Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201311/31997-ban-re-tuong-lai-cho-nghe-cay-game-thue-414521/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201311/31997-ban-re-tuong-lai-cho-nghe-cay-game-thue-414521/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bán rẻ tương lai cho nghề "cày" game thuê - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 13/11/2013, 07:17 [GMT+7]
31997

Bán rẻ tương lai cho nghề "cày" game thuê

Dân "cày" game thuê đa phần là những game thủ tiếng tăm, một số là những sinh viên đang chờ xin việc, số còn lại là những bạn trẻ vô công rỗi nghề. Tưởng chừng công việc đơn giản, nhưng nhiều người đã phải trả giá đắt, bán rẻ tương lai cho sự dấn thân vào nghề tốn não này.

 

Nghề tốn não

Đã 2 năm nay Thanh chưa từng đặt chân về đến nhà mặc dù nhà chỉ cách chỗ cậu ẩn dật chừng 10km. Thanh chẳng thể nào quên cái ngày cả chục tay xăm trổ đến đập phá nhà để siết nợ tiền cá độ bóng đá. Với số nợ 500 triệu là quá nặng gánh với gia đình thuần nông như Thanh. Những ngày tháng vật vờ, chui lủi, Thanh chỉ còn biết vùi đầu vào game online. Sự thông minh, năng khiếu không mấy Thanh đã trở thành một game thủ thực sự.

Không giống như những game thủ khác, Thanh ăn ngủ luôn tại quán để cày, mới đây lại được 1 người đứng ra mời về công ty để "cày thuê". "Gọi là công ty thuê cày game cho oai chứ thực chỉ là 1 tổ chức, ông chủ thuê hàng loạt những game thủ nâng level (cấp độ) nhân vật. Đang không có chỗ ở, em ở lại đây luôn. Vừa thỏa cơn nghiện game, có thêm thu nhập lại có chỗ ở đàng hoàng" - Thanh cười chua chát.

Thuê người chơi game cũng có nhiều loại, có khi là những người mê game nhưng lại thiếu khả năng thăng hạng. Họ thuê các game thủ khác chơi cho nhân vật mình tăng cấp đến mức nào đó, thù lao chớp nhoáng do hai bên thỏa thuận. Đây là hình thức khá phổ biến hiện nay. Dạng nữa là những "cò" game chuyên nghiệp. Họ sẽ nhắm vào tâm lý ganh đua, ham muốn trang bị vũ khí, đồ đẹp cho nhân vật của mình. Họ sẽ thuê người chơi cho một nhân vật tăng "level" hoặc kiếm các đồ độc để bán thu lời gấp hàng chục lần nhờ thế giới ảo.

Theo lời Thanh, do lời cao nhiều người lắm tiền nhiều của đã tổ chức hẳn một địa điểm để thuê các game thủ "cày" sau đó bán đồ.

May mắn chúng tôi được mục sở thị nơi mà Thanh gọi là "công ty" của mình. Không khí làm việc khá căng thẳng, đặc biệt những nhân viên ở đây đa số còn rất trẻ, thậm chí còn có nhân viên đang mặc đồng phục nhà trường.

Theo quan sát, "công ty" mà Thanh đang đầu quân có tới vài chục chiếc máy tính cũ. Những chiếc máy tính này được bày giữa sàn nhà rộng chừng 60 mét vuông, hoạt động hết công suất. Mang tiếng là chơi nhưng theo những game thủ ở đây công việc vô cùng vất vả. Đã từng có nhân viên vì đuối quá đã ngất ngay trên bàn phím.

Mệt hơn cày ruộng

Mỗi ngày "công ty" này chia làm 2 ca làm việc. Ca sáng bắt đầu từ 7h đến 19h, ca tối từ 19h đến 7h sáng hôm sau. Công việc của họ là chạy level (cấp độ) cho các nhân vật trong game Lineage của Hàn Quốc. Người làm ca nào thì làm "chết" một ca không được luân chuyển. Tuy nhiên nếu bận việc riêng công ty này sẵn sàng chuyển ca hoặc cho nghỉ. Dán mắt vào màn hình, tay liên tục nhấp chuột, Thanh lẩm bẩm: "Áp lực lắm anh ơi, nếu nghỉ phải xin phép còn làm bù. Nhiều khi nghỉ phải làm 2 ca/ngày, đuối lắm. Không làm bù thế "công ty" phạt tiền nặng lắm. Lớt phớt là cho nghỉ việc thì toi".

