Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/cung-chi-vi-khat-nuoc-sach-478929/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/cung-chi-vi-khat-nuoc-sach-478929/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cũng chỉ vì 'khát nước sạch' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 29/04/2014, 08:55 [GMT+7]

Cũng chỉ vì 'khát nước sạch'

Nằm cách đường nước sạch sông Đà chỉ vài trăm mét, nhưng cả xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội đều phải sử dụng nước giếng khoan hàng chục năm nay. Hầu như hộ dân nào cũng khoan giếng và xây bể ngầm hàng chục mét vuông dưới lòng đất để chứa nước sinh hoạt. Mới đây, tổ 6, thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn đã xảy ra tình trạng sụt lún nghiêm trọng cũng từ việc khoan giếng lấy nước của một hộ dân. Trước sự cố không đáng có này, nhiều người dân ngày đêm vẫn phải sống trong thấp thỏm khi các vết nứt ngày một lan rộng. Một số gia đình buộc phải di dời, sống cảnh màn trời chiếu đất và phải đi xin từng ca nước để sử dụng…
 
1 mũi khoan 10 hộ bị nứt, lún
 
Đã hơn chục ngày trôi qua, những hộ dân sống trong khu vực nứt, lún của thôn Sơn Trung vẫn phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, người thì kê giường bạt ngay ngoài đường thôn để ở tạm, người thì ở nhờ nhà họ hàng, người thân. Toàn bộ khu vực nứt, lún đã được phong toả và cảnh báo nguy hiểm nhưng ngày ngày, những người dân vẫn phải đi ra đi vào khu vực cấm để tiếp tục chăn nuôi lợn gà, bảo vệ tài sản, vì họ không thể di dời tài sản được đi đâu.
 
Kể lại sự việc, bà Nguyễn Thị Vị, hộ gia đình bị thiệt hại nặng nhất vẫn chưa hết bàng hoàng: "Khoảng 11h trưa 4/4, khi nhà anh Nguyễn Đức Cương đang khoan giếng, tôi có bế cháu chơi trước cổng nhà bà Tý. Lúc đầu tôi có nhìn thấy những vết nứt trên cổng nhà bà ấy, nhưng tôi cũng không nghĩ là do khoan giếng, chỉ nghĩ chắc là do công nông đi qua tông vào. Mấy anh thợ khoan giếng cũng bảo thế, sau đó tôi lại bế cháu vào nhà bà Tý chơi. Chỉ độ một lúc tôi quay ra thấy vết nứt càng lớn tôi mới gọi bà Tý ra. Tường bắt đầu nghiêng và lở, chúng tôi liền bảo mấy anh khoan giếng, lúc ấy, các anh ấy mới dừng lại. Và chỉ độ 30 phút sau, tường nhà bà Tý cứ đổ ầm ầm xuống. Đường lún dần kéo các tường và sân nhà chúng tôi nứt toác ra".
 
Nơi khoan giếng gây sụt, lún
Nơi khoan giếng gây sụt, lún
 
Bà Phùng Thị Tý còn cho biết thêm: "Mấy ngày nắng thì đất không sụt lún, nhà không nứt thêm, nhưng mấy hôm mưa to, nước dâng lên ngập sân nhà tôi, chỉ 5 phút sau là trôi sạch, sân, nhà càng nứt lún nặng. Bây giờ cả thôn các giếng đều nứt và cạn sạch nước. Mọi đường ống đều vỡ. Thậm chí nhà tôi cẩn thận lắp 4 lần đường ống giếng khoan nhưng đều vỡ cả".
 
Hiện có 6 hộ dân, gồm: Gia đình bà Nguyễn Thị Vị; bà Phùng Thị Tý; Nguyễn Thị Chung; Nguyễn Thị Hợi, bà Nguyễn Thị Yến và gia đình ông Phùng Văn Thìn, với hơn 30 nhân khẩu đã phải di dời khỏi nhà.
 
