Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/40-nam-tim-nhau-sau-ngay-chien-thang-tro-ve-445713/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/40-nam-tim-nhau-sau-ngay-chien-thang-tro-ve-445713/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
40 năm tìm nhau sau ngày chiến thắng trở về - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 25/01/2014, 15:55 [GMT+7]

40 năm tìm nhau sau ngày chiến thắng trở về

Sáng thứ bảy ngày 07/12/2013, tại gia đình ông Trần Quyết Thắng ở phường Chăm Mát diễn ra cuộc gặp cảm động của một số cựu tù binh Phú Quốc tại tỉnh Hòa Bình. Điều đặc biệt là trong 40 năm qua, họ ở gần nhau, thậm chí cạnh nhau, gặp nhau, nhìn thấy nhau mà chưa nhận ra nhau. Thế nên, đây là lần đầu tiên họ tìm thấy nhau sau 40 năm chiến thắng trở về…
 
Thông tin từ một chuyến đi
 
Trước khi ra đảo Phú Quốc, tôi không hề biết ai là người Hòa Bình đã từng bị tù đày tại nhà tù Phú Quốc thời Mỹ -Ngụy. Nhờ cuộc tìm gặp Trần Nhiếp Nhu 87 tuổi, nguyên Thượng sỹ nhất cai tù tàn ác tại nhà tù Phú Quốc, qua ông Nhu tôi nói chuyện điện thoại với ông Nguyễn Dương Kế, cựu tù binh đang sống tại TP. Hồ Chí Minh. Qua ông Kế, tôi biết ông Trần Quyết Thắng, cựu tù binh Phú Quốc đang sống tại phường Chăm Mát, TP. Hòa Bình. Gặp ông Thắng, mới hay ông vừa đi Phú Quốc về và cũng chưa biết ai là cựu tù binh Phú Quốc hiện đang sinh sống tại tỉnh Hòa Bình. Từ đây, thể theo nguyện vọng của ông Thắng và số điện thoại của ông đăng trên Báo Hòa Bình số 3932 ra ngày 10/11/2013 với bài “Ước nguyện giản dị của một cựu tù binh Phú Quốc”, ngay lập tức có thông tin từ một số cựu tù binh Phú Quốc các nơi trong tỉnh điện về cho ông Trần Quốc Thắng.
 
Sáng ngày 07/11/2013, ông Đinh Công Thịnh từ thị trấn Chi Nê, ông Bùi Thanh Ríu từ Kim Bôi, ông Hoàng Văn Hải từ Lương Sơn, ông Nguyễn Huy Tâm từ TP. Hòa Bình họ đã gặp nhau tại nhà riêng của ông Trần Quyết Thắng ở phường Chăm Mát. Không phải toàn tỉnh Hòa Bình chỉ có 5 người là cựu tù binh Phú Quốc, mà đây là 5 cựu tù binh Phú Quốc đầu tiên đang sống ở Hòa Bình và họ gặp nhau lần đầu tiên. Người viết bài này lại vinh dự được chứng kiến cuộc gặp gỡ vô cùng cảm động và ý nghĩa này.
 
San hô đỏ
 
Trong giây phút rưng rưng cảm động, những cựu tù binh Phú Quốc cùng đồng thanh đọc lại bài thơ San hô đỏ:
 
Phú Quốc năm xưa chấm bản đồ
Biển trời đất nước một màu tô
Tay chì khoanh đậm tay cô giáo
Đảo nhỏ hiện về trong sắc lơ
Phú Quốc hôm nay chốn lao tù
Lời thề tôi luyện thép hồn ta
Tay đồng chí bẻ tan xiềng xích
Hòn đảo thơm màu máu tự do
Phú Quốc ngày mai rợp bóng cờ
Bay về xanh nước đỏ vần thơ
San hô đã kết lên thành đóa
Gửi sóng xô bờ nắng nhấp nhô.
 
Bài thơ San hô đỏ được sáng tác tại khu D4, trại giam Phú Quốc năm 1970, sau đó được in ngay trang bìa của “tạp chí” mang tên San hô đỏ.
 
Các cựu tù còn nhớ như in việc lấy các thùng đồ hộp bằng carton để thật ẩm rồi bóc mỏng, phơi khô, là phẳng làm giấy; lấy mực ở những đầu con cá mực tươi địch ăn thừa bỏ đi làm mực; dùng nhựa một loại cây mầu nâu làm mầu. Những bài viết hay được gửi từ các buồng giam, khu giam tập trung về Ban Biên tập và có họa sỹ trình bày. Nội dung “tạp chí” rất phong phú gồm đủ các thể loại. Do đã thống nhất kích cỡ nên bài vở viết tay gửi về sau khi chọn lọc chỉ việc đóng lại là xong. “San hô đỏ” được bí mật chuyền tay, bí mật đọc trong khắp lao tù.
 
