Để chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự án Luật Thư viện dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, ngày 10/11, Thường trực Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ tổ chức Tọa đàm góp ý xây dựng Luật Thư viện với chuyên đề “Hệ thống thư viện nhà trường, thư viện bộ ngành và thư viện số”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa chủ trì.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ Hoàng Thị Hoa chủ trì Tọa đàm |
Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đại diện Bộ Giáo dục và Đào Tạo cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thư viện.
Cần hành lang pháp lý đủ mạnh cho hoạt động thư viện
Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thư viện, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngay sau khi Pháp lệnh được ban hành, Vụ Thư viện đã tổ chức Hội nghị Triển khai Pháp lệnh Thư viện cho toàn thể Giám đốc các thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước; giới thiệu nội dung Pháp lệnh Thư viện trong các lớp tập huấn do Bộ hoặc địa phương tổ chức dành cho cán bộ lãnh đạo các Sở, Phòng Văn hóa - Thông tin và các lớp tập huấn dành cho cán bộ thư viện cấp tỉnh hoặc cấp huyện... Ngoài ra, Vụ Thư viện đã sưu tầm, biên soạn, in và phát hành cuốn sách “Về công tác thư viện” gồm tập hợp các văn bản pháp quy hiện hành về công tác thư viện. Đồng thời thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về thư viện trên cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL.
Tại các địa phương, bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh/thành, lãnh đạo các Bộ ngành, các trường đại học, cao đẳng… trên cả nước đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai thực hiện Pháp lệnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, gửi tài liệu và tổ chức hội nghị triển khai cho các cơ quan ban ngành, các cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa - thông tin, cán bộ thư viện ở địa phương, ở các trường đại học, cao đẳng… Đồng thời các Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VHTTDL/Sở VHTT) đã chỉ đạo các thư viện tỉnh/thành tăng cường phổ biến nội dung Pháp lệnh tới hệ thống Thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh. Một số Bộ, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Thư viện như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công An đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về Pháp lệnh Thư viện; tổ chức khảo sát, nắm tình hình, ban hành một số văn bản cụ thể hóa Pháp lệnh, tổ chức đánh giá kết quả hoạt động của công tác thư viện trong toàn quân.
Vụ Trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, hiện nay hệ thống thư viện công cộng ở nước ta gồm có: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành, 659 thư viện cấp huyện và hàng nghìn thư viện/tủ sách cấp xã và cơ sở. Số lượng thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có khoảng trên 60 thư viện. Trong đó, Thư viện Quốc gia Việt Nam có nguồn kinh phí ổn định để duy trì hoạt động. Hiện nay, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập cũng là một thách thức không nhỏ đối với Thư viện Quốc gia, một mặt phải duy trì đầu tư cho công tác tổ chức phục vụ bạn đọc, vừa phải chủ động tìm kiếm, huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động trong khi ngân sách được cấp hàng năm tăng không đáng kể. Các thư viện cấp tỉnh mặc dù cũng có nguồn kinh phí ổn định, tuy chưa thật sự đảm bảo cho hoạt động của thư viện song từ 2001 đến nay tăng đều qua mỗi năm. Các thư viện huyện trực thuộc UBND huyện được cấp kinh phí nhiều hơn, cá biệt có một số thư viện cấp huyện có mức kinh phí tương đương với mức kinh phí của một số thư viện cấp tỉnh. Riêng các thư viện cấp xã có chiều hướng bị giảm sút trong những năm gần đây do không có kinh phí và cán bộ chuyên trách.
Đại diện Bộ VHTTDL báo cáo trước Tọa đàm |
Theo đại diện Bộ VHTTDL, hệ thống thư viện công cộng đang được quan tâm xây dựng trụ sở mới. Cho đến nay khoảng 60% trụ sở thư viện cấp tỉnh và 30% trụ sở thư viện cấp huyện được xây dựng mới từ nguồn ngân sách của địa phương và một phần thư viện cấp huyện từ ngân sách Chương trình mục tiêu. Tuy nhiên, hiện nay thư viện công cộng đặc biệt là thư viện cấp huyện còn gặp khó khăn kéo dài về cơ sở vật chất. Cho đến nay vẫn còn một số thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở độc lập, phải ghép chung với cơ quan, đơn vị khác như: Thư viện tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Kạn, Lào Cai...; phần lớn các thư viện cấp huyện nhà cấp 4, chật chội, hoặc ghép chung không bảo đảm diện tích kho tàng, không gian phục bạn đọc.