Theo quan sát của phóng viên, tuyến đường bê tông vào đội 6, thôn Sơn Trung bị nứt, gãy có chiều dài khoảng 50m, lún sâu 60-70cm so với hiện trạng ban đầu. Vị trí giếng khoan lún sâu khoảng 75cm, đã xuất hiện vết nứt cách chân đê khoảng 5m. Nặng nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Vị, cạnh nhà ông Cương khi tường bao, sân bị nứt toác, gian nhà cấp 4 mới xây dựng tường cũng bị nứt ngang, dọc, vết nứt rộng khoảng 15cm, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào; bể nước bị nứt, cạn kiệt kể từ khi xảy ra sự cố. Các vết nứt kéo từ tường cổng qua tới sân rồi vào đến nhà ở, làm nhiều tường phòng, trần nhà bị nứt gãy, đường dây điện gia đình bị đứt, công trình phụ bị đổ. Bà Vị và mẹ con cô con gái phải dựng tạm lều ở ngay đầu thôn để vừa trông coi tài sản, vừa chăn nuôi, sản xuất.
 
Còn hộ bà Phùng Thị Tý (đối diện nhà ông Cương), toàn bộ khu vườn bị lún sâu khoảng 60cm so với hiện trạng ban đầu, giếng khoan cũng bị sụt xuống, khu chuồng trại chăn nuôi, công trình phụ bị nứt tường, phía ngoài vườn nhà cũng bị lún sụp xuống 50-60cm, khiến khu vực chuồng trại bị hư hỏng nặng. Toàn bộ cổng ra vào và khoảng 30m tường bao bị nứt, đổ nham nhở. Cuộc sống của các hộ dân hoàn toàn bị đảo lộn.
 
Nghịch lý từ việc thiếu nước sạch
 
Việc sụt, lún nghiêm trọng tại thôn Sơn Trung mấy ngày gần đây bắt nguồn từ việc người dân thiếu nước sạch nên phải khoan giếng để lấy nước. Được biết, cả thôn Sơn Trung và thôn Quảng Yên của xã Yên Sơn đều chưa có nước sạch hàng chục năm nay dù chỉ nằm cách đường nước sạch sông Đà chưa đầy 500m. Cả thôn Sơn Trung nhà nào cũng phải khoan giếng và xây bể hơn chục mét vuông dưới lòng đất để chứa nước sinh hoạt. Theo ông Phùng Văn Thìn, một hộ dân cũng bị sụt lún nghiêm trọng thì: "Ở thôn này rất nhiều nhà khoan giếng nhưng chưa hề bị làm sao. Chỉ có nhà ông Cương vừa khoan đúng 1 mũi sâu hơn 50m thì xảy ra hiện tượng sụt, lún". "Chắc lòng đất ở đây có vấn đề. Có nhà khoan giếng, thả mũi khoan xuống độ sâu 100m mà vẫn không thấy đáy", bà Tý cho biết thêm.
 
Nhiều nhà bị đổ, nứt vì sự cố này
Nhiều nhà bị đổ, nứt vì sự cố này
Kể từ khi vụ sụt lún xảy ra, nhiều bể nước của các hộ gia đình trong thôn đều bị nứt nẻ, cạn kiệt. Nhà nào còn nước thì chia cho nhà ít nước, hoặc phải đi mua nước sạch. Nước trở thành tài sản vô cùng quý báu của những người dân nơi đây khi họ phải chắt chiu, dành dụm và tiết kiệm từng ít một.
 
Hiện nay UBND xã Yên Sơn đã cho di dời 6 hộ dân trong vùng nguy hiểm, lập chốt bảo vệ để canh phòng tài sản cho nhân dân, cũng như hỗ trợ, cảnh báo nguy hiểm cho những gia đình vẫn vào ra nơi nguy hiểm để tiếp tục sản xuất, chăn nuôi.
 
Chia sẻ với PV về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vị nói: "Việc bị dừng sử dụng nước khiến cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn. Chúng tôi cũng mong các cấp chính quyền nhanh chóng xem xét việc cấp nước sạch cho thôn chúng tôi, để chúng tôi có nước sinh hoạt trong những ngày tới, đồng thời tránh tình trạng các hộ dân thiếu nước tiếp tục khoan giếng khi chưa biết địa chất ở đây như thế nào sẽ tiếp tục gây nguy hiểm cho các hộ dân trong thôn".
 
