Vài năm trở lại đây người dân lao đao bởi suy thoái kinh tế. Thế nhưng trong sự khó khăn ấy vẫn còn biết bao đại gia sẵn sàng vung ra hàng tỷ đồng để thỏa thú chơi trội của mình. Họ tậu đất, lập vườn, làm trang trại rồi kỳ công mua những ngôi nhà sàn cổ đặt ở miếng đất đó chỉ để ngắm. Để phục vụ cho những thú chơi dị đó có rất nhiều bỏ quê lên rừng kiếm nhà sàn, thậm chí có cả những làng chuyên cung cấp nhà sàn. Có lẽ chỉ vì thú chơi đó, nhiều người đã và đang phá đi vốn rừng và hủy hoại bản sắc văn hóa.
Làng săn nhà sàn
Với những người lắm tiền nhiều của, việc ăn, mặc, đi lại cũng phải có những đẳng cấp riêng. Hay chí ít cũng phải khác người. Dường như chán ngán với việc giam hãm mình trong những ngôi biệt thự, cao ốc hiện đại. Họ bắt đầu nghĩ đến những ngôi nhà cổ, thậm chí cả những ngôi nhà sàn của người dân tộc thiểu số. Họ tậu cả nghìn mét vuông đất, trồng cây, làm vườn rồi bỏ ra cả tỷ đồng rước nguyên 1 nếp nhà sàn cổ của người dân tộc về đặt ở đó. Với mục đích chỉ để ngắm, cuối tuần đến hít thở. Để tăng thêm phần đẳng cấp, ngoài chơi nhà sàn cổ một số đại gia bày đặt thiết kế vật dụng trong nhà sàn cổ giống với sinh hoạt của người dân tộc thể để thể hiện tầm nhìn về văn hóa, là người thâm hiểu về văn hóa dân tộc nước nhà.
Nắm bắt được nhu cầu quái dị của các đại gia mà dân buôn gỗ đã chuyển hướng ra nghề mới: Nghề săn nhà sàn cổ. Trong vai người đi mua nhà sàn, chúng tôi có một buổi mục sở thị ngôi làng (Văn La, Văn Võ, Chương Mỹ, Hà Nội) có những tay buôn nhà sàn "khét tiếng". Hình ảnh đầu tiên là ngổn ngang những cột nhà sàn cũ với đủ kích thước, chủng loại khác nhau xếp ngay đầu làng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, những cột gỗ này là hàng thải chủ yếu bán cho các tay thợ mộc pha ra làm đồ. Khách muốn mua nhà sàn nguyên bản cần phải làm việc trước với chủ buôn. Hai bên sẽ thống nhất về kiểu dáng, kích thước, chủng loại gỗ và tuổi đời của nhà.
Ông Kỷ (55 tuổi), một người có thâm niên với nghề buôn nhà sàn chia sẻ: "Nhiều người cẩn thận họ muốn đi cùng chúng tôi lên tận nơi ngắm nghía rồi mới quyết định mua, người dễ hơn có thể xem ảnh là quyết được. Cũng phải thôi, họ bỏ ra cả vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng họ phải cẩn thận chứ".
Một nếp nhà sàn được gia chủ lắp cửa kính, cầu thang khá bắt mắt. |
Cách đây khoảng 7 năm mốt chơi nhà sàn lên ngôi, người dân ở Văn La cùng đội ngũ chân rết "săn" khắp các bản làng của Hòa Bình như: Lạc Thủy, Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn… Thậm chí vươn cả sang Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… để lùng nhà sàn cổ. Ông Kỷ còn nhớ như in cách đây 5 năm ông cùng toán thợ gỗ trong làng lùng sục khắp các bản làng xa xôi hẻo lánh. Rồi hàng chục chiếc ô tô tải cỡ lớn nối đuôi nhau chở những bộ khung nhà sàn khắp các ngả rừng Tây Bắc dọc theo Quốc lộ 6 trở về làng.
Ông Kỷ nhớ lại: "Trước đây chỉ cần lang thang vài ngày ở Hòa Bình là có hàng ngay. Nhưng bây giờ hiếm lắm, phải lên tận Lào Cai, Sơn La… Thậm chí anh em còn phải xuôi xuống các vùng ở Nghệ An, rồi sang cả Lào mới có nhà sàn đẹp". Đưa chúng tôi sang nhà anh Liên (người em họ ông Kỷ), người này được mệnh danh là "sát thủ săn nhà sàn". Có ông Kỷ đảm bảo, anh Liên tiếp chúng tôi khá niềm nở. Như vớ được khách sộp, anh Liên hỏi ngay: "Anh cần loại nhà sàn gì? Già hay trẻ? Gỗ tốt hay gỗ thường? Khoảng bao nhiêu mét vuông?". Dứt lời anh Liên lôi trong ngăn kéo bàn cho chúng tôi xem cả tệp ảnh các mẫu nhà sàn anh chụp được khắp mọi miền. Người mua phải đồng ý kiểu dáng, chất gỗ thì hai bên mới đi đến giá cả.
Theo anh Liên, việc vận chuyển nhà sàn về xuôi hiện nay khá khó khăn. Vì nhà nước có chính sách bảo vệ những nếp nhà sàn cổ, bảo tồn văn hóa dân tộc nên kiểm lâm làm rất gắt gao. Chính vì thế khi vận chuyển phải có dường dây. Cầm tấm ảnh chụp ngôi nhà sàn khá bề thế anh Liên cười nói: "Nếu anh chơi hàng này thì sẵn. Đây là ngôi nhà của một trưởng bản trong Nghệ An. Niên đại khoảng 400 năm tuổi, gỗ toàn hàng quý hiếm cả. Cột bằng sến, ván ốp bằng táu vào rui, hoành đều bằng gụ. Nhà này thì giá hơi "mặn" đấy, khoảng 10 triệu đồng/m2".
