Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201904/thu-hoi-no-doi-no-thue-nhin-tu-goc-do-phap-ly-849485/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201904/thu-hoi-no-doi-no-thue-nhin-tu-goc-do-phap-ly-849485/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thu hồi nợ, 'đòi nợ thuê' nhìn từ góc độ pháp lý - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 16/04/2019, 08:12 [GMT+7]

Thu hồi nợ, 'đòi nợ thuê' nhìn từ góc độ pháp lý

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, các vụ việc liên quan đến hoạt động “đòi nợ thuê” tại một số địa phương đã thu hút sự chú ý của dư luận. Theo các luật sư và chuyên gia pháp lý, trong mọi tình huống, việc cho vay, thu hồi nợ cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
 
Tiềm ẩn nhiều hệ lụy
 
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và các quan hệ kinh tế, dịch vụ thu hồi nợ, “đòi nợ thuê” đã xuất hiện ở khá nhiều địa phương. Tuy nhiên, đi liền với đó là không ít những vụ việc phức tạp do va chạm giữa người vay nợ và người thu hồi nợ. Ngày 18/1, Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ Trần Văn Tú (24 tuổi, quê Kiên Giang) để điều tra hành vi giết người. Trước đó, vào rạng sáng cùng ngày, Nguyễn Văn Bình (27 tuổi, quê Bến Tre) cùng nam thanh niên đến khu nhà trọ ở thị xã Bến Cát gặp Tú để “đòi nợ thuê” cho một người khác. Nghe “con nợ” nói không có tiền, Bình lao vào đánh. Tú chạy vào phòng trọ cầm dao ra đâm Bình tử vong tại chỗ.
Nhóm người thuộc Công ty CP dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh bị
Nhóm người thuộc Công ty CP dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh bị "con nợ" hành hung. (Nguồn: vtc.vn)
 
Ngày 26/1, Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến vụ “Người đàn ông nghi bị nhóm đối tượng đòi nợ thuê đánh tử vong” xảy ra tại tổ 14, phường Hội Phú (thành phố Pleiku, Gia Lai). Các đối tượng bị khởi tố gồm Đỗ Ngọc Lắm (SN 1985, tổ 6, phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku), Đinh Văn Phi (SN 1989, tổ 1, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku), Lầu Thái Bảo Khoa (SN 1985, tổ 16, phường Hội Thương, thành phố Pleiku), Phạm Văn Thành (SN 1983, tổ 6, phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku) về hành vi giết người. Ngoài ra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố 2 bị can Lê Đức Huy (SN 1989, tổ 7, phường Ia Kring, thành phố Pleiku), Châu Văn Phong (SN 1992, tổ 13, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku) về hành vi không tố giác tội phạm.
 
Mới đây nhất, ngày 9/4, Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Công an thị xã Đông Triều xác nhận cơ quan này vừa ra lệnh bắt khẩn cấp Đỗ Đức Lân (45 tuổi, trú tại xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) để điều tra các hành vi đánh nhóm người đi "đòi nợ thuê" thuộc Công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh bầm dập rồi bắt quỳ lạy, quay video tung lên mạng, để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích và bắt giữ người trái pháp luật.
 
Đây chỉ là một số vụ việc điển hình liên quan đến việc thu hồi nợ, “đòi nợ thuê”; đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy phức tạp tiềm ẩn phía sau loại hình hoạt động đặc biệt này. Các vụ việc trên cho thấy nhiều bất cập liên quan đến loại hình dịch vụ thu hồi nợ. Cùng với đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước còn khá “mờ nhạt”. Nếu chỉ khi nào xảy ra hậu quả, lực lượng công an mới tham gia xử lý để ổn định an ninh trật tự xã hội thì đã quá muộn. Các bên đều có thể đã bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng hoặc bị chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp.
 