Bên cạnh hệ thống thư viện công cộng, số lượng các thư viện đa ngành, chuyên ngành, thư viện các trường đại học và tương đương có gần 400 thư viện; thư viện các trường phổ thông các cấp khoảng 26.000 thư viện; thư viện các cơ quan nhà nước trên 100 thư viện. Trong đó, hệ thống thư viện quân đội luôn đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động của các thư viện trong toàn quân. Bộ Quốc phòng cấp tiền mặt 50% kinh phí để đơn vị tự mua sách phục vụ bộ đội; số còn lại 50% kinh phí giao cho Thư viện Quân đội mua sách tập trung cấp cho các thư viện trong toàn quân. Các Trung tâm thông tin thư viện đại học quốc gia, đại học vùng, trung tâm học liệu nhìn chung đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động hàng năm. Tuy nhiên, các thư viện đại học chưa được quan tâm đồng đều. Mức độ chênh lệch về kinh phí và nguồn nhân lực còn rất lớn. Số lượng thư viện trong các cơ sở giáo dục phổ thông tăng lên hàng năm, tỷ lệ số trường có thư viện đạt chuẩn cũng tăng. Cụ thể: năm 2014-2015 tỷ lệ nhà trường có thư viện đạt chuẩn là 67% (trong khi năm 2008-2009 chỉ đạt 49,3%). Mặc dù thư viện trường phổ thông đã có quy định về kinh phí nhưng vẫn có nhiều trường chưa đảm bảo.
Đại diện Bộ VHTTDL cho biết, trung bình mỗi năm toàn thể cán bộ công chức của đơn vị đã khảo sát thực tế khoảng 30 địa phương về hoạt động thư viện. Ở mỗi nơi, đoàn không chỉ làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, làm việc với thư viện cấp tỉnh mà còn xuống tận huyện, xã và cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, tìm hiểu tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thư viện, do vậy, đã phần nào kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoặc phản ánh, báo cáo, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các giải pháp để giải quyết ... Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát này mới chỉ chú trọng kiểm tra hoạt động của hệ thống thư viện công cộng.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Qua thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá, sau gần 18 năm thi hành, Pháp lệnh thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ bất cập với hệ thống pháp luật và thực tiễn đời sống xã hội. Với sự phát triển và tác động của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động thư viện và phương thức đọc, sử dụng thông tin của người đọc đã có nhiều thay đổi. Trước thực tế đó việc xây dựng và ban hành Luật Thư viện có một ý nghĩa quan trọng và là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Thư viện sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh phát triển sự nghiệp thư viện; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản và học tập suốt đời của công dân, nâng cao trình độ văn minh xã hội và nâng cao tố chất khoa học, văn hóa cho công dân, truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Thư viện sẽ góp phần đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành. Quan điểm xây dựng Luật Thư viện đã được trình bày trong tờ trình Chính phủ của Bộ VHTTDL.
Những khó khăn trong quá trình xây dựng Luật
Tuy nhiên, đại diện Bộ VHTTDL bày tỏ, quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là những quy định hiện hành của một số luật chưa thực sự hỗ trợ cho hoạt động thư viện. Tiêu biểu như quy định về bản quyền trong Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện tại ở Việt Nam, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa có quy định ngoại lệ nào cho thư viện. Bên cạnh đó những quy định về nộp lưu chiểu trong Luật Xuất bản và những văn bản có liên quan chưa thực sự hỗ trợ cho các thư viện cấp tỉnh trong việc tiếp nhận các xuất bản phẩm địa phương. Trên thực tế, thư viện công cộng cấp tỉnh có thực hiện nhiệm vụ tổ chức công tác địa chí, trong đó có nội dung thu thập, tàng trữ và phục vụ bạn đọc các xuất bản phẩm địa phương. Để việc thu thập được đầy đủ, các nhà xuất bản, nhà in tại địa phương cần nộp xuất bản phẩm cho thư viện. Một số Luật thư viện ở nước ngoài cũng đã có quy định về vấn đề này.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân tích, Điều 26 Luật Thư viện của Hàn Quốc quy định: Trường hợp chính quyền địa phương xuất bản hoặc sản xuất tài liệu, phải nộp lưu chiểu tài liệu phải nộp cho thư viện đại diện vùng trong vòng 30 ngày sau khi tài liệu được xuất bản hoặc sản xuất. Điều này cũng sẽ được áp dụng đối với ấn phẩm sửa đối hoặc tái bản. Theo Luật này, tại Điều 22 quy định: Thành phố đô thị đặc biệt, thành phố đô thị, thành phố tự trị đặc biệt, mỗi quận và tỉnh tự trị đặc biệt (sau đây gọi là "Thành phố/Tỉnh") sẽ tổ chức một thư viện đại diện vùng. Tương tự như Hàn Quốc, Điều 26 Luật Thư viện của Trung Quốc cũng quy định: Cơ quan xuất bản có nghĩa vụ lưu chiểu các xuất bản phẩm chính thức vào thư viện quốc gia và thư viện công cộng cấp tỉnh tại địa phương theo quy định của nhà nước.