Chúng tôi ngỏ ý không hài lòng vì giá hơi cao, anh Liên nói luôn: "Thực lòng bây giờ kiếm được ngôi nhà tầm cỡ này là hơi hiếm đấy. Nếu đồng ý chúng tôi sẽ kêu đường dây, làm lễ dỡ nhà. Cứ yên tâm là chúng tôi cho thợ lên tận nơi đánh dấu sau đó sẽ về lắp ráp đàng hoàng. Mà mỗi ngôi nhà thế này tôi cũng chỉ được vài chục triệu thôi". Anh Liên liên tục đưa cho chúng tôi xem những bức ảnh nhà sàn, miệng nói liên tục như một con buôn thứ thiệt.
Nghề hốt bạc
Bắt đầu câu chuyện của những người "săn nhà sàn" ông Kỷ gật gù: "Xét cho cùng gỗ nhà sàn vẫn là loại gỗ cũ, đã được người ta chế biến rồi. Vận chuyển cũng dễ dàng hơn là những loại gỗ tươi vừa chặt. Làm thủ tục với kiểm lâm cũng không khó khăn gì. Chính vì điều này mà rất nhiều người đi "săn nhà sàn" về xuôi bán".
Không chỉ ở Văn La (Chương Mỹ, Hà Nội) có những người chuyên làm nghề "săn nhà sàn" mà còn rất nhiều vùng khác như làng Chuông, (Thanh Oai), làng Cổ Bản (Hà Đông). Những người này mang danh là các chủ của xưởng gỗ, nhưng thực chất là "trùm" đường dây chuyên buôn bán nhà sàn cổ từ miền núi về xuôi, từ những "phi vụ" này, họ kiếm tiền tỷ không quá khó. Những cái tên nổi lên trong giới buôn bán nhà sàn phải kể đến Minh “Đen”, Văn “Bò”, Hoàng Thắng…, người được coi là nổi danh nhất là Văn “Bò”… Anh Văn vốn là người dân tộc Mường sống ở Hòa Bình.
Sau những lần nhặt nhạnh gỗ tạp chở xuống xuôi kiếm chút tiền, Văn đánh hơi được lợi nhuận khổng lồ của việc buôn nhà sàn cổ. Từ đó Văn lang thang khắp các bản làng của Hòa Bình thu mua chở xuống xuôi kiếm lời. Chẳng mấy chốc Văn mua được khu đất khá lớn tại khu vực Do Lộ (Hà Đông) làm bãi đáp cho những nếp nhà sàn mình gom được.
Theo giới "săn nhà sàn" hiện nay Văn có một khu xưởng chuyên bán, dựng nhà sàn rất lớn tại khu vực dốc Kẽm (địa phận Hòa Bình). Với phương châm "không từ chối bất kỳ yêu cầu nào của khách", từ ngôi nhà vài chục triệu, vài trăm cho tới cả bạc tỷ đồng công ty của Văn đều đáp ứng cả. Xưởng gỗ của Văn “Bò” lúc nào cũng có tới vài chục công nhân, gỗ thì có cả trăm khối ở dạng cột, kèo, rui, mè…
Nói đến dân "săn nhà sàn" không thể không nhắc tới ông chủ Đối (Cổ Bản, Hà Đông) người cũng đang điều hành một xưởng mộc với cả chục thợ tinh xảo chuyên về nhà sàn. Các thợ mộc này chỉ mà 1 mắt xích nhỏ trong đường dây làm ăn của ông Đối. Những người này chỉ có nhiệm vụ mông má, sơn sửa, đục đẽo… rồi dựng lại những nếp nhà sau khi tiếp nhận gỗ từ những tay chân từ trên rừng.
Còn thú chơi nhà sàn thì rừng còn bị phá như thế này. |
Ông Kỷ thở dài: "Bây giờ các ông chủ trẻ giỏi lắm. Họ có nhiều vốn lại có sức đi nhiều. Làm nghề này cứ như hái ra tiền vậy". Theo như những người trong nghề, mỗi nếp nhà sàn loại thường mua tại gốc chỉ khoảng 50 đến 60 triệu đồng. Khi chở về xuôi, được thợ nhào nặn, mông má, lắp ghép các ông chủ bỏ tủi cả trăm triệu sau các chi phí. Tuy nhiên giá nhà sàn dao động chóng mặt bởi những yếu tố như: chất liệu, tuổi đời và vận chuyển. Có những nếp nhà cổ, gỗ quý như lim hay pơ mu lên tới 600-700 triệu, thậm chí 1 - 2 tỷ đồng.
Chính những người chuyên "săn nhà sàn" cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay rất khó khăn để tìm được một ngôi nhà sàn cổ, gỗ tốt. Bởi các hộ dân tộc Thái, Mường, Tày thấy người mua nhà sàn đến được giá là bán. Điều đáng nói hơn cả, khi bán nhà họ lại kéo nhau lên rừng chặt cây gỗ mới về dựng. Với tốc độ "săn nhà sàn" chóng mặt như hiện nay không chỉ khiến vốn rừng ngày càng cạn kiệt, nạn buôn bán nhà sàn cổ còn làm bản sắc văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc bị mai một. Thực trạng đáng buồn này chỉ dừng lại khi những "thượng đế" lắm tiền nhiều của bỏ đi thú chơi quái dị của mình.