(Congannghean.vn)-Tròn 18 tuổi, người thiếu nữ ấy tình nguyện đi thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, nơi ấy chiến sự vô cùng ác liệt. Máy bay Mỹ thường xuyên trút bom xuống con đường bà và đồng đội đang san lấp hố bom cho xe chi viện chiến trường đi qua. Bà bị thương nặng do sức ép của quả bom tấn, làm chấn thương sọ não. Các bác sĩ kết luận, bà bị ảnh hưởng thần kinh, từ đó bà ngày một ốm yếu. Những hôm trái gió trở trời làm bà đau đớn, lúc tỉnh lúc mê. Hoàn cảnh người phụ nữ ấy lâu nay thật thảm thương, sống cô đơn trong căn nhà tối tăm. Người thân đã nhiều lần gửi đơn xin chế độ trợ cấp và xây dựng cho bà một ngôi nhà tình nghĩa trong những ngày cuối đời, nhưng vẫn chìm trong vô vọng.
Chúng tôi đến nhà bà Trịnh Thị Lan ở xóm Thanh Phúc, xã Tân An, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vào một ngày đầu xuân Giáp Ngọ. Ngôi nhà tồi tàn nằm nép mình bên ngọn đồi sâu hun hút. Vừa vào đến sân đã thấy bà Lan dáng người yếu ớt đang rầu rĩ ngồi tựa bên gốc cây trước nhà. Thấy chúng tôi vào, bà đưa mắt nhìn chằm chằm có vẻ dè chừng, một lát sau bà đứng dậy chào khách với nụ cười không bình thường của một người bệnh. Anh Nguyễn Văn Tương, em rể bà Lan đi cùng chúng tôi, nói giọng xúc động: “Hoàn cảnh chị ấy đáng thương lắm cô ạ, năm nay đã hơn 60 tuổi rồi, không chồng không con, suốt ngày thui thủi một mình, lại bị bệnh tật dày vò bao năm nay. Lúc tỉnh táo còn đỡ, khi bệnh tái phát, chị như người vô thức, không thể tự chăm sóc bản thân, cơm cũng không biết nấu mà ăn, quần áo cũng không biết giặt giũ, thỉnh thoảng lại ra gốc cây ngồi một mình, hoặc đóng cửa kín mít không ai biết chị đang làm gì trong đó”.
Tôi vào nhà bà Lan mà có cảm giác lành lạnh như từ lâu không có người ở, bên trong tối mịt, chỉ độc đặt một chiếc giường nhỏ, vài chiếc bát, đôi đũa, bên cạnh là nồi thức ăn dường như để lâu nên đã bốc mùi ôi thiu. Anh Tương cho biết, khi bệnh tái phát là chị không biết gì chứ bình thường rất tỉnh táo, chuyện gì cũng nhớ vanh vách. Thật may, hôm chúng tôi đến, bà tỉnh táo trò chuyện vui vẻ. Khi hỏi về thời kỳ tham gia TNXP, bà Lan nhìn về phương Nam, như để nhớ lại nơi ấy bà và đồng đội là những chiến sĩ thanh niên xung phong cảm tử cho con đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Tôi nhìn đôi mắt bà rơi lệ khi kể về cuộc đời bằng giọng yếu ớt: Bà sinh ra ở miền quê nghèo thuộc xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh và là chị cả trong một gia đình có 4 chị em. Cũng như những đứa trẻ cùng trang lứa, tuổi thơ của bà trôi qua trong khói lửa bom đạn chiến tranh.
Bà Trịnh Thị Lan một mình cô đơn, chống chọi với bệnh tật trong căn nhà nhỏ |
Tháng 6/1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà tình nguyện lên đường gia nhập Đơn vị C557-N55-P18TNXP làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại Ngã ba Đồng Lộc. Nơi ấy lúc đó là điểm nóng vô cùng ác liệt của chiến tranh giữa những chiến sĩ TNXP giữ đường và không quân Mỹ ném bom tàn phá hòng chặt đứt đường tiếp viện của quân đội ta. Trong lúc cùng đồng đội làm nhiệm vụ, từng đoàn máy bay các loại của Mỹ đánh phá ác liệt, ném hàng trăm nghìn quả bom xuống Ngã ba Đồng Lộc. Bà Lan và nhiều chiến sĩ khác bị thương. Riêng bà bị thương nặng do sức ép một quả bom tấn làm chấn thương sọ não. Đồng đội đã đưa bà vào cấp cứu tại Bệnh viện Thạch Hương, huyện Thạch Hà. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên bà được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội điều trị.
Sau khi khỏi bệnh, bà tiếp tục quay về đơn vị công tác. Một thời gian sau, bà được ưu tiên đi học 3 năm Trung cấp chăn nuôi tại Lạc Thủy, Hòa Bình. Học xong, làm công nhân kỹ thuật tại Trạm chăn nuôi Ghềnh ở Hà Nam Ninh. Sau đó chuyển về Nông trường Thạch Ngọc (Hà Tĩnh). Năm 1992, vết thương ở não tái phát và ngày càng trở nên trầm trọng, sức lực bà như sụp đổ, tiều tụy khiến bà không còn tỉnh táo để tiếp tục công tác nên Nông trường Thạch Ngọc làm chế độ mất sức và đưa bà về bàn giao cho gia đình ở quê nhà. Trở về gia đình với thương tật đầy mình, mắt trái lại không nhìn thấy rõ, người thiếu nữ năm nào xinh đẹp, duyên dáng giờ đây do đổ sức lực cho chiến tranh giải phóng đất nước đã trở nên tàn phế, trở thành một bà lão cô đơn khổ đau, từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật hành hạ.
