010, đến năm 2012 đã được thanh tra, kiểm toán và quyết toán.
Tuy nhiên, mới đây, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có nhiều bất thường ở máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 xuất xứ từ Đức. Chiếc máy này bên ngoài có tem nhãn hàng hóa ghi tên, địa chỉ hãng sản xuất máy tại Đức, nhưng nhiều phụ kiện bên trong xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam (3 quạt làm mát và 5 mô tơ sản xuất tại Trung Quốc, 1 quạt gió nhỏ sản xuất tại Việt Nam).
Bên cạnh đó, 2 bệnh viện Thường Tín và Hoài Đức cũng phản ánh những máy này không đạt chất lượng, đã phải ngừng hoạt động khoảng 1 năm nay. Sau đó, Bệnh viện đa khoa Thường Tín đã mượn một máy xét nghiệm sinh hóa tự động (nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19) của một công ty bên ngoài khi chưa được phép của Sở Y tế. Quá trình kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tịch thu và tiêu hủy thiết bị này vì không rõ nguồn gốc, đồng thời tiến hành xử phạt Bệnh viện đa khoa Thường Tín 30 triệu đồng.
Chiếc máy xét nghiệm sinh hóa Hitachi 717 của bệnh viện Đa khoa Thường Tín “mượn” của doanh nghiệp vừa bị Sở Y tế HN tịch thu |
Điều đáng nói ở đây là, theo hợp đồng với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khoáng sản, nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm bảo dưỡng, thay thế các thiết bị cho máy trong vòng 10 năm. Thế nhưng, thay vì liên hệ với Công ty này để sửa chữa thì khi máy xét nghiệm bị hỏng, các bệnh viện lại gọi tới các đơn vị cung ứng hóa chất và không sửa được máy.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên, ngành y tế Thủ đô xảy ra những “bê bối” trong việc quản lý trang thiết bị y tế. Vụ việc nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (năm 2013) cũng đã từng gây xôn xao dư luận.
Theo bà Hoàng Thị Nguyệt, một trong những người đứng đơn tố cáo những sai phạm tại BV Đa khoa Hoài Đức khi đó, thì việc tiến hành xét nghiệm hầu hết được thực hiện từ trang thiết bị liên doanh, liên kết giữa BV và một công ty bên ngoài; trong khi máy móc công bị “đắp chiếu” vì những hỏng hóc rất đơn giản.
Có dấu hiệu làm giả giấy tờ để nhập khẩu thiết bị y tế
Theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra xác định có những dấu hiệu cho thấy, có việc làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước và những dấu hiệu bất thường của việc máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 được mua bán qua nhiều công ty ở Hà Nội.
Theo hồ sơ, năm 2010, Sở Y tế Hà Nội tổ chức đầu thầu gói thầu số 4 mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm cho 6 bệnh viện huyện. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khoáng sản là đơn vị trúng thầu cung cấp 6 máy phân tích sinh hóa tự động Greiner GA 240, xuất xứ Đức với giá trúng thầu 648 triệu đồng/máy. Công ty này không nhập khẩu trực tiếp mà mua lại từ Công ty Tâm Long - đơn vị này lại mua máy từ Công ty Bình Mai. Chính việc mua bán lòng vòng này mà giá trúng thầu đội gần gấp đôi so với giá lúc nhập khẩu lên đến 648 triệu đồng/máy. Giá nhập khẩu loại máy xét nghiệm trên trong tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan có giá 360 triệu đồng/chiếc.
Giấp phép nhập khẩu lô hàng thiết bị trên do lãnh đạo Bộ Y tế ký vào ngày 2/8/2010, cấp cho Công ty Bình Mai. Tuy nhiên, trước đó gần 2 tháng (ngày 9/6/2010), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khoáng sản đã bàn giao máy cho Bệnh viện huyện Thường Tín khi chưa được cấp giấy phép.
Cơ quan điều tra khẳng định: có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan chức năng trong vụ việc này khi trong hồ sơ hải quan của lô hàng nhập khẩu này lại xuất hiện thêm một giấy phép nhập khẩu cũng do lãnh đạo Bộ Y tế ký và mang số 5087, nhưng lại có ngày cấp là 1/6/2010.
Về vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra bất ngờ với việc lô thiết bị y tế Greiner GA240 nhập vào Việt Nam có hai tờ giấy phép nhập khẩu cùng một số 5087 nhưng thời gian ký khác nhau: tháng 6/2010 và tháng 8/2010.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đã có văn bản đề nghị cơ quan Công an làm rõ việc có hay không giả mạo giấy tờ, gian lận thương mại trong nhập khẩu lô máy xét nghiệm nói trên; có hay không việc nhà nhập khẩu nhập thiết bị về trước rồi sau đó mới hợp thức hóa thủ tục?
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo ngành Y tế chủ động kiểm tra sự việc. Quan điểm của UBND thành phố Hà Nội là nếu có sai phạm xảy ra sẽ không bao che, cương quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Y tế cần làm rõ quy trình đấu thầu, nguồn gốc của lô thiết bị y tế nhập khẩu tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín cũng như việc đưa vào sử dụng thiết bị khi chưa được phép của Sở Y tế.
Theo Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn, quy trình nhập khẩu trang thiết bị y tế còn bất cập. Người ký cho phép nhập khẩu chỉ được nhìn trên giấy, trong khi người trực tiếp kiểm tra sản phẩm lại là đơn vị khác.
Giấy phép nhập khẩu có thời hạn một năm. Lợi dụng điều này, sau khi nhập một lô hàng về bán cho đơn vị khác, doanh nghiệp có thể giải thể và lập doanh nghiệp mới. Nếu lô hàng có vấn đề, cơ quan chức năng không tìm được công ty chịu trách nhiệm.
Như vậy, có thể nói, nguyên nhân chính của những vụ lùm xùm thời gian qua là do các quy định quản lý việc xã hội hóa trang thiết bị tại các cơ sở y tế của Hà Nội còn lỏng lẻo. Công tác kiểm tra, giám sát quy trình đấu thầu thiết bị của Sở Y tế Hà Nội thiếu chặt chẽ. Bởi vậy, cần phải ban hành ngay những quy định mới để hạn chế những hành vi lạm dụng chủ trương xã hội hóa. Thiết bị y tế lạc hậu cho ra kết quả sai dẫn đến việc chẩn đoán, khám chữa bệnh cũng sẽ có nhiều sai sót, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với ngành Y tế./.
.