Người sáng tác bài hát nổi tiếng “Phú Quốc vùng lên”
 
Trong 5 người gặp nhau hôm đó thì 4 người hỏi nhau về một tù binh trẻ tuổi người Hòa Bình tên là Văn Nhân đã sáng tác bài hát “Phú Quốc vùng lên” mà họ đã hát vang tại nhà tù Phú Quốc trong những năm tháng bị tù đầy. Họ còn nhớ bài hát “Phú Quốc vùng lên” được chép trong “tạp chí” San hô đỏ tại nhà tù Phú Quốc. Không những thế, người tù mang tên Văn Nhân thường cùng một nữ tù binh rất đẹp song ca rất hay bài “Trước ngày hội bắn” khắp các buồng giam trong những dịp lễ, tết…
 
Một trong năm người trong họ ngồi im rồi rưng rưng: Văn Nhân là tên trong tù của tôi, chính tôi - Huy Tâm đây. Cả 4 cựu bạn tù tròn mắt rồi bật lên ôm lấy Huy Tâm, họ tranh nhau nắm chặt tay nhạc sỹ Huy Tâm cứ như sợ anh lại sắp biến mất như từng biến mất suốt 40 năm qua.
 
Từ trái sang: Trần Quyết Thắng, Đinh Công Thịnh, Hoàng Văn Hải, Bùi Thanh Ríu và Huy Tâm
Từ trái sang: Trần Quyết Thắng, Đinh Công Thịnh, Hoàng Văn Hải, Bùi Thanh Ríu và Huy Tâm
 
Từ quê hương Yên Mông trù mật bên dòng Đà Giang thơ mộng, Nguyễn Huy Tâm lên đường tòng quân. Khi bị địch bắt và bị đày ra Phú Quốc, Huy Tâm mới 18 tuổi với tên gọi trong tù là Văn Nhân. Trong những năm tháng bị giam cầm, Văn Nhân được người tù lớn tuổi tên Nguyễn Văn Quýnh quê ở Hồ Xá, Vĩnh Linh nguyên ở Đoàn Văn công Bình Trị Thiên dạy nhạc. Ông Quýnh là nhạc sỹ được đào tạo bài bản tại Trường Âm nhạc Việt Nam khi đó đóng ở Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Ông là con người tình cảm mà rất nghiêm khắc với học trò. Mỗi khi người học xướng âm sai liền bị thầy Quýnh véo rất đau. Chính nhờ sự nghiêm khắc đó nên chỉ sau một thời gian ngắn Văn Nhân đã nắm vững nhạc lý và sáng tác bài hát “Phú Quốc vùng lên”, bài hát được anh em trong tù yêu thích. Kẻ địch vô cùng tức giận truy tìm người sáng tác ca khúc này mà không ra.
 
Người nữ tù binh hát song ca bài “Trước ngày hội bắn” cùng Văn Nhân chính là nam tù binh tên Hùng người Yên Bái. Hùng da trắng, xinh xắn, mềm mại nên được bố trí hóa trang thành con gái. Chỉ có điều để tăng phần hấp dẫn và bất ngờ, nên đến khi chuẩn bị biểu diễn, Hùng mới bí mật hóa trang thành gái. Vì vậy, các phòng giam khác khó biết Hùng là nam đóng giả nữ.
 
Huy Tâm (Văn Nhân) được đơn vị báo tử và 3 năm sau anh trở về. Điều đặc biệt là gia đình Huy Tâm chuẩn bị làm giỗ hết cho anh (giỗ lần thứ 3 theo phong tục người miền xuôi) thì anh trở về trong sự bàng hoàng của gia đình và địa phương. Sau khi Huy Tâm về một thời gian, địa phương mới dám nhận lại Bằng Tổ quốc ghi công của anh trao lại.
 
Chân dung những cựu tù binh “mất dấu”
 
Trần Quốc Thắng có người yêu ngay từ năm 1966, khi ấy Đặng Thị Thuần người yêu Thắng mới 16 tuổi. Rồi gia đình nhận được giấy báo tử của Thắng gửi về. Sau lễ truy điệu của địa phương, anh trai của Thắng gặp Thuần và khuyên cô đi lấy chồng vì Thắng đã hy sinh. Trước sau Thuần vẫn khẳng định “anh Thắng không thể chết”. Năm 1973, Trần Quốc Thắng trở về, họ đã làm lễ kết hôn và sống hạnh phúc cho đến nay.
 