Theo nhiều người, nguyên nhân một phần xuất phát từ việc các tiệm cầm đồ, cho vay tài chính nở rộ trong thời gian gần đây mà chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền. Chủ các tiệm cầm đồ cho vay tài chính lại thường là các đối tượng cộm cán, có các mối quan hệ xã hội phức tạp, do đó hành vi của họ khi thu hồi nợ cũng đậm chất “xã hội đen”. Bên cạnh đó, việc cho vay cũng khá dễ dàng, chỉ cần CMND, sổ hộ khẩu (đối với tổ chức tín dụng có đăng kí kinh doanh thì cần thêm xác nhận lương, hóa đơn điện…) là cũng có thể được giải ngân khoản vay lên đến hàng chục triệu đồng. Theo đó, lãi suất đối với khoản vay này gần như được “thả nổi” và tùy theo thỏa thuận của các bên. Người dân đã bất chấp để giải quyết nhu cầu tạm thời, nhưng đến khi nhận ra tính nguy hiểm của giao dịch này thì đã ngoài khả năng chi trả. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn vay - trả giữa “chủ nợ” và “con nợ”.
 
Cần tuân thủ các quy định của pháp luật
 
Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Để tránh những vướng mắc không đáng có về mặt pháp lý, việc cho vay, thu hồi nợ cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô thuộc giám sát của Ngân hàng nhà nước mới được phép hoạt động cho vay tín chấp. Các cửa hàng cầm đồ là doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể hoặc công ty TNHH được Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND cấp phép thì không được hoạt động cho vay tài chính. Cho nên các giao dịch này giữa chủ nợ là chủ cửa hàng cầm đồ và con nợ ngay từ khi giao dịch đã trái pháp luật. Việc dùng vũ lực để thu hồi nợ sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa các bên và hậu quả của nó là hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích hoặc làm nhục người khác.
Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (Ảnh: QĐ)
Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (Ảnh: QĐ)
 
Trường hợp bên cho vay là cá nhân thì quan hệ vay mượn thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, nếu tranh chấp phải tiến hành khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền. Nếu các bên có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự 2015. Pháp luật Việt Nam không cho phép dùng vũ lực trái phép để thu hồi nợ. Đối với chủ nợ là ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ được thực hiện theo quy trình qua các bước: nhắc nợ qua điện thoại; đến nhà (thu hồi nợ hiện trường) và thu hồi nợ theo tố tụng. Có nghĩa là cuối cùng vẫn là khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền.
 
Cũng liên quan đến hoạt động thu hồi nợ, Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Pháp luật hiện hành công nhận kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hay nhiều người gọi là “đòi nợ thuê” như một loại dịch vụ. Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/06/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Thông tư số 110/2007/TT-BTC ngày 12/09/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP cho phép Công ty dịch vụ thu hồi nợ (công ty dịch vụ đòi nợ) khi thành lập nhưng phải có vốn ký quỹ từ 2 tỷ trở lên tại ngân hàng đang hoạt động Việt Nam và bắt buộc không được sử dụng hoặc giải ngân trong quá trình hoạt động (theo quy định tại Điều 13 Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007). Điều kiện tiếp theo là khi thành lập công ty dịch vụ đòi nợ (công ty thu hồi nợ) công ty này bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo đúng quy định pháp luật về lĩnh vực thu hồi nợ hay đòi nợ. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, đây là một pháp nhân thực hiện thay công việc của chủ nợ, bao gồm: nhắc nợ qua điện thoại, nhắc nợ tại hiện trường và thay mặt chủ nợ tham gia tại tòa án theo ủy quyền để tiến hành các bước thu hồi nợ theo tố tụng.
 
Như vậy có thể thấy, việc thu hồi nợ, dịch vụ đòi nợ là hoạt động được pháp luật cho phép thực hiện song phải trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành. Đó là điều kiện để hạn chế những hành vi biến tướng từ dịch vụ “đòi nợ thuê”. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cũng đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục có những chế tài, quy định chặt chẽ, nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi vi phạm trong việc đòi nợ trái pháp luật để dịch vụ thu hồi nợ thực sự có hiệu quả, tránh những vụ việc đáng tiếc như đã từng xảy ra trong thời gian vừa qua.
.

Nguồn: Quang Đạo – An Bình/Dangcongsan.vn

.