Trong lúc đó, hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn, bố mẹ già cả, không thể nuôi người con bệnh tật nên bà Lan được người em gái là Trịnh Thị An đưa về chăm sóc. Lúc này chị An đã lập gia đình, định cư tại xã Tân An, huyện Tân Kỳ. Thương hoàn cảnh của chị gái không chồng, không con lại bị bệnh tật nên chị An cùng chồng là Nguyễn Văn Tương đã quyết định xây tạm một căn nhà nhỏ ngay trên mảnh đất của mình, cách nhà anh chị gần cây số, rồi làm bìa đất mang tên Trịnh Thị Lan để người chị bất hạnh ấy có nơi che mưa nắng khi tuổi đã xế chiều. Từ đó đến nay, bà Lan ở trong căn nhà nhỏ ấy, hàng ngày vợ chồng chị An, anh Tương thay nhau chăm sóc, chăm lo từng bữa ăn, mua quần áo, thuốc thang cho chị.
Chị Trịnh Thị An tâm sự: “Thương chị ấy lắm mà chẳng biết làm thế nào, mỗi khi bệnh tái phát là chị không làm chủ được hành vi của mình. Hai vợ chồng tôi thương chị, muốn đưa chị về ở cùng để tiện bề chăm sóc nhưng sợ bệnh tái phát, chị trở nên khó tính nên đành phải để chị ở một mình. Hiện nay, mỗi tháng chị Lan được hưởng tiền chế độ mất sức 1,6 triệu đồng, còn tiền chế độ thương tật thì không được hưởng gì cả. Bởi vậy, với số tiền ít ỏi ấy không thể đủ lo thuốc thang, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày nên thiếu thốn gì là gia đình tôi lại gom góp thêm để lo liệu cho chị. Thấy bệnh tình chị mỗi ngày mỗi nặng, gia đình cũng đã một vài lần đưa chị đi chữa trị ở Hà Nội, Huế nhưng bệnh không thuyên giảm, phần khác do điều kiện gia đình tôi cũng khó khăn nên không đủ điều kiện để tìm nơi tốt nhất chữa trị cho chị. Bản thân tôi đã nhiều lần làm thủ tục xin hỗ trợ tiền xây ngôi nhà tình nghĩa cho chị nhưng vẫn chưa được”.
Chị An cho biết thêm, trước đây mọi giấy tờ, thủ tục về thương tật của bà Lan đều bị mất nên chị An đã nhiều lần đứng ra thay chị gái làm tờ trình kê khai lại thương tật nhưng từ đó đến nay bà Lan vẫn chưa được hưởng chế độ thương tật. Đây quả là một thiệt thòi lớn đối với bà Lan khi bà đã không tiếc tuổi thanh xuân, cống hiến cho Tổ quốc độc lập, nay về già ốm đau bệnh tật lại bị lãng quên?! Vừa nói, chị An lấy cho chúng tôi xem Tờ trình kê khai thương tật kèm theo xác nhận một số người làm chứng, họ đều là những đồng đội từng vào sinh ra tử với bà Lan. Theo ông Trịnh Hồng, lúc đó là Trung đội trưởng Đơn vị C557-N55-P18TNXP, xác nhận: “Cô Trịnh Thị Lan khi đó ở A8, Đại đội 557, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc thì máy bay Mỹ ném bom ác liệt, không may Lan và nhiều người khác bị thương nặng. Tôi đã chuyển Lan và đồng đội vào Bệnh viện Thạch Hương, sau đó chuyển ra Hà Nội điều trị. Nay do bệnh tật tái phát, đã làm suy nhược thần kinh, ảnh hưởng sức khỏe, vậy đề nghị các cơ quan xem xét đối chiếu với quy định của Nhà nước để cô Lan không bị thiệt thòi”.
Tạm biệt bà Lan trong cái rét như cắt da thịt, ấy vậy mà bà chỉ khoác mỗi chiếc áo mỏng đã sờn vai, ánh mắt bà nhìn chúng tôi như cầu cứu. Bà nói âm thanh như tiếng khóc trong lòng: “Nếu cháu có điều kiện thì giúp bà với, chứ hoàn cảnh bà tội lắm cháu ạ, cô đơn, bệnh tật khổ lắm, may còn có dì dượng thương xót cưu mang, không thì bà chết lâu rồi”. Câu nói của bà như một lời kêu cứu nghe mà xót xa thương cho một số phận. Mong rằng, các cấp, ngành quan tâm xem xét giải quyết chế độ thương tật cho bà Lan, các đoàn thể và các nhà hảo tâm hãy giúp đỡ về vật chất để bà có điều kiện xây ngôi nhà tình nghĩa, để người có công không bị thiệt thòi.
.