"Dân cày" được quản lý giao cho một tài khoản game. Nhiệm vụ của họ là luyện cho nhân vật trong thế giới ảo đạt mức Exp (điểm kinh nghiệm) theo quy định của "công ty". Từng "acc" (gọi tắt của từng tài khoản) mà công ty quy định mức Exp khác nhau, thường dao động từ 2,75 đến 3,5, tùy theo từng level. Level càng cao thì mức Exp càng thấp.

"Dân cày" game phải chịu những quy định của "công ty" về công việc còn phải chịu những áp lực của luật trong game. Khi đã nhận việc, các game thủ phụ trách hộ tống nhân vật ra bãi và bắt đầu quá trình tu luyện. Luyện cấp cho nhân vật của mình cũng được "công ty" quy định khá rõ ràng. "Người điều khiển nhân vật trong game không được "PK" (đánh nhau với nhân vật khác của người chơi trong game) bừa bãi, không để "die" (chết), không được bán hay lấy trộm quần áo, châu báu mà nhân vật được trang bị… Nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng từ  "công ty". Nhẹ thì bị trừ tiền lương, nặng thì không được lĩnh lương theo thang. Thậm chí còn bị đuổi việc.

Cảnh được chụp trong một trò chơi games online.

Theo một số dân "cày game", để kiếm được vài triệu, thậm chí vài trăm nghìn/tháng không phải đơn giản. Họ cũng phải trầy trật mới có được đồng tiền ít ỏi. Họ phải làm việc liên tục, căng thẳng suốt 12 giờ, trong khi đó phải chịu áp lực từ ông chủ và áp lực chính trong thế giới ảo mình đang đảm nhận.

Minh (sinh viên Đại học Thương mại, vừa ra trường chờ việc) chia sẻ: "Bọn em lúc nào cũng dán mắt vào màn hình, thậm chí khi ăn cơm giữa ca cũng vậy. Mức Exp mà quản lý giao cho không cao nhưng nhân vật ở cấp độ cao thì "cày" không phải đơn giản. "Công ty giao acc level cao từ 97, 98. Nhân vật cao thì Exp tích lũy chậm. Nói thật không có trình chơi không may để bị "die" thì 12 tiếng không cày nổi". Nhấp ly cà phê đặc quánh, Minh tiếp: "Nhiều khi tỉnh táo, cày tốt xong việc sớm có thể ngồi cày thêm lấy tiền thưởng cũng được. Gọi là tiền thưởng nhưng cũng chẳng đáng là bao. Thường thì xong việc em lượn ngay, phải có thời gian hít thở và chơi với bạn gái chứ".

Cày game để nuôi game

Hầu hết những dân "cày" game thuê đều là những kẻ nghiện game nặng. Họ có thể "cắm rễ" ngày này qua ngày khác ở các tiệm Internet chỉ với ổ bánh mỳ và chai nước lọc cầm hơi. Thời gian đóng đinh ở các quán internet tỉ lệ thuận với số tiền mà những người chơi phải bỏ ra, đồng thời cũng tỉ lệ thuận với level ngày càng lên của họ. Thời gian có thể thừa, level có thể lên nhưng để có tiền chơi game thì không đơn giản. Thanh chia sẻ: "Chính bởi biết được điều này nên nhiều cửa hàng internet đã quay ra thuê chính những khách hàng đến quán mình "chinh chiến" game để đem lại lợi nhuận cho họ".

