Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201209/23127-mieng-an-mieng-nhuc-395080/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201209/23127-mieng-an-mieng-nhuc-395080/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Miếng ăn, miếng nhục - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 25/09/2012, 09:07 [GMT+7]
23127

Miếng ăn, miếng nhục

Gã được chỉ định là buồng trưởng, trong nhà tạm giam thuộc quận Gò Vấp, TP HCM. Một dạng như phạm nhân tự giác, gã nghĩ mình được quyền quản lý 7 phạm nhân còn lại cùng bị tạm giam chung phòng.
 
Gã chỉ định cho một tâm phúc làm phó buồng. Vật dụng lẫn thức ăn mà người nhà của các phạm nhân thăm nuôi, gã tự cho phép mình được bảo quản, phân phối cho những phạm nhân cùng phòng. Phát hiện nồi thịt kho bị mất vài miếng, nghi ngờ một phạm nhân khác ăn vụng, gã đã cùng phó buồng hành hạ phạm nhân này cho đến chết. Cái ác chồng lên cái ác.

1. Gã sinh năm 1992, có tên là Trần Văn Hà, ngụ tỉnh Gia Lai. Gia Lai heo hút, đồi thấp núi cao, không khí lành lạnh, đủ buồn hắt hiu. Gã có khuôn mặt bặm trợn, có nét xấc xược.

Học đến lớp 5 thì gã từ chối đến trường. Ở nhà, gã phụ những công việc lặt vặt trong gia đình.

Tháng 1/2010, gã mò xuống Sài Gòn. Không nghề nghiệp, không người thân, gã đi như là sự trốn chạy, hoàn toàn vô định về tương lai. Thế nên, đâu có gì là ngạc nhiên khi chỉ ở Sài Gòn được đúng 100 ngày thì gã bị bắt giữ vì tội danh “Cướp tài sản”.

Dạo này, truyền thông nói nhiều về chuyện người nhập cư vào Sài Gòn, không nghề ngỗng, tứ cố vô thân, để duy trì sự sống người ta làm rất nhiều cách.

Nghe qua thì có vẻ mang tính phân biệt vùng miền, nhưng trong một vài trường hợp, đây là sự thật không kể chối cãi. Đương nhiên, không phải là tất cả, cũng không ngu xuẩn đến mức theo cái cách mà một tờ báo mạng từng kích động khi giật tít đại khái “Dân tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội”. Một bài báo có nội dung xuyên tạc, đầy hằn học mà không hiểu sao vẫn không bị cơ quan quản lý báo chí xử lý. Cái thể loại làm báo ấy, dẹp đi chứ để làm gì cho bẩn truyền thông.

Trở lại chuyện của gã.

Gã bị Tòa án nhân dân quận Gò Vấp tuyên phạt 9 năm tù giam cho hành vi trên.

Trong thời gian bị tạm giam ở nhà tạm giữ quận, gã được chỉ định làm buồng trưởng.

Lưu manh quen thói, gã nghĩ mình là người có quyền lực cao nhất trong căn phòng tạm giữ ấy. Gã phong cho phó tướng của mình “chức danh” buồng phó.

Phó tướng của gã sinh năm 1994, tên Phan Minh Quân.

Phó tướng nhỏ hơn gã 2 tuổi, nhưng học cao hơn gã 2 lớp. Gã học hết lớp 5, phó tướng học hết lớp 7. Phó tướng có khuôn mặt đần đần, anh đại sai đâu làm đấy, bảo chém ai thì chém, đánh ai thì đánh, hoàn toàn không thể tự chủ.

Gã nhập kho tội “Cướp tài sản”, thì phó tướng đi chăn kiến tội “Cố ý gây thương tích”.

Gã chịu án 9 năm tù, phó tướng chịu mức án 2 năm.

Ngưu mã ở cùng một chuồng, lấy gì không tâm đầu ý hợp trong việc sử dụng bạo lực để trấn áp tinh thần những phạm nhân còn lại cùng buồng giam.

Người nhà của một phạm nhân khi thăm nuôi, có gửi một nồi thịt kho. Gã chỉ đạo cho các phạm nhân còn lại rằng: “Nồi thịt kho này để dành cho cả phòng ăn chung, tao quản lý”.

Những năm gần đây, chế độ ăn uống của phạm nhân trong các trại giam, nhà tạm giữ đã được cải thiện rất tốt. Thế nên, miếng thịt hay con cá không phải là điều quá xa vời trong mỗi bữa ăn của phạm nhân.

