Ông Nhẫn kể: "Mọi người cứ nghĩ chỉ huấn luyện voi, hổ, gấu mới nguy hiểm. Huấn luyện ngựa cũng nguy hiểm không kém. Nếu không hiểu tính từng con, không biết cách lựa, nó sẵn sàng lao vào cắn, đá có khi còn phá cương chạy mất". Dứt lời ông Nhẫn cười hiền hậu: "Đây, cái răng này là bị ngựa đá gãy đây. Hôm đó tôi thăm vết thương ở chân cho ngựa. Không hiểu sao trái tính trái nết thế nào nó đá cho một cú điếng người. Phải đi cấp cứu và cắm răng giả đấy".
Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Nhẫn |
Là con trai, truyền nhân duy nhất của cố nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiền (ông tổ của nghề xiếc Việt Nam), niềm đam mê với xiếc đã sớm ăn sâu vào huyết quản của người đàn ông tuổi ngọ này. Từ những ngày chập chững đi, Tạ Duy Nhẫn đã được cha mình dạy những động tác uốn dẻo, tính kiên trì. Thế nhưng ông lại có duyên cơ, niềm đam mê đặc biệt với loài ngựa. Xiếc ngựa không chỉ đưa ông đến gần với khán giả mà còn khiến bạn bè quốc tế phải trầm trồ thán phục. Thế rồi sau biết bao hào quang khi ông trở về với thực tại, con người nặng lòng với nghề ấy còn nhiều điều trăn trở.
Kỳ công luyện ngựa Mông Cổ
Cái lần cuối cùng tôi gặp ông cũng ngót nghét được 5 năm, ánh mắt buồn trĩu của ông cứ ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Lúc chia tay ông bảo: "Con Tâm, Nghiệp, Chí, Thành (tên của những "diễn viên" ngựa) mà không được thay thế là xiếc ngựa bị xóa sổ cháu à". Không buồn sao được khi xiếc ngựa là linh hồn của một buổi biểu diễn? Rồi chính ông cũng phải lao tâm khổ tứ dạy dỗ chúng mới thành những "diễn viên" để đông đảo khán giả trong nước và bạn bè quốc tế biết đến? 5 năm tôi gặp lại ông.
Thời gian không dài nhưng quá đủ để người đàn ông nặng lòng với nghề kia già đi trông thấy. Là con trai, là truyền nhân duy nhất của "vua xiếc" Tạ Duy Hiển, người sáng lập ra ngành Xiếc Việt Nam. Ông hiểu nghĩa vụ, sứ mệnh lớn lao của mình với ngành Xiếc. Vậy là điều ông lo lắng: "xiếc ngựa sẽ xóa sổ" đã may mắn không xảy ra. Trong những lúc nước sôi lửa bỏng đó Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đầu tư chuồng trại, nhân lực và đặc biệt tuyển chọn một số "diễn viên" ngựa về đào tạo.
Từ khi chập chững đi ông Nhẫn đã được người cha của mình là cố nghệ sĩ Tạ Duy Hiển uốn dẻo, tung hứng làm quen với tính kiên trì. Thế nhưng ông lại có duyên cơ, niềm đam mê đặc biệt với xiếc thú, nhất là xiếc ngựa. Ông bảo, xiếc người thì tự thân mình rèn giũa là được nhưng xiếc thú là mình phải rèn cho loài vật. Xiếc người kiên trì 1 thì xiếc thú kiên trì 10. Mỗi lần những con vật làm được động tác khó là sướng quên cả ăn. Không những vậy tình cảm giữa người dạy và con thú cũng thật đặc biệt. Rồi người và thú quen nhau từ bước đi, mùi cơ thể của nhau như thể người thân vậy.
Có thể nói những năm 80 của thế kỷ trước là thời kỳ hoàng kim nhất của xiếc ngựa Việt Nam. Ngày ấy không chỉ khán giả Việt Nam mê đắm với bước chạy của những chú tuấn mã mà cả những đoàn khách nước ngoài phải trầm trồ khen ngợi tài huấn luyện của chúng ta. Ông Nhẫn tự hào nhớ lại: "Trước đây ông cụ nhà tôi cũng đã từng dàn dựng tiết mục xiếc ngựa. Nhưng sau những năm chiến tranh là hầu như không còn nữa. Cho đến năm 1978 nhà nước Mông Cổ mới viện trợ và mình xây dựng được 3 tiết mục xiếc ngựa". Ngày đó việc huấn luyện ngựa làm xiếc là vô cùng khó bởi thời gian gián đoạn với xiếc ngựa rất dài. Những kiến thức, kỹ năng của người huấn luyện là con số 0. Điều khó khăn nhất là ngựa Mông Cổ hoang dã nên việc thuần đã là khó chưa nói đến việc huấn luyện biểu diễn. Hơn nữa thể hình người Việt Nam nhỏ bé, ngựa Mông Cổ lại rất cao, nhảy được lên lưng ngựa cũng chẳng phải việc dễ dàng gì.
