Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201904/de-bao-luc-hoc-duong-khong-con-la-van-nan-nhuc-nhoi-bai-2-847948/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201904/de-bao-luc-hoc-duong-khong-con-la-van-nan-nhuc-nhoi-bai-2-847948/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Để bạo lực học đường không còn là vấn nạn nhức nhối (Bài 2) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 07/04/2019, 10:26 [GMT+7]

Để bạo lực học đường không còn là vấn nạn nhức nhối (Bài 2)

(Congannghean.vn)-Cần phải khẳng định rằng, bạo lực ở lứa tuổi học đường không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ nhức nhối như trong thời gian vừa qua. Liên tiếp những vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra trong thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn này. Sau mỗi vụ việc xảy ra, ngành Giáo dục lại ráo riết tìm giải pháp để xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chặn triệt để tình trạng bạo lực học đường hiện nay vẫn là “bài toán” khó chưa được giải đáp.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho các em học sinh (Trong ảnh: Phiên tòa giả định tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, huyện Thanh Chương)
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho các em học sinh (Trong ảnh: Phiên tòa giả định tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, huyện Thanh Chương)

Bài 2: Cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi

Trên thực tế, đối với những vụ việc bạo lực học đường xảy ra thời gian qua, ngành Giáo dục và các ban, ngành liên quan đã có những biện pháp xử lý nghiêm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tái diễn các hành vi tương tự. Đặc biệt, trong vụ việc nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng ngay tại lớp học ở Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp vào cuộc, yêu cầu làm rõ vụ việc.

Theo đó, Bộ trưởng đã truy rõ trách nhiêm của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm khi để xảy ra vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, gây hoang mang, phẫn nộ trong dư luận. Thực hiện chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu UBND huyện Ân Thi “xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, Tổng phụ trách đội; xem xét kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ”, giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn “vì không nắm được tâm tư của học sinh”. Riêng nhóm nữ sinh tham gia đánh em N.T.H.Y., nhà trường đã ra quyết định tạm đình chỉ học tập và hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc để tiến hành điều tra, làm rõ hành vi của những học sinh này để xử lý theo quy định của pháp luật. Còn đối với vụ việc nữ sinh lớp 7 bị bắt quỳ gối xảy ra tại xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, chiều 2/4, Hội đồng của Trường THCS Diễn Hùng đã thi hành kỷ luật buộc nghỉ học 1 tuần đối với 4 học sinh tham gia đánh bạn.

Việc ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý những vụ bạo lực học đường cho thấy sự quyết liệt trong vấn đề ngăn chặn vấn nạn nhức nhối này. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài, để bạo lực học đường không còn là nỗi sợ hãi, ám ảnh đối với học sinh thì rất cần những giải pháp hiệu quả hơn. Trong đó, sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể là điều hết sức quan trọng để xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tâm lý, khi xảy ra 1 vụ bạo lực học đường, việc truy cứu trách nhiệm của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức đoàn, hội là rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, xử lý những học sinh có hành vi vi phạm là điều cần hết sức thận trọng. Khi xử lý bằng cách đuổi hay tạm đình chỉ học tập đối với học sinh, nhà trường phải lường trước hậu quả có thể xảy ra để tránh việc các em suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Bởi trên thực tế, rất nhiều học sinh sau khi có hành vi bạo lực đã tỏ ra rất ân hận, vì thế, nếu vụ việc không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần áp dụng biện pháp xử lý hành chính; đồng thời, có những biện pháp giáo dục tích cực, phù hợp để các em sớm nhận ra lỗi lầm và cố gắng vươn lên trong học tập.

Bên cạnh đó, nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình của học sinh để quản lý, tìm hiểu, sẻ chia tâm tư, nguyện vọng; từ đó, tạo cho các em niềm tin về một môi trường giáo dục với trách nhiệm, tình thương của các thầy, cô giáo. Mặt khác, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các trường học cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh.

Trong đó, đặc biệt chú trọng các quy định của pháp luật liên quan đến những hành vi như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác... Theo đó, có thể lồng ghép những nội dung này vào môn Giáo dục công dân hay tổ chức các buổi học ngoại khóa gắn với các hoạt động trải nghiệm, tham vấn, tư vấn tâm lý học đường với nhiều nội dung, hình thức phong phú. đa dạng. Nếu làm được điều này, chắc chắn rằng, những vụ việc bạo lực ở lứa tuổi học đường như trong thời gian vừa qua sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.

Để ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường, bên cạnh trách nhiệm của nhà trường thì vai trò của gia đình là điều hết sức quan trọng và cần thiết, bởi đây là nền tảng đầu tiên tác động đến tâm sinh lý của các em. Hơn ai hết, cha mẹ và những người thân trong gia đình phải luôn quan tâm, chia sẻ với con em mình để từ đó có biện pháp giáo dục, quản lý phù hợp.

Việc lo cho con cái có một cuộc sống đầy đủ, sung túc là điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng muốn hướng tới. Tuy nhiên, trong thời điểm công nghệ phát triển như ngày nay, nếu các bậc cha mẹ “bỏ rơi”, không quan tâm đến con cái thì việc các em tiếp xúc với đối tượng xấu hay lệ thuộc vào những thiết bị điện tử, các trò chơi bạo lực, tình dục... là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, gia đình phải thường xuyên liên hệ, phối hợp với nhà trường để có biện pháp quản lý, giáo dục học sinh, nhất là đối với những em đã và đang có biểu hiện vi phạm, hướng con đến những suy nghĩ tích cực để xây dựng một cuộc sống tương lai tốt đẹp, ý nghĩa.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý các tụ điểm giải trí hướng đến đối tượng thanh, thiếu niên nhằm hạn chế những hoạt động như bán các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia cho các em; đồng thời, có biện pháp kiểm soát những thông tin đăng tải trên mạng internet, phim ảnh và trò chơi lưu hành ngoài thị trường... Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể xã hội ở địa phương nên có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và nhà trường để có biện pháp quản lý, giáo dục những học sinh cá biệt và có hoàn cảnh đặc biệt.

Có thể nói, bạo lực học đường là một vấn nạn nhức nhối hiện nay nhưng không thể không ngăn chặn, đẩy lùi. Vấn đề cơ bản nhất là cần thời gian và sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chúng ta hãy dùng tình thương, trách nhiệm để giáo dục, hướng học sinh đến một môi trường sống an toàn, lành mạnh để các em có thể tự tin nói “không” với bạo lực học đường!

.

Ngọc Anh

.