Gã phân chia khẩu phần thịt cho từng phạm nhân theo ý mình.

Một ngày, gã phát hiện nồi thịt kho biến mất vài miếng, nghi ngờ phạm nhân có tên Huỳnh Tấn Phát đã ăn vụng. Gã bắt đầu nghĩ đến việc sẽ trừng phạt Phát.

“Phải là mày ăn vụng không Phát?”, gã hỏi.

“Dạ, không phải em”, Phát trả lời.

“Ừ, thì có phải mày hay không, lát nữa sẽ biết”, gã hậm hực.

Dứt câu, gã yêu cầu Phát ngồi xếp bằng dưới nền nhà. Gã là trưởng phòng giam, lại có tay chân trong phòng, gã bảo, Phát cấm dám cãi.

Sau phiên tòa, Trần Văn Hà và Phan Minh Quân bị dẫn giải đi.

Đúng kiểu đại bàng phòng giam, Phát xếp bằng ngồi dưới đất, gã nhanh chóng đưa chân, dậm cật lực xuống người Phát.

Đánh lần một, chưa thỏa. Gã yêu cầu phó tướng tiếp tục đánh Phát.

Đánh xong lại hỏi: “Có phải mày ăn vụng thịt kho không?”. Phát lắc đầu, lại đánh tiếp.

Đánh đến khi Phát rúm ró người, gã quẳng nồi thịt kho ra giữa phòng, thét: “Hoặc mày ăn hết, hoặc tao sẽ đánh thêm”. Sợ đến hoảng loạn, Phát làm theo ý gã.

Phát vừa ăn xong, lại bị đánh. Đánh đến mức mà trong biên bản giám định pháp y, có chi tiết ám ảnh “Phát bị đứt rách dạ dày”.

Sau trận đòn thù ấy, Phát lả người. Nhưng, đó là chuyện của Phát. Gã vẫn chưa nguôi giận.

Lấy lý do Phát giặt giẻ lau phòng không sạch, gã cùng phó tướng lôi Phát ra, dùng chân đạp, dậm liên tục lên vùng bụng, ngực... Đánh đến mức Phát lên cơn co giật, thì ngưng.

Sau cơn co giật, Phát xin gã cho Phát được nằm nghỉ vì đau. Đến giờ cơm trưa, Phát không ăn nổi cơm, chỉ húp một ít nước canh.

Tối đến, các phạm nhân phát hiện toàn thân của Phát có dấu hiệu tím tái, họ vội vã sơ cứu cho Phát bằng chanh tươi, nước ngọt... nhưng tất cả đã quá muộn.

Phát gục chết bởi viêm phúc mạc cấp, xuất huyết đầu tụy, dạ dày bị đứt rách...

Giữa tháng 8 này, gã ra Tòa vì tội danh “Giết người”. Gã bị tuyên mức án tử hình, còn phó tướng của gã lãnh mức án chung thân. Vì phó tướng chưa đến 18 tuổi, nên chỉ chịu mức án ấy.

Cha ruột của Phát không đòi gia đình gã và gia đình phó tướng bồi thường tổn thất. Nhưng mẹ và cô ruột Phát yêu cầu gia đình gã phải bồi thường. Theo tuyên phạt của Hội đồng xét xử, gã và phó tướng phải bồi thường cho gia đình Phát 100 triệu đồng.

2. Lại chuyện miếng ăn. Ở quê nghèo túng, chị vào Bình Phước lập nghiệp. Lập nghiệp bằng cách, ai thuê gì làm nấy, ngày có việc ngày không. Những ngày sống trên đất khách, chị gặp anh thanh niên đồng hương. Tay trắng thương phận nhau mà nên duyên. Đám cưới ít mâm cỗ, chỉ như là lần ra mặt họ hàng. Sau ngày vui, vợ chồng son cắm mặt vào mảnh vườn của người khác tiếp tục đi làm thuê.

Chắt chiu vài năm, vợ chồng mua được căn nhà bằng gỗ tạp, vài sào đất. Đất ở Bình Phước bán rẻ như cho. Tại Bình Phước, chuyện có hàng chục hay hàng trăm héc ta trồng cao su mới là vấn đề đáng bàn, chứ cái việc sắm vài sào đất trồng cây mì, cây bắp thì thấm vào đâu.

Hai đứa con ra đời, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Chồng chị xin được vào nông trường làm công nhân. Tưởng kinh tế gia đình sẽ ổn định hơn, ngờ đâu chuyện ngày càng theo chiều hướng xấu.

