Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201310/31734-cuoc-ky-ngo-dac-biet-414726/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201310/31734-cuoc-ky-ngo-dac-biet-414726/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cuộc kỳ ngộ đặc biệt - Báo Công An Nghệ An điện tử
.
Thứ Năm, 31/10/2013, 07:15 [GMT+7]

Cuộc kỳ ngộ đặc biệt

Giây phút tử - sinh thiêng liêng ấy, hạnh ngộ vừa vặn thay, được ghi lại bởi một phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam.

Họ, ba người hữu hình và vô hình đó, đã làm nên tấm ảnh lịch sử nổi tiếng "Hai mẹ con ngày gặp lại" (còn có tên gọi khác là "Ngày hội ngộ"). Đây là tấm ảnh giúp cố NSNA Lâm Hồng Long nhận được bằng Tuyên dương danh dự trong Đại hội lần thứ 21 Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) họp tại Tây Ban Nha năm 1991.
 
Người tử tù mang số hiệu 268
 
Nhân ngày phụ nữ Việt Nam, chúng tôi tìm gặp người cựu tù - nhân vật chính của bức ảnh trên là ông Lê Văn Thức (hay còn có tên gọi mộc mạc đậm chất miền Tây là ông Năm Thức, SN 1941) - trú tại ấp 6, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - mang thẻ bài số 268. Dù giờ đây chiến tranh đã lùi xa, mảng ký ức gắn với những tháng ngày biệt giam tại địa ngục trần gian Côn Đảo cũng phai nhạt đi những nẻo đường u tối thì khi nhắc lại, người đàn ông hơn 70 tuổi này vẫn chưa hết rùng mình.
 
Ông Năm Thức vốn là một chiến sỹ tình báo nội tuyến của cách mạng, được Binh vận An ninh khu 8 cài vào hoạt động trong lòng địch. Với tư cách là Đảng viên Đảng Cộng sản đội lốt sỹ quan địch (lúc đó ông Năm Thức mang hàm Chuẩn úy), ông vừa hoạt động vừa tìm cách liên hệ với cơ sở bên ngoài.
 
Khoảnh khắc thiêng liêng được NSNA Lâm Hồng Long thể hiện
qua bức ảnh "Mẹ con ngày gặp lại"
 
Sau Mậu Thân năm 1968, cơ sở yêu cầu vẽ sơ đồ căn cứ của địch và không may, khi bản đồ được đưa ra ngoài thì bị lộ, tên tuổi của ông bị phát hiện và xử án tử hình ở Mỹ Tho. Tuy nhiên, địch không giết mà đày ông hết Nhà giam Chí Hòa sau đó là Côn Đảo, nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp man rợ, nơi mà "Côn Lôn đi dễ khó về/ Già đi bỏ xác, trai về nắm xương".

Năm ấy ông Năm Thức gần 30 tuổi và cùng đợt với ông còn có 35 chiến sỹ khác nữa. Và thay bằng những giấy tờ chứng minh nhân dân, mỗi người được gắn một thẻ bài xử chết coi như "lý lịch trích ngang" mà không biết ngày mai kẻ thù đến và mang mình đi đâu rồi cái chết gõ cửa lúc nào.

Cuộc sống bị chôn chân trong bốn bức tường tối đen, âm u, tuyệt vọng và chỉ có một lỗ thông gió nhỏ xíu nằm vất vưởng trên cao, coi như chút gió đời ngoài kia vô tình đi lạc vào đây rồi chết dí, không thoát ra được. Chấm hết, cuộc đời mục ruỗng, ông Năm Thức kể một số người già, vì không chịu được cảnh tra tấn và đối xử của địch mà đã chết đi.
 
Ông Năm Thức: "Ngày xưa mình là lính cụ Hồ thì bây giờ về già
mình vẫn mong muốn là lính cụ Hồ"
 
Ông cho biết: "Mấy ngày sau chiến thắng 30/4/1975, anh em ở đây mới biết tin. Bọn địch trước khi chạy trốn vẫn khóa cửa không cho chúng tôi ra ngoài. Mãi tới khi anh em ở các trại khác kéo tới bẻ khóa thì trại tui mới biết. Khi liên lạc được với đất liền thì chị em phụ nữ, số tù binh tàn tật, 36 tử tù (lúc này chỉ còn 32) được ưu tiên bố trí trở về trên chuyến tàu đầu tiên. Anh em chúng tôi được đưa vào tập trung tại Trung tâm Huấn luyện cảnh sát Rạch Dừa (Vũng Tàu) chờ liên lạc với gia đình".
 
Khi được hỏi về cảm giác lúc ấy, ông Năm Thức nói rằng: Giống như chết đi sống lại chứ sao!
 
Cuộc kỳ ngộ đặc biệt
 
Qua Đài Phát thanh Giải phóng, mẹ ông là cụ Trần Thị Bính lặn lội từ Bến Tre ra Vũng Tàu tìm con.
 
