(Congannghean.vn)-Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ đầu năm 2019 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ ANQG; xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, Luật cũng là hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ người dân, doanh nghiệp và trẻ em trên không gian mạng.
Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống sẽ trở thành hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp và trẻ em trên không gian mạng (Ảnh minh họa) |
Sáng 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua, gồm: Luật Quốc phòng; Luật Cạnh tranh; Luật Tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Trước đó, ngày 12/6, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Luật An ninh mạng được Quốc hội biểu quyết thông qua với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỉ lệ 86.86%), Luật sẽ chính thức có hiệu lực vào 1/1/2019.
6 nhóm hành vi bị cấm liên quan đến an ninh mạng
Khi đi vào cuộc sống, Luật An ninh mạng có ý nghĩa, tác dụng hết sức quan trọng, bởi Luật là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ ANQG; xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Luật gồm 7 chương, 43 điều, quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Các hành vi này bao gồm: Sử dụng không gian mạng tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông tin kích động lôi kéo tụ tập đông người, gây rối ANTT, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, gây mất ổn định về ANTT; các hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
Các hành vi phát tán thông tin gây hại cho tổ chức, cá nhân như thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; các hành vi xâm phạm TTATXH như sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người, đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; các hành vi tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng và liên quan như sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử...
Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của Nhà nước trên không gian mạng, Luật quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Luật An ninh mạng cũng là cơ sở để bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về ANQG, đồng thời là hành lang pháp lý để phòng chống tấn công mạng, phòng chống khủng bố mạng, chiến tranh mạng… Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho rằng, Luật An ninh mạng là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng. Cục trưởng Cục An ninh mạng cũng khẳng định, Luật này không hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân; mọi hoạt động của người dân nếu không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật thì đều được Nhà nước bảo hộ.
Ảnh minh họa |
Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ
Mới đây, tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh cũng đã có những chia sẻ với cử tri về những vấn đề đang được dư luận quan tâm liên quan đến Luật An ninh mạng, như quyền sử dụng các mạng xã hội, những hành vi nghiêm cấm trên môi trường mạng…
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, Luật An ninh mạng đưa ra 6 nhóm hành vi bị cấm, nhưng không hề có quy định nào cấm người dân sử dụng các mạng xã hội như facebook, google, twitter. Người dân thoải mái sử dụng mạng xã hội để hoạt động một cách bình thường, miễn là không vi phạm pháp luật hình sự đã được quy chiếu. Tuy nhiên, hiện nay có gần 3.000 trang tin mạng hoạt động với những nội dung xuyên tạc, luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ, vu khống. Do đó, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu mong muốn người dân khi sử dụng internet, cần giữ thái độ tỉnh táo, tham gia đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái đó.
Mục đích của việc ban hành Luật An ninh mạng là để cải thiện tình hình an ninh thông tin của Chính phủ, cơ quan công quyền, các doanh nghiệp, cũng như bảo vệ người dân tốt hơn khi ở trong môi trường mạng toàn cầu. Cũng cần nói thêm, Luật An ninh mạng đã trở thành hàng lang pháp lý vững chắc của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến ANQG từ không gian mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng. Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng.
Ở Việt Nam, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ CNTT trong các lĩnh vực của đời sống đã mang lại những diện mạo mới. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về an ninh mạng cần khắc phục như: Tiềm lực quốc gia về an ninh mạng của nước ta chưa đủ mạnh, chưa huy động, khai thác được sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng CNTT đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện âm mưu tiến hành “cách mạng màu”, “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta. Tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần, thậm chí ảnh hưởng tói chủ quyền, lợi ích, ANQG, TTATXH.
Ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến ANQG và TTATXH. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưỏng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội; hệ thống thông tin quan trọng về ANQG chưa được xác định và bảo vệ bằng các biện pháp tương xứng, nên khi xảy ra các sự cố, việc triển khai hoạt động ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả của cơ quan chức năng có liên quan rất lúng túng, chưa có quy trình thống nhất; tình hình lộ, lọt bí mật Nhà nước qua không gian mạng rất đáng lo ngại, nhiều văn bản thuộc bí mật Nhà nước bị đăng tải trên không gian mạng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an ninh mạng chưa được xây dựng, các văn bản hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật…
Thực trạng nguy cơ trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng và ban hành văn bản luật về an ninh mạng để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm ANQG, TTATXH, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, CNTT lớn trong nước, các chuyên gia, tập đoàn kinh tế viễn thông nước ngoài và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.