Tụ tập với bạn bè, chồng chiều nào về nhà cũng trong trạng thái chân đăm đá chân chiêu, thét vợ mắng con. Thích thì gọi vợ lại, cho vài cái bợp tai. Không thích cũng gọi vợ lại, co chân đạp cho vài cái.

Vẫn có những gã đàn ông như vậy, vợ là cái thể loại chỉ để trút giận lẫn giải quyết bản năng.

Chị nói chắc tại cái số chị không may, nên từ bé cho đến khi lập gia đình, gặp nhiều bất trắc. Số phận, đôi lúc là cái cớ hợp lý để đổ thừa. Vì không đổ thừa vào số phận, chị biết đổ thừa vào đâu. Không lẽ, đổ thừa về những bữa cơm chỉ toàn rau, hay những ngày vét gạo nấu cháo cho con ăn, còn phần chị, chị nhịn đói.

Chồng chị ngoài chồng ngoài vợ. Ban đầu thì còn lén lút, chùi miệng qua quít cho xong. Về sau, thì thản nhiên dắt cả người tình về nhà nằm tâm sự nguyên đêm.

Như quả bong bóng tiếp tục được bơm hơi bất chấp đã căng cứng. Bong bóng nổ tung, hạnh phúc bé mọn nổ tung. Căn nguyên từ bữa cơm lắm rau không thịt.

Một tối chồng chị về nhà, mặt mày hằm hằm. Chồng quát: “Cái nhà này sao coi tao như người ngoài đường, toàn bố thí những bữa cơm rau. Ngoài rau ra không còn gì khác hả? Tao là người, có phải là trâu bò đâu mà ngày hôm nay rau, ngày hôm sau rau, ngày hôm trước rau”.

Lần này, thì chị phản ứng:

“Anh có mang về nhà này đồng nào không. Mọi thứ dồn hết lên đầu tôi. Tiền học cho con, tiền ăn cho cả nhà, tiền điện, tiền nước. Hàng trăm thứ tiền một tay tôi. Còn tiền anh, tiền cho rượu, cho bạn bè, cho gái... Giờ anh còn đòi hỏi gì nữa?”.

Chỉ chờ có vậy, chồng lao vào chị như kẻ có mối tương thù huyết hận, hết tay rồi đến chân, cứ nhắm vào chị mà ra đòn. Đánh chưa hả, chồng ôm hai đứa con bỏ ra ngoài nhà để rảnh tay, tưới xăng khắp nhà và châm lửa đốt.

May mắn, chị thoát thân và kịp hô hoán cho hàng xóm đến cứu hỏa. Còn người đàn ông của chị, lẳng lặng ẵm hai con mang về nhà nội để gửi.

Hơn tiếng sau, chồng quay lại nhà. Phát hiện ra chị lẫn căn nhà còn nguyên vẹn, thiệt hại về vụ cháy không đáng kể.

Không nói không rằng, chồng quay đầu xe đến cây xăng gần đấy, mua thêm vài lít xăng.

Lại quay về nhà, hất trọn số xăng vừa mới mua được vào người chị và đòi đốt. Thêm lần nữa chị gặp may.

Hàng xóm xuất hiện kịp ngăn chặn hành vi của chồng chị, khi chồng chị đang rút quẹt gas, bật lửa.

Không thực hiện được ý định, chồng leo lên xe gắn máy, đi thẳng.

Công an bắt giữ chồng chị ngay hôm ấy, chồng chị bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.

Phản ứng của chị ra sao?

“Một ngày cũng chồng, một giờ cũng chồng. Ngoài yêu thương thì là tình là nghĩa. Tôi không mong pháp luật sẽ xử lý chồng mình, tôi chỉ mong chồng hồi tâm, để hạnh phúc trở lại như những ngày đầu”, chị buồn bã trả lời.

Hạnh phúc như những ngày đầu, là bữa cơm toàn rau nhưng chồng ra chồng, vợ ra vợ.

3. Miếng ăn quá khẩu thành tàn, tiền nhân đã dạy vậy. Tôi không có bình luận nào cho hai vụ việc trên, bởi tôi vẫn nghĩ, đôi lúc miếng ăn chỉ là cái tiền đề cho cá nhân thực hiện những hành vi sai trái một cách có chú ý.

Chắc đã xa lắc cái thời, “Một bữa no” như cố nhà văn Nam Cao từng viết


ANTG
.