Thứ Tư, 08/06/2022, 09:26 [GMT+7]

Phương án ngăn chặn, hạn chế những vụ việc bạo hành, bạo lực trẻ em nghiêm trọng

Sau những vụ án nghiêm trọng liên quan đến trẻ em như vụ đóng đinh vào đầu bé 3 tuổi, dì ghẻ bạo hành bé 8 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh hay vụ ném con 5 tuổi xuống sông, tôi muốn hỏi Bộ Công an, thời gian tới, Bộ sẽ có phương án gì để ngăn chặn, hạn chế những vụ án đau lòng như trên?

Câu trả lời

Giải pháp phòng ngừa các vụ bạo lực trẻ em nghiêm trọng

Năm 2021, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em được kiềm chế và kéo giảm, các vụ án, vụ việc được phát hiện và giải quyết nhanh chóng, triệt để nhằm xử lý nghiêm tội phạm, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện một số vụ bạo hành trẻ em đặc biệt nghiêm trọng như vụ bạo hành đối với cháu bé 8 tuổi dẫn đến tử vong ngày 22/12/2021 tại phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh; vụ bạo hành trẻ em vô cùng nghiêm trọng vào ngày 17/01/2022 tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, nạn nhân là bé gái mới 3 tuổi bị hành hạ và bị đóng găm 9 chiếc đinh vào đầu phải đưa vào Bệnh viện đa khoa Thạch Thất cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật; mới đây nhất là vụ giết trẻ em tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam do Trần Văn Viên, sinh 1992 thực hiện đối với chính con gái 5 tuổi của mình bằng cách ném cháu xuống sông dẫn đến tử vong...

Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nêu trên, cũng như kiềm chế, kéo giảm tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, Bộ Công an tập trung các giải pháp sau:

1. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt Công an cấp cơ sở nắm chắc tình hình, nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm này để áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hậu quả xảy ra;

2. Tăng cường các biện pháp phối hợp các bộ, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng nhân dân về vai trò của gia đình, của mỗi người dân trong việc tôn trọng, bảo vệ các quyền của trẻ em; nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn, báo tin tố giác các vụ bạo lực, bạo hành với trẻ em;

3. Tiếp nhận, giải quyết, điều tra nhanh chóng các tin báo tố giác về các vụ bạo lực, bạo hành trẻ em nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm, đồng thời răn đe và cảnh báo các nguy cơ tội phạm để khuyến cáo đến người dân cùng chung tay bảo vệ trẻ em;

4. Tổ chức họp báo đối với các vụ bạo lực trẻ em nghiêm trọng nhằm tuyên truyền giáo dục, xác định những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm để rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các vụ bạo lực, bạo hành trẻ em.

 

.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

.