Cần nhanh chóng giải quyết
 
Mặc dù đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm và yêu cầu phải di dời, nhưng nhiều hộ dân vẫn cố bám trụ tại nhà, bởi họ còn cả tài sản, lợn, gà, vịt… không có chỗ di chuyển nên vẫn phải ngày ngày ra vào chăn nuôi. Nhiều người hoang mang không biết nhà mình có thể sập lúc nào, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành nghiên cứu xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục tốt nhất khi ngày ngày, họ vẫn phải đi ở nhờ, hoặc dựng lán ngủ ngoài đường, và phải đi xin từng ca nước sạch.
 
Hiện UBND xã Yên Sơn đã hỗ trợ cho mỗi gia đình từ 1,5 đến 3 triệu đồng, tuỳ vào mức độ thiệt hại, nhưng cuộc sống của người dân vẫn hết sức khó khăn, thiếu thốn. "Nhà ít người còn đi ở nhờ được, nhà đông người thì ở làm sao. Mà làm sao chúng tôi có thể ở lâu dài được. Chính quyền xã hỗ trợ tiền nhưng đó là tiền di dời tài sản, con người. Còn những thiệt hại về nhà cửa, đường sá thì chưa có thống kê nào cả. Chúng tôi đang rất hoang mang, chỉ mong các cấp chính quyền kiểm tra, xác định nguyên nhân do đâu, để chúng tôi còn biết là được ở lại hay bắt buộc phải di dời đi nơi khác. Mà nếu bắt buộc phải di dời đi nơi khác, thì cũng nên xem xét cấp chỗ ở cho chúng tôi, chứ tình cảnh như thế này, chúng tôi biết đi đâu, mà cũng không biết phải sống cảnh màn trời chiếu đất như thế này đến bao giờ", bà Tý cho biết.
 
Một gia đình nằm trong khu sụt lún phải kê giường ngoài đường ngõ để ngủ
Một gia đình nằm trong khu sụt lún phải kê giường ngoài đường ngõ để ngủ
 
Được biết, những hộ dân nằm trong khu sụt lún, đều là những người nông dân nghèo, phải sống dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi. Sự việc xảy ra khiến nhiều nhà rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, khi thiếu chỗ ở, thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn, không thể chú tâm vào làm ăn khi nhà cửa, tài sản của mình đang có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó những vết nứt gãy ngang dọc đang tiếp tục lan rộng, hướng về đê sông Đáy, đe doạ đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân trong thôn.
 
Ông Phùng Văn Tài, phó phòng TNMT huyện Quốc Oai cho biết:
 
"Ngày 4/4, Phòng nhận được tin báo từ UBND xã Yên Sơn về việc sụt lún do khoan giếng, phòng đã xuống hiện trường kiểm tra và đề nghị UBND xã khẩn trương di dời các hộ dân trong khu vực sụt, lún để đảm bảo an toàn. Chiều hôm đó, phòng cũng có báo cáo gửi UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo. UBND huyện cũng chỉ đạo UBND xã khoanh vùng nguy hiểm, di chuyển, bố trí chỗ ở cho các hộ dân, lập chốt bảo vệ để bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản cho người dân, hằng ngày báo cáo diễn biến sụt, lún cho huyện, đồng thời huyện cũng có báo cáo lên Sở TNMT về tình hình sụt lún và xin ý kiến chỉ đạo. Ngày 10/4, Sở TNMT đã có đoàn về kiểm tra và yêu cầu huyện thường xuyên theo dõi báo cáo UBND thành phố để thành phố kịp thời chỉ đạo. Huyện cũng đã kiến nghị lên UBND thành phố sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định rõ nguyên nhân, đề ra các biện pháp khắc phục hậu quả. Sở TNMT cũng yêu cầu xã tiến hành kiểm tra, đo độ sụt lún mỗi ngày 2 lần để kịp thời báo cáo lên cấp trên.

 

.

Nguồn: cand.com.vn