(Congannghean.vn)-Đã hơn 40 năm kể từ ngày được trao trả tù binh theo Hiệp định Pari (tháng 3/1973), cây đàn nhị mà ông xem như báu vật trong nhà được treo trang trọng tại phòng khách bên cạnh tấm ảnh chụp chung với các bạn tù ở nhà tù Phú Quốc. Đằng sau cây đàn thô sơ ấy là câu chuyện về tinh thần lạc quan kỳ lạ của anh em tù binh ta và phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ" của người lính tài hoa làm nên cây đàn đó.
Nghe tin CCB Tăng Đình Thích - Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Diễn Châu ở xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) "trình làng" tập thơ "Lửa hận ngục tù" và tổ chức đêm thơ mừng chiếc đàn nhị 45 tuổi, tôi và mấy ông bạn ở Hội CCB huyện Diễn Châu đến thăm. Thấy bạn bè, đồng đội đến thăm đông đủ, ông Thích mừng lắm. Ông nói: "Có được niềm vui này, công đầu là của bà xã, tiếp đó là nhờ bạn bè, bà con giúp đỡ, xây nên mái ấm gia đình, tạo điều kiện cho tôi làm tốt công tác xã hội". Thấy chồng nhắc đến tên mình, bà Hiền - vợ ông Thích như trẻ ra, đôi má ửng hồng, tay rót rượu mời khắp lượt mọi người mà lòng tràn ngập niềm vui. Ông Thích chỉ tay lên hai chiếc đàn treo bên cạnh tấm ảnh chụp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, phấn khởi nói: "Chiếc đàn nhị bên phải tôi làm trong nhà tù Phú Quốc vào cuối năm 1969, còn chiếc bên trái làm tại quê nhà vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam". Nói rồi, ông Thích lấy chiếc đàn 45 tuổi và tập thơ "Lửa hận ngục tù" đưa cho mọi người xem, rồi đánh đàn ca hát, ngâm thơ góp vui với bà con.
Ở Nghệ An, người làm ra đàn nhị, đàn bầu không hiếm, nhưng người làm ra chiếc đàn trong lao tù đế quốc và lưu giữ 45 năm thì chỉ có CCB Tăng Đình Thích ở xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu. Chuyện là thế này: Tháng 12/1967, khi chưa tròn 17 tuổi, Tăng Đình Thích đã viết "huyết tâm thư" tình nguyện vào bộ đội. Sau một thời gian huấn luyện để "đi B", tháng 3/1968, Thích được điều động vào chiến trường B2 với chức vụ Tiểu đội trưởng. Cuối năm 1968, được điều về Đoàn Đặc công Miền (đơn vị 250Y) chủ yếu hoạt động ở vùng sông nước miền Đông Nam bộ. Tại đây, Thích cùng đồng đội đánh hàng chục trận, lập nên những chiến công sáng chói, diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Tháng 8/1969, trong một trận đánh ác liệt để bảo vệ trạm quân y dã chiến đóng ở huyện Tân Trụ (Long An), sau hơn một giờ chiến đấu ngoan cường để phá vòng vây, đánh lạc hướng địch, bảo vệ cho anh em thương binh rút về căn cứ an toàn, Thích bị địch bắt. Kẻ địch hành hạ, tra tấn, hỏi cung ráo riết, thương tích đầy mình, ông chỉ nói tên là Đặng Trung Hiếu, mọi thông tin khác ông đều giữ kín. Bọn địch đưa ông lên máy bay nhốt vào Trại Biên Hòa rồi đày ra nhà tù Cây Dừa, Phú Quốc.
Ông Tăng Đình Thích - Cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Phú Quốc (1969 - 1973) ra thắp hương mộ liệt sĩ đồng đội tại Nghĩa trang Phú Quốc (30/4/2008) |
Tại đây, Đặng Trung Hiếu (tên trong tù) tức ông Tăng Đình Thích, ông Phạm Sang (xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp, Nghệ An) cùng biệt giam với ông Tư Sang (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang), Đại tá Tô Diệu - nguyên Phó Cục trưởng Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị), Nguyễn Tấn Phương - nguyên Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Nguyễn Xuân Tam (người Diễn Hoa, Diễn Châu) - nguyên Bí thư Đảng ủy Phân khu C4 Phú Quốc. Mọi người đã dìu dắt, giúp đỡ ông học văn hóa, chính trị và tập làm thơ.