Công việc "cày" game tuy vất vả, dân "cày" phải làm việc hết công suất mới đáp ứng được yêu cầu gắt gao của nhà tuyển dụng. Thế nhưng không vì thế mà số lượng người lao vào công việc này ít đi. Nhiều dân "cày" đã từng là những game thủ có tiếng nhưng thất thế do đã đầu tư số tiền khủng vào thế giới ảo, buộc họ phải "cày" game thuê tạm thời để "nuôi mộng". "Em "cày" game thuê ở đây chỉ cốt để có tiền nạp thẻ Sikl road (game Con đường tơ lụa)" - Hoàng Tiến chia sẻ.

Tiến chơi game online từ khi bước chân vào trường PTTH. Chật vật lắm Tiến mới cầm được cái bằng tốt nghiệp cấp ba vì có bao nhiêu thời gian Tiến đầu tư hết vào các trò game online. Tốt nghiệp cấp 3, không giống như nhiều bạn khác đăng ký thi vào các trường đại học mơ ước, Tiến chọn một con đường khác cho riêng mình là trở thành game thủ.

Tiến bộc bạch: "Em chơi cũng tàm tạm nên có chút tiếng tăm trong giới, vì chơi game Con đường tơ lụa mất nhiều tiền quá nên em đành phải vào đây "cày" thuê để chữa cháy đấy. Chứ chả bao giờ em nghĩ mình sẽ "giải nghệ" đâu".

 

Với cường độ làm việc 12h/ngày nghề ''Cày'' games thuê là rất mệt mỏi và căng thẳng.

So với nhiều dân "cày" thì Tiến vẫn là kẻ có học cơ bản. Thực tế, có rất nhiều dân "cày" khác đã bỏ học giữa chừng chỉ vì thú đam mê không cưỡng lại được từ game online. Đỗ Mạnh Hưởng nếu còn đi học năm nay mới vào lớp 11. Thế nhưng Hưởng đã có thâm niên 4 năm mài đũng quần ở các cửa hàng internet để đắm mình trong các trò chém giết của game online.

"Em chơi game nhiều quá, bỏ học triền miên nên thầy cô hay gọi điện nhắc nhở bố mẹ. Mỗi lần như thế là kiểu gì em cũng bị dính đòn. Bị đánh nhiều quá nên em bỏ học luôn. Lúc biết em bỏ học, bố mẹ em chửi nhiều lắm, bảo em muốn làm gì tự nuôi được thân thì làm chứ đừng có vác mặt về. Thế là em xin vào "cày" game thuê cho người ta. Kiểu gì chả sống được" - Giọng Hưởng có vẻ đầy tự hào khi kể về những "thành tích" của mình.

Có một điều bất ngờ là, trong số các dân "cày" game thì ngoài thành phần chủ yếu là những kẻ nghiện game nặng, những kẻ "cày" game này để nuôi game khác thì còn một số không nhỏ lại là những sinh viên, thậm chí là những người đã ra trường nhưng chưa xin được việc làm.

Gặp Trí trong một quán game trên đường Lê Thanh Nghị, Bạch Mai, Hà Nội. Dáng vẻ thư sinh với cặp kính cận, trông Trí chẳng có vẻ gì của một kẻ nghiện game. Hỏi ra mới biết, Trí quê Thanh Hóa, đã tốt nghiệp hệ tại chức của trường Bách Khoa. Nhưng thời buổi người khôn của khó, xin việc đối với những cử nhân chính quy còn khó huống hồ đối với hệ tại chức. Thế nên Trí loay hoay mãi vẫn không xin được một việc làm nào tử tế ở đất Hà Nội. Cực chẳng đã Trí đành "thi tuyển" vào cửa hàng Internet này để "cày" game thuê lấy tiền sống qua ngày.

Chia tay với chúng tôi, Thành và các đồng nghiệp lại miệt mài, căng thẳng lao mình vào những trận chiến ảo. Họ vẫn mang trong đầu tâm lý "vừa được thỏa đam mê lại vừa có tiền". Không biết đến khi nào những phu "cày" game mới thoát ra khỏi được thế giới ảo đầy chết chóc và mơ hồ?


CSTC
.