Ông Nhẫn kể: "Mọi người cứ nghĩ chỉ huấn luyện voi, hổ, gấu mới nguy hiểm. Huấn luyện ngựa cũng nguy hiểm không kém. Nếu không hiểu tính từng con, không biết cách lựa, nó sẵn sàng lao vào cắn, đá có khi còn phá cương chạy mất". Dứt lời ông Nhẫn cười hiền hậu: "Đây, cái răng này là bị ngựa đá gãy đây. Hôm đó tôi thăm vết thương ở chân cho ngựa. Không hiểu sao trái tính trái nết thế nào nó đá cho một cú điếng người. Phải đi cấp cứu và cắm răng giả đấy".
Thế nhưng với niềm đam mê cháy bỏng, ông Nhẫn cùng anh em quyết tâm đưa xiếc ngựa lên sân khấu. Buổi biểu diễn có lẽ cả đời gắn bó với nghiệp xiếc ông Nhẫn cũng không thể quên. 4 chú ngựa Mông Cổ sau thời gian dài tập luyện, chăm sóc nay có thể ra biểu diễn. Ông Nhẫn nhớ lại: "Tốp đó là toàn bộ anh em nhà tôi, con chú con bác như anh Tạ Duy Kỳ, anh Tạ Duy Hùng và một số diễn viên nữa như Mai Anh, Trần Hùng và một số diễn viên khóa 4, khóa 6 trường Xiếc. Làm một tiết mục ngựa tập thể tức là biểu diễn trên mình ngựa. Sau đó chuyển sang một tiết mục ngựa mang tên "Ngày hội trên mình ngựa". Lúc đó số ngựa Mông Cổ cho mình cũng đáp ứng một tiết mục nữa là ngựa trò (ngựa biểu diễn các trò trên sân khấu)". Sau những màn biểu diễn thành công, mãn nhãn cho khán giả, đại diện của Đại sứ quán Mông Cổ đã gửi thư bày tỏ sự thán phục những nghệ sĩ xiếc của Việt Nam. Người Mông Cổ không thể ngờ những chú ngựa hoang đầy sức mạnh đó lại thuần thục làm theo sự chỉ đạo của người nghệ sĩ Việt Nam.
Sang nước ngoài làm huấn luyện viên
Sau buổi biểu diễn đầu tiên thành công, tốp ngựa Mông Cổ "làm mưa làm gió" được 7 năm khắp các tỉnh, thành cả nước. Vào năm 1987, tốp ngựa Mông Cổ chết vì già, vì bệnh tật. Một lần nữa xiếc ngựa lại bị chìm vào quên lãng. Phải đến năm 1994, tức là sau 7 năm vắng bóng, khi đó là bà Tâm Chính - Giám đốc Rạp xiếc Trung ương đề ghị xây dựng lại tiết mục xiếc ngựa. Nhận nhiệm vụ, ông Nhẫn lại lặn lội đi tìm những "diễn viên" ngựa. Nghe tin trong Nam có loài ngựa to, đẹp ông lại khăn gói quả mướp vào tìm. Nhưng cuối cùng vẫn không thể chọn được do ngựa trong Nam không hợp với khí hậu ngoài Bắc. Cuối cùng ông Nhẫn quyết định lên Bá Vân (Thái Nguyên) để tuyển chọn.
Để có được 1 tiết mục “Ngựa trò” người huấn luyện phải bỏ ra cả năm trời |
"Nói chung ở trại ngựa Bá Vân họ tạo điều kiện hết sức cho chúng tôi mua ngựa về làm xiếc. Những con khỏe nhất, chiều cao thích hợp họ đều đồng ý cho mang về. Vì điều kiện kinh tế, Liên đoàn chỉ mua 4 con ưng ý nhất lúc đó" - ông Nhẫn kể.