Ông Năm Thức kể: "Tôi có nghĩ tôi sẽ được gặp lại mẹ nhưng là khi tôi về quê, không ngờ rằng lại gặp sớm như vậy. Đó là hình ảnh xúc động nhất trong cuộc đời của tôi. Thấy mẹ là nhận ra mẹ ngay. Lúc đó tôi không nghĩ tới gì cả, bạn bè anh em không, nhà lao cũng không, chiến tranh cũng không, chỉ có mẹ thôi. Hai mẹ con cứ thế, ôm nhau và khóc. Lúc đó, tôi có thấy anh phóng viên chụp hình nhưng hai mẹ con không để ý. Mãi về sau tôi mới biết anh ấy là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, được giao đến đây để chụp hình ngay từ lúc các tù nhân đặt chân lên tàu nhưng vì đến muộn nên chỉ chụp được những cảnh sau. Có cô em gái của anh ấy cũng là tù nhân Côn Đảo ở đây".
 
Trong giây phút thiêng liêng, hạnh phúc của buổi gặp gỡ tử - sinh ấy, hai người trong ảnh đã không hề hay biết có người đã dồn tất cả mọi xúc cảm của mình để cho ra một shot ảnh để đời và có giá trị lịch sử, minh chứng cho khát vọng tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam.
 
Tử tù Côn Đảo trong chuyến thăm Hà Nội chụp hình cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
 
Trên nền ảnh đen trắng, là hình ảnh mái đầu bạc trắng của người mẹ và mái tóc muối tiêu của người con. Hai mẹ con ôm nhau như rồi sau đó họ không thể ôm nhau được nữa. Đó là bức ảnh mà sau này cố NSNA Lâm Hồng Long chia sẻ rằng: "Tôi chụp rồi nước mắt tôi cũng chảy ra trên má. Khi tôi chụp bức ảnh đó tôi nghĩ như người mẹ của mình".
 
Và đặc biệt hơn, không chỉ người trong ảnh không biết đến sự tồn tại của nó mà đến cả người chụp cũng không biết mình đang chụp ai. Họ gặp nhau trong khoảnh khắc, gặp một cách tình cờ và kì lạ nhưng không hỏi tên nhau. Vì quen thuộc lắm, nên là mẹ con nhà ông Năm Thức hay là một cái tên bất kỳ nào đó trên dải đất này cũng như nhau mà thôi, đều là cuộc gặp lịch sử, cuộc gặp ở bến cuối của cuộc chiến tranh nhuộm đầy máu và nước mắt nên vị nồng nàn chứa chan nước mắt. Nước mắt ấy đã làm cây cối nở hoa và những hạt mầm cựa quậy, xanh tươi. Làm những tháng ngày đằng đẵng kia, dài thật đấy mà hóa ra lại hư không. Gặp lại nhau, buồn tủi gì cũng là một hạnh phúc rồi.
 
Và với riêng ông Năm Thức, bức ảnh đã góp phần rửa sạch nỗi oan cho ông. Gia đình ông vì lý lịch "thiếu úy ngụy" của ông mà chịu nhiều dị nghị. Cũng vì bản lý lịch ấy mà ông không được bố trí công tác mới. Binh vận An ninh khu 8, nơi có thể minh oan cho ông thì lại chuyển đi đâu không biết. Sau khi được Thông tấn xã Việt Nam công bố, tới năm 1991, bức ảnh được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (tại Madrid, Tây Ban Nha) trao bằng Tuyên dương danh dự. Từ đó, bức ảnh mới được mọi người trong nước chú ý và đi tìm nhân vật trong bức ảnh.
 
Về sau, khi một cán bộ công tác ở UBND huyện Châu Thành (Bến Tre) tình cờ đọc được những bài báo về ông Năm Thức, thì chính quyền ở đây mới ghi nhận công lao của ông với cách mạng. Tuy nhiên, hiện nay ông vẫn đang đau đáu về việc vì sao minh oan cho ông rồi mà Hội Cựu chiến binh của xã và huyện đều không cho ông đăng ký sinh hoạt dù ông có thâm niên hơn mấy chục năm tuổi Đảng?
 
Thư của một người bạn tử tù Côn Đảo gửi sau hòa bình lập lại
 
Ông bảo: "Ngày xưa mình là lính cụ Hồ thì bây giờ về già mình vẫn mong muốn là lính cụ Hồ". Có thể nói, số phận người đàn ông này cũng ba chìm bảy nổi, lênh đênh như bản lý lịch lúc đưa ra ánh sáng, lúc bị gió che đi vì những trận gió đời cạn kiệt hoa sắc của mình.
 
Còn về phần người chụp lại giây phút đoàn viên ấy, cùng với một bức ảnh nữa, "Mẹ con ngày gặp lại" đã mang lại cho ông giải thưởng cao quý là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996). Sau đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện bộ phim tài liệu về tác giả. Đến lúc ấy ông mới có dịp theo đoàn làm phim vào Bến Tre tìm gặp hai nhân vật trong ảnh. Lúc đó bà Bính vẫn còn sống.
 
Ông Năm Thức kể lại: "Sau này, anh Vũ Hoàng làm bên Báo Người lao động gửi cho tôi một lá thư, có nói rằng ông Lâm Hồng Long bệnh nặng, đang điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Và nêu nguyện vọng muốn tôi lên thăm. Anh ấy có gửi tôi kèm địa chỉ. Khi tôi lên, vào phòng bệnh ông ấy thì thấy tấm ảnh hai mẹ con tôi đang đặt ở cửa sổ. Ông nằm ông nhìn. Ông nói khao khao, hơi yếu nhưng vẫn dịch ra được rằng bức ảnh là kỷ niệm xúc động nhất trong cuộc đời sự nghiệp của ông. Chưa đầy tháng sau thì ông ấy qua đời, thọ 72 tuổi”.

CSTC
.