(Congannghean.vn)-Không thể phủ nhận sự phát triển với tốc độ “chóng mặt” của mạng xã hội trong thời đại công nghệ số đã giúp thông tin được chia sẻ, lan truyền nhanh và rộng rãi. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích thiết thực đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để đăng tải các thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Và, tin giả dường như đã trở thành vấn nạn, không chỉ dẫn đến vô số hệ lụy trong đời sống xã hội mà trên hết, nó còn đặt ra vấn đề đáng lo ngại về sự xuống cấp đạo đức của một số người trong cộng đồng hiện nay.
Tin đồn thất thiệt đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, vì thế người sử dụng internet cần tỉnh táo và biết cách chọn lọc thông tin. Tranh minh họa |
Thời gian vừa qua, lợi dụng sự quan tâm chú ý của dư luận, một số đối tượng đã liên tiếp đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến vụ học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Getwway (Hà Nội) tử vong như việc tài xế đưa đón học sinh của Trường đã tự tử. Trước đó, mạng xã hội facebook cũng “nóng” lên bởi liên tiếp xuất hiện các thông tin như máy bay rơi ở Nội Bài do mưa dông, nghi vấn 2 phụ nữ bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn bị đánh bầm dập, nghi vấn thôi miên bắt cóc trẻ em dẫn tới vụ đốt xe ôtô ở Hải Dương...
Gần đây nhất, tại Nghệ An, lợi dụng tình trạng dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng ở các huyện, thành, thị, nhiều đối tượng đã đăng các thông tin sai sự thật, gây lo lắng, hoang mang trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt, ngày 7/10, trên mạng xã hội facebook lan truyền thông tin trên địa bàn phường Nghi Hương, TX Cửa Lò xảy ra tình trạng đào trộm lợn đã bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi đi tiêu thụ. Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, đã có rất nhiều tài khoản faceook khác chia sẻ với các mục đích khác nhau.
Trước tình hình đó, Công an TX Cửa Lò đã giao nhiệm vụ cho Đội An ninh nhân dân nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc. Qua kiểm tra tại thực địa, cơ quan Công an xác định, việc đào bới lợn đã bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi để tái sử dụng là hoàn toàn bịa đặt. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an thị xã đã làm rõ trang facebook có tên Phan Beo do chị Hoàng Thị Ph. trú tại khối Hiếu Hạp, phường Nghi Thu, TX Cửa Lò làm chủ có đăng tải bài viết với nội dung “Cảnh giác lợn bị tiêu hủy ở Nghĩa trang phường Nghi Hương bị đào trộm”. Ngày 8/10, Công an thị xã đã mời chị Ph. lên làm việc. Người này đã thừa nhận thông tin đào trộm lợn tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại nghĩa trang là không có thật mà chỉ nghe các tiểu thương bàn tán ở chợ. Trên cơ sở lời khai của chị Ph., hiện, Công an TX Cửa Lò đang củng cố tài liệu để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thống kê đến cuối năm 2018 cho thấy, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Bên cạnh những tiện ích thiết thực, hiệu quả mang lại thì cũng phải thừa nhận rằng, người dùng internet, đặc biệt là giới trẻ đang hàng ngày, hàng giờ bị tác động tiêu cực bởi những thông tin mang tính bạo lực, kích động, làm băng hoại giá trị đạo đức tốt đẹp trong xã hội. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ tính từ năm 2018 đến cuối tháng 5/2019, cơ quan chức năng của Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 37 trường hợp đưa thông tin sai sự thật, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác và quảng cáo không phù hợp với tổng số tiền 617,5 triệu đồng; phạt 9 trường hợp thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích với tổng số tiền 245 triệu đồng. Trong số này, có rất nhiều cá nhân tung tin đồn thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi đã bị xử phạt hành chính.
Trên thực tế, nhiều người tung tin đồn thất thiệt chỉ với mục đích để câu like, a dua theo phong trào nhưng cũng có không ít đối tượng phát tán thông tin sai sự thật lên mạng xã hội và các diễn đàn nhằm mục đích cá nhân như việc thu hút số lượng người truy cập để bán hàng online... Tin đồn bản chất vẫn chỉ là tin đồn nhưng hậu quả mang lại thì thật khủng khiếp. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài sản mà thậm chí là cả tính mạng của người dân vô tội. Trong đó, vụ việc người cha bị sát hại chỉ vì tiếng tri hô “bắt cóc trẻ em” tại tỉnh Long An là 1 ví dụ điển hình. Dù thông tin bị phát tán một cách vô tình hay có chủ ý thì cũng mang lại vô số hệ lụy trong đời sống xã hội, nhưng trên hết nó đã báo động về sự xuống cấp về đạo đức của một số đối tượng thiếu ý thức, chỉ vì lợi ích của bản thân mà quên đi lợi ích của cộng đồng.
Rõ ràng, việc xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mỗi cá nhân khi tiếp nhận thông tin cũng cần phải có sự chọn lọc kỹ càng để không rơi vào bẫy của các đối tượng có mục đích xấu. Để làm được điều này rất cần ý thức tự giác của mỗi người; đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Điểm g, Khoản 3, Điều 66, Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226, Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt từ 6 tháng đến 7 năm tù.
|