Sẵn có kinh nghiệm dạy ngựa Mông Cổ 7 năm về trước chẳng mấy chốc 4 chú ngựa trở nên ngoan ngoãn dưới bàn tay nghệ sĩ Nhẫn. Lúc đó ông được đồng nghiệp đánh giá rất cao. Nhiều người còn nói, xem tiết mục xiếc ngựa của ông xong thì nỗi nhớ về quá khứ xây dựng và trưởng thành của Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại dâng lên. Như một dấu ấn không thể quên trong đời. Sau khi tập chuẩn bị ra rạp diễn thì có một đối tác bên Đài Loan sang. Một lần nữa người Đài Loan phải một phen "mắt tròn mắt dẹt" thán phục tài dạy ngựa của ông Nhẫn. Ngay lập tức đoàn công tác Đài Loan mời tốp ngựa của ông Nhẫn sang nước họ biểu diễn. Chỉ vì điều kiện vận chuyển mà Liên đoàn xiếc lúc đó đã không đồng ý mang ngựa từ Việt Nam sang.
Có vẻ người Đài Loan muốn thử tài năng của ông Nhẫn, họ có nói ở nước mình có rất nhiều ngựa, có những trang trại ngựa chuyên phục vụ cho thể thao hoặc cưỡi chơi. Và, họ đưa ra một bài toán trong vòng 2 tháng ông Nhẫn và cộng sự phải tập và biểu diễn được 1 tiết mục xiếc ngựa. Vậy là ông cùng những đồng nghiệp của mình có một chuyến chu du xuất ngoại làm huấn luyện viên.
Ông Nhẫn kể: "Ngựa của Đài Loan rất to, nếu như ở Việt Nam ngựa chỉ cao khoảng 1,3m thì ngựa của họ cao trên 1,5m nên vấn đề càng trở nên phức tạp. Diễn viên của mình đứng hai bên đóng yên ngựa là không nhìn thấy nhau". Việc tập luyện gặp không ít khó khăn. Nhiều khi ê kíp của ông thấy chán nản và muốn bỏ về nước. Phần vì lời hứa, phần vì danh dự nghề nghiệp, danh dự đất nước mà ông động viên anh em quyết tâm cao độ. Chỉ hơn 10 ngày miệt mài tập luyện những chú ngựa Đài Loan thuần phục chẳng khác nào tốp ngựa ở Việt Nam đang biểu diễn. Và rồi khi trình diễn đến những người Việt Nam trong đoàn cũng không thể ngờ là mình đã làm được. "Mọi người đánh giá còn hay hơn ngựa ở nhà vì chiều cao, tốc độ ngựa Đài Loan tốt hơn".
Những trăn trở nghề xiếc ngựa
Sau những thành công, hào quang trong quá khứ ông Nhẫn lại buồn buồn nghĩ về hiện tại, nghĩ về tương lai của ngành Xiếc thú. Có lẽ điều ông lo nhất, buồn nhất là chế độ cho những diễn viên, những huấn luyện viên xiếc ngựa. Mỗi lần nhắc đến cô học trò Nhật Anh (diễn viên xiếc ngựa nữ duy nhất tại Liên đoàn) ông Nhẫn không khỏi buồn. Ông chỉ gật gù như thể động viên chính mình "nó không yêu ngựa thì làm sao mà trụ được".
Nhật Anh được đào tạo bài bản và chính quy tại Trường Xiếc Việt Nam. Vào Liên đoàn Xiếc được vài năm, chưa chính thức được biên chế nên lương của em chưa đầy 2 triệu đồng/tháng. Điều đau đớn nhất, nữ nghệ sĩ xiếc ngựa trẻ tuổi kia hằng ngày vẫn phải đi tiếp thị thuốc lá trang trải cuộc sống. Lúi húi chuẩn bị yên cương để tập cho buổi tổng duyệt cuối năm, Nhật Anh rạng rỡ chia sẻ: "Nhiều lần ngã đau ê ẩm. Có bận em bị ngã đập cổ xuống đất khi thực hiện động tác cưỡi ngựa nhặt khăn dưới đất. Đã có nhiều anh trong đoàn Xiếc còn bị giãn dây chằng, nghỉ đến cả năm trời, gãy chân tay là chuyện thường mà".
Nghề xiếc ngựa vất vả, nguy hiểm là thế nhưng cuộc sống "gạo tiền" vẫn là nỗi lo mà chưa khi nào những người nghệ sĩ trút bỏ được. Niềm an ủi, phần thưởng lớn nhất của những nghệ sĩ xiếc ngựa chỉ là những tiếng vỗ tay của khán giả, những tình cảm giữa người và ngựa dành cho nhau.
.