Hoàng Văn Hải tên trong tù là Bùi Văn Hai hiện đang sống ở Cư Yên, huyện Lương Sơn. Trong tù, Hải chuyên dạy cho anh em học thuộc Bảy hằng đẳng thức đáng nhớ. Từ ngày chiến thắng trở về, nhiều cựu tù vẫn thuộc lòng 7 hằng đẳng thức đáng nhớ, nhưng lại không biết Hoàng Văn Hải ở đâu? Khi đi bộ đội, Hải mới 16 tuổi và đang là học sinh Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình. Anh bị địch bắt đưa ra Phú Quốc năm 1969. Năm 1972 gia đình nhận giấy báo tử của Hải. Địa phương đã tổ chức lễ truy điệu cho anh. Tháng 3/1973 anh được trao trả. Từ nơi an dưỡng, Hoàng Văn Hải mới viết thư về nhà.
 
Tại nhà tù Phú Quốc, Hải được học nhạc, yêu thơ và sáng tác thơ. Trong niềm xúc động trào dâng, Hoàng Văn Hải đọc bài thơ ngắn anh sáng tác tại nhà tù Phú Quốc: “Phú Quốc nơi đây khắc lên cây lên lá/Thù riêng anh, thù chung của nước non/Trong nhà tù, từng mỗi khu giam/Sục sôi hờn căm quân tay sai, quân cướp nước”. Rời quân ngũ, Hoàng Văn Hải về dạy quân sự tại trường học cũ, sau đó chuyển công tác sang ngành lương thực cho đến ngày nghỉ hưu. Cũng như các cựu tù binh Phú Quốc khác, suốt trong thời gian từ ngày ra tù đến nay, anh không nhận được tin tức gì của các bạn tù người Hòa Bình.
 
Đinh Công Thịnh hiện đang sinh sống tại thị trấn Chi Nê huyện Lạc Thủy. Năm 1966, đang học Trường TNLĐXHCN Hòa Bình, Thịnh khai tăng tuổi để được đi bộ đội. Năm 1969 bị bắt. Trong nhà tù Phú Quốc, ông Thịnh được học văn hóa và học nhạc. Năm 1973 ông được trao trả về tham gia công tác tại địa phương.
 
Bùi Thanh Ríu ở Kim Bôi cũng tình nguyện đi bộ đội khi mới 16 tuổi. Khi bị địch bắt đưa ra đảo Phú Quốc lấy tên là Bùi Văn Hiếu. Năm 1973 sau khi được trao trả, Bùi Thanh Ríu chuyển ngành về công tác tại UBND huyện Kim Bôi. Khi thành lập ngành Kiểm lâm, anh được điều động sang Hạt Kiểm lâm huyện Kim Bôi. Năm 1985 được bổ nhiệm Hạt phó, rồi liên tục 20 năm làm Hạt trưởng cho đến khi nghỉ hưu. Cũng như nhạc sỹ Huy Tâm, Bùi Thanh Ríu nhiều người biết, nhưng những người cựu tù lại không biết Bùi Thanh Ríu chính là Nguyễn Văn Hiếu trong tù.
 
Sau này ngày chiến thắng trở về, Huy Tâm mới đi học trường Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc, rồi khi về Học viện Âm nhạc tại Hà Nội. Thật thú vị là khi về Học viện Âm nhạc, Huy Tâm lại học cùng lớp với Hùng –người bạn tù thường đóng giả nữ để song ca với anh bài “Trước ngày hội bắn” trong lao tù Phú Quốc. Như vậy, những nốt nhạc đầu tiên trong đời mình, Huy Tâm được học trong nhà tù Phú Quốc. Sau này nhạc sỹ Huy Tâm công tác tại ngành Văn hóa rồi Trưởng phòng Văn nghệ - Đài PTTH tỉnh cho đến ngày nghỉ hưu.
 
Đến đây, các cựu tù càng ngạc nhiên vì họ quá biết Huy Tâm người nhạc sỹ nổi tiếng đã sáng tác nhiều ca khúc hay về Hòa Bình trong nhiều năm qua, nhưng giờ này mới biết Huy Tâm chính là Nguyễn Tiến Nhân thời ở nhà tù Phú Quốc cùng họ. Như vậy trong 5 cựu tù đầu tiên gặp nhau này thì đã có tới 3 người đã có giấy báo tử lại trở về. Câu chuyện bất khuất về họ còn rất dài và rất cần viết ra cho thế hệ trẻ hôm nay tường tận.
.

CSTC