Ngày 04/6, trả lời chất vấn của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết: để khắc phục tình trạng lạc hậu của ngành đường sắt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, thời gian tới Bộ sẽ xây dựng đề án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam trình Quốc hội vào năm 2019.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải làm rõ trách nhiệm, giải pháp nâng cao chất lượng ngành đường sắt |
Cùng quan điểm, đại biểu Dương Trung Quốc - Đồng Nai, cho rằng: trong ngành giao thông, đường sắt là một phương tiện tuyệt đối công cộng cần được ưu tiên. Đường sắt là một giá trị chúng ta được thừa kế từ năm 1936, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có được một hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất ở Châu Á. Ngày hôm nay đường sắt ở tình trạng này là trong nhận thức của chúng ta không đầy đủ...
Cách đây 8 năm Quốc hội đã thẩm định và không tán thành việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam nhưng vẫn khẳng định cần thiết phải sớm có một đường sắt hoàn thiện, có tốc độ cao để đáp ứng như là một phương tiện xương sống của hệ thống giao thông. Nhưng 8 năm qua hầu như dẫm chân tại chỗ. Đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề: Phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích, trong khi đường sắt đầu tư lớn nên không được chú trọng, đề nghị Bộ trưởng nói rõ quan điểm đối với đường sắt Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong báo cáo với Quốc hội thì Bộ Giao thông vận tải đã nêu rõ giao thông đường sắt mà đặc biệt đường sắt Bắc - Nam là một tuyến đường hết sức quan trọng đối với đất nước. Nếu giải quyết giao thông đường sắt tốt thì sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều và chúng ta cũng không cần phải đầu tư nhiều tiền để phát triển hệ thống đường bộ Bắc - Nam như hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắng nhìn nhận ngành giao thông vận tải tham mưu kém, do đó trong thời gian vừa qua chúng ta chưa có những giải pháp để hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội |
Hiện nay, đường sắt Bắc - Nam có 5.719 đường giao cắt, trong đó, 1.519 đường giao cắt do Tổng Công ty đường sắt tổ chức có gác chắn là những đường giao cắt lớn, có nhiều phương tiện tham gia giao thông qua lại. Còn lại, 4.200 đường giao cắt dân sinh, chủ yếu là đường nhỏ. Những đường giao cắt này luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đối với 1.519 đường giao cắt có tổ chức thì quản lý rất tốt. Còn 4.200 đường giao cắt nhỏ lẻ đều có biển báo, làm gờ giảm tốc, khi phương tiện đường sắt đến đều có biển báo để cảnh báo. Nhưng việc chấp hành giao thông của một số bộ phận người tham gia giao thông chưa được nghiêm, mặc dù, có biển báo nhưng lại không quan sát, gây tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt.
Để chấn chỉnh việc này, Bộ trưởng cho biết đã làm việc với Tổng Công ty đường sắt, Cục đường sắt và hiện Bộ đang rất tập trung giải quyết một số vụ việc tai nạn giao thông gần đây. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức Hội nghị trực tuyến với một số địa phương có đường sắt đi qua và có cam kết với các địa phương sắp tới tăng cường công tác quản lý. Trách nhiệm nào thuộc Bộ, trách nhiệm nào thuộc Cục đường sắt, trách nhiệm nào của địa phương. Và trước mắt không để phát sinh thêm các đường giao cắt. Với những đường giao cắt hiện nay, sẽ tăng cường tự động hóa, hoặc đưa ra các giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tốt hơn. Về lâu dài, hiện Bộ Giao thông vận tải đang chuẩn bị đề án xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao sẽ trình Quốc hội vào năm 2019.
Bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường sắt phải quản lý như đường cao tốc. Đường sắt là loại hình vận tải đặc biệt, không có tuyến đường thứ hai để tránh, khi chạy bám sát đường ray nên cần quản lý chặt chẽ để tránh đường giao cắt, vật nuôi, con người có thể xâm phạm, phạm vi an toàn.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng thời gian qua ngành đường sắt đã bị "bỏ rơi" |
Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho biết trước mắt sẽ thực hiện những giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn và hoạt động. Về lâu dài Bộ xây dựng đề án tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để báo cáo Quốc hội. Dự án đường sắt cách đây 8 năm đã trình Quốc hội nhưng Quốc hội chưa thông qua trách nhiệm lớn thuộc về Bộ Giao thông vận tải bởi khi cảm thấy dự án này rất cần thiết cho xã hội chúng ta phải kiên trì đề xuất.
Trước những ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội về việc Bộ chưa quan tâm thỏa đáng giải quyết tình trạng tai nạn của ngành đường sắt cũng như viêc ngành đường sắt gần như bị “bỏ rơi” trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng chia sẻ, Bộ rất quan tâm tới đường sắt.
Trong mấy ngày vừa qua, đặc biệt là khi có xảy ra nhiều tai nạn thì bản thân lãnh đạo Bộ và các đơn vị cũng đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và thành thật xin lỗi người dân, những người bị tai nạn giao thông, liên quan đến đường sắt. Bộ xác định trách nhiệm rất cao của mình và sự yếu kém của hệ thống đường sắt, các cơ quan, đơn vị có liên quan, cả Cục Đường sắt và Tổng Công ty đường sắt.
Về việc đầu tư cho ngành đường sắt, Bộ trưởng cho biết, điều đáng tiếc là trong thời gian vừa qua chúng ta chưa thông qua được một dự án nào về đường sắt làm mới nên chưa triển khai. Nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo thì chúng ta sẽ tiến hành thực hiện các dự án đường sắt.
Bộ trưởng bày tỏ quan điểm cá nhân là người làm giao thông, rất mong muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải, trong đó có đường sắt. Thẳng thắn nhìn nhận là đường sắt phát triển quá lạc hậu, đường biển, đường ven bờ, đường thủy nội địa trong thời gian vừa qua là sự đầu tư chưa đúng mức.
Nhấn mạnh đã đến giai đoạn chúng ta cần phải thông qua đề án đường sắt, Bộ trưởng đề xuất, chúng ta có thể thông qua với 50 tỷ, mỗi nhiệm kỳ chúng ta bỏ ra 5 tỷ đồng để chúng ta hình thành nên tuyến đường sắt mới. Có như vậy trong nhiều nhiệm kỳ, chúng ta mới có được đường sắt Bắc-Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải phát triển hài hòa giữa các loại hình giao thông |
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị sắp tới phải phát triển hài hòa giữa các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không chứ không chỉ quan tâm cho đường bộ.