Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi, tặng quà các đồng chí thương, bệnh binh. |
Theo đó, dự thảo Thông tư này gồm 06 chương 47 điều, quy định về trình tự, hồ sơ công nhận người có công với cách mạng; quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong CAND theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/ 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Đối tượng áp dụng là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân Công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc CAND là người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể các nguyên tắc thực hiện quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong CAND. Cụ thể, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương, bị bệnh thuộc diện được xem xét, công nhận người có công với cách mạng thì Công an đơn vị, địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ đang công tác hoặc trước khi xuất ngũ, thôi việc, nghỉ hưu, chuyển ngành hoặc hy sinh chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương liên quan lập hồ sơ, đề xuất công nhận người có công theo quy định. Trường hợp Công an đơn vị, địa phương trước khi xuất ngũ, thôi việc, nghỉ hưu, chuyển ngành hoặc hy sinh đã giải thể, sáp nhập thì Công an đơn vị, địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ hoặc tiếp nhận địa bàn của đơn vị, địa phương đã giải thể, sáp nhập chịu trách nhiệm thực hiện.
Việc lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong CAND phải đảm bảo khách quan, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Tổ chức xác lập hồ sơ phải đúng đối tượng, chính xác, kịp thời, công khai và minh bạch. Hồ sơ người có công với cách mạng được quản lý tại cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định. Các loại giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ người có công là bản chính. Trường hợp sử dụng bản sao có chứng thực được quy định cụ thể tại Thông tư này. Trong thời hạn quy định tại Thông tư này, nếu hồ sơ không đủ điều kiện xem xét, giải quyết, cơ quan thụ lý hồ sơ phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Nghiêm cấm khai báo gian dối, làm giả, làm sai lệch hồ sơ, thủ tục để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng hoặc gây phiền hà, sách nhiễu trong lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự giải quyết các chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công; hồ sơ, trình tự công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng…
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng (nội dung chi tiết xem tại tệp đính kèm). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.
File đính kèm