Vốn có tâm hồn nghệ sĩ, ông Thích không thể ngồi yên trong “địa ngục trần gian” của kẻ địch, vừa học văn hóa, chính trị, ông vừa mày mò làm nhạc cụ từ những vật liệu thô mộc trong tù. Tác phẩm đầu tiên là cây đàn nhị (hiện ông đang lưu giữ tại quê nhà) làm bằng lon nước bỏ đi của bọn quân cảnh, ông lấy da cóc bịt chặt làm ống nhị. Từ khúc củi gỗ tràm xin của bếp ăn, ông tỉ mẩn đẽo gọt cho trơn mịn thành cây gỗ nhỏ bằng ngón tay làm cần nhị. Còn dây nhị làm bằng dây điện cắt ngoài hàng rào. Cử nhị làm từ những sợi dây tuốt từ bao xác rắn địch đựng đất làm lô cốt được ông cho dính chặt bằng nhựa thông đốt từ tấm ván giường nằm. Cây đàn nhị hoàn thành trong vài ngày. Ông Thích đào hố bên hàng rào kẽm gai, đặt cây đàn vào đó rồi lấy mảnh ván đậy lên, lấp đất lại, khi nào cần dùng ông mới lấy ra. Cây đàn nhị ấy thấm đẫm mồ hôi và máu của đồng đội. Họ đã cùng ông tìm kiếm nguyên liệu và canh chừng bọn giám thị cho ông làm. Khi một lần tên trung úy giám thị vào kiểm tra, thấy ông đang đẽo cần đàn, bèn vu là đẽo gậy đánh giám thị. Chúng đánh ông một trận tơi bời và nhốt vào chuồng cọp suốt 3 ngày 3 đêm. Cả trại C4 cũng đem phơi nắng, da người nào cũng tróc ra từng mảng.
Kẻ địch càng tàn ác thì anh em tù càng muốn sống tốt đẹp hơn. Họ khích lệ ông tiếp tục sáng tạo ra nhiều nhạc cụ khác như làm sáo bằng mảnh tôn được gò cuộn tròn lại, đàn bầu thì làm từ tấm lát giường nằm, bộ trống gõ được làm từ những cái chậu tôn. Ngoài làm nhạc cụ, ông Thích còn học thuộc lòng 3.254 câu Kiều, học thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu và các bậc tiền bối cách mạng. Ông còn sáng tác, ngâm thơ động viên các bạn tù. Những vần thơ ông sáng tác khi cận kề cái chết nhưng vẫn thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, khảng khái và vững niềm tin vào ngày mai chiến thắng. Còn tiếng đàn, tiếng hát của ông không chỉ củng cố tinh thần và nghị lực, niềm tin cho anh em mà còn làm cả công tác địch vận. Cảm phục trước tinh thần lạc quan của chiến sĩ ta, một số binh lính trong trại lén gửi thuốc men cho tù nhân ta dùng, thậm chí còn cung cấp thông tin nội bộ cho anh em ta biết để có đối sách đấu tranh. Kể đến đây, ông Thích phấn chấn ngâm 2 câu thơ: "Ngục tù nổi lửa quyết vùng lên/ Chiến đấu tay không vững chí bền/ Tinh thần đoàn kết thêm sức mạnh/ Vùng lên thề quyết giữ thanh danh"… "Đế quốc tù ta, ta chẳng tù/ Ta còn khối óc, ta không lo!". Tháng 3/1973, Tăng Đình Thích và đông đảo cán bộ, chiến sĩ cách mạng ở nhà lao Phú Quốc được trao trả tù binh theo Hiệp định Pari. Ông phục viên về quê xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) với thương tật 71%, thương binh hạng 2/4. Ông mang theo các loại nhạc cụ làm trong tù tặng cho Bảo tàng cách mạng Việt Nam, chỉ giữ lại cây đàn nhị làm kỷ niệm.
Chiến tranh đã lùi về quá khứ, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của thời trai trẻ, một thời sống trong mưa bom bão đạn, trong hang hùm, miệng sói của kẻ thù thì không thể nào quên. Ông Thích cho biết: Hàng ngày nhìn cây đàn và những tấm ảnh chụp chung với các bạn tù, lòng tôi như sáng láng ra, tự bảo mình luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: "Thương binh tàn nhưng không phế". Được xã và bà con động viên khuyến khích, ông thành lập câu lạc bộ văn nghệ, làm thêm 5 loại nhạc cụ, bỏ tiền mua quần áo, phông màn, dịp văn nghệ nào xã tổ chức ông cũng tham gia. Mới đây, ông tuyển chọn, biên soạn ra mắt bạn đọc cuốn sách "Lửa hận ngục tù", gồm 10 bài thơ sáng tác từ những năm 1969 - 1973 và những bài bút ký, ghi chép của các nhà văn, nhà báo viết về cựu tù Tăng Đình Thích. Sách được in trên giấy tốt, trình bày đẹp, kèm theo những bức ảnh ở lao tù Phú Quốc, ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà tác giả may mắn được gặp tại Hà Nội và những lần thăm lại chiến trường xưa.
Có thể nói, cây đàn làm trong lao tù và tập thơ "Lửa hận ngục tù" đã gây xúc động và sự chú ý của người đọc, người xem, nhất là những người cùng trang lứa với tác giả "Một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Khi được đồng đội bầu làm Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Diễn châu, cây đàn và cuốn "Lửa hận ngục tù" lại theo chân ông tỏa về 39 xã, thị trấn để vận động hội viên, phát huy truyền thống người chiến sĩ cách mạng, gương mẫu đi đầu trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng quê hương, gia đình ngày một ấm no, đổi mới.
Chia tay CCB Tăng Đình Thích, người làm nhạc cụ trong tù tài hoa, trong tôi cứ lấp lánh hình ảnh người con trai Diễn Đồng của 47 năm về trước tòng quân nhập ngũ, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bây giờ về làng, phẩm chất người lính trong ông luôn tỏa sáng, tô thắm thêm truyền thống "Bộ đội cụ Hồ" trên trận tuyến mới.
.