Đại biếu phát biếu góp ý tại Tọa đàm |
Khó khăn thứ hai phải kể đến là những chính sách ưu đãi dành cho thư viện không được quy định trong luật thư viện trong khi những quy định liên quan đến thư viện trong các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể cho các nội dung này. Những ưu đãi trong đầu tư, đất đai cho thư viện, quy định về xuất nhập khẩu sách báo và trang thiết bị thư viện cần được bổ sung để thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động thư viện…Đáng lo ngại là hiện nay nhiều thư viện đang đứng trước nguy cơ bị sáp nhập, giải thể hoặc giảm biên chế, giảm ngân sách…
Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ
Để khắc phục được các khó khăn, thách thức này, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đề cập rõ hơn nguyên nhân dẫn đến thực trạng suy giảm đến mức báo động về tình hình người đọc ở các thư viện hiện nay; những hạn chế chủ quan của Bộ VHTTDL và các thư viện trong việc đưa Pháp lệnh Thư viện vào cuộc sống. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của Thư viện theo tinh thần của Pháp lệnh Thư viện. Sớm chấn chỉnh hệ thống thư viện trường học - nơi xây dựng thế hệ đọc tương lai, các đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập riêng một bộ phận chăm lo cho công tác Thư viện. Đồng thời, bổ sung mục đích xây dựng Luật thư viện là: “chấn hưng văn hóa đọc, xây dựng thế hệ đọc tương lai” và “thống nhất về tổ chức và nghiệp vụ của ngành thư viện Việt Nam”.
Qua nghiên cứu, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Thư viện mà Bộ VHTTDL xây dựng còn nhiều điều chung chung, chưa cụ thể như Pháp lệnh thư viện và dự thảo Luật thư viện năm 2012. Trong đó, có nhiều điều giao cho Chính phủ (7 nội dung) và Bộ trưởng Bộ VHTTDL (11 nội dung) quy định. Nếu như vậy, Luật ra đời sẽ phải chờ một thời gian rất lâu mới có thể triển khai được. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Luật Thư viện là giấy khai sinh của ngành, là tấm hộ chiếu để thư viện Việt Nam hội nhập với thư viện Thế giới. Việc có Luật Thư viện là rất cần thiết. Đây là cơ hội lớn cho ngành. Dù có thể chậm nhưng Ban soạn thảo cần nghiên cứu để hoàn chỉnh hơn.
Để việc triển khai dự án Luật Thư viện đảm bảo tiến độ, chất lượng, các đại biểu cũng đề nghị, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để Bộ VHTTDL tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật; yêu cầu các luật chuyên ngành có liên quan bổ sung các nội dung có liên quan đến thư viện để đảm bảo hành lang pháp lý cho ngành thư viện. Cụ thể là có quy định ngoại lệ về bản quyền cho thư viện (trong Luật Sở hữu trí tuệ); hỗ trợ cho các thư viện cấp tỉnh trong việc tiếp nhận các xuất bản phẩm địa phương (trong Luật Xuất bản); cho phép đặt ra quy định cụ thể về đầu tư của nhà nước cho thư viện và chế độ đãi ngộ đối với người làm thư viện nói chung và thư viện ở cơ sở nói riêng…