Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, gồm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Điện ảnh, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3. |
Trong đó, Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Luật gồm 5 chương và 33 điều, quy định cụ thể các nội dung về: Vị trí, chức năng; nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động; xây dựng Cảnh sát cơ động; hợp tác quốc tế; các hành vi bị nghiêm cấm; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động...
Để triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động năm 2022, Chính phủ cần ban hành 1 Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Cảnh sát cơ động. Bộ Công an trong phạm vi chức năng của mình ban hành các Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân hiểu và thực hiện đúng quy định của Luật Cảnh sát cơ động.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại buồi họp báo. |
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương, 96 điều. Luật có các điểm mới là: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng.
Luật thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích"...
Chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ… quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân. Quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam. Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" (Khoản 2 Điều 96)...
Với các chính sách đột phá nêu trên, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng…
Luật Điện ảnh năm 2022 với mục đích thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Luật gồm 8 chương, 50 điều, thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009.
Luật Điện ảnh năm 2022 có những điểm mới cơ bản là: kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung thuật ngữ "Công nghiệp điện ảnh", "Phân loại phim", "Phim Việt Nam", "Trường quay" và "Địa điểm chiếu phim công cộng".
Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5), Luật Điện ảnh năm 2022 quy định việc đầu tư và hỗ trợ vào một khoản (khoản 2 Điều 5) nhằm tạo sự linh hoạt trong chính sách của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh. Luật đã thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước đồng thời khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
Về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 9), Luật quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Luật.
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 gồm 7 chương, 157 điều, trong đó có sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam về thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; về tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm.
Cùng với đó là những sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Những sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước, trong đó bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn về: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế.