(Congannghean.vn)-Vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Vì vậy, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc do vi phạm nồng độ cồn, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người điều khiển phương tiện cần nâng cao ý thức chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ về nồng độ cồn.
Khó khăn trong xử lý vi phạm
Tai nạn giao thông (TNGT) xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia đang trở thành một vấn nạn xã hội và cũng là vấn đề mà Chính phủ ưu tiên giải quyết hàng đầu.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông |
Để giảm thiểu TNGT, Ủy ban ATGT quốc gia đã ban hành nhiều kế hoạch về kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Thực tế, việc phát hiện các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia không hề dễ. Bởi lẽ, việc xác định người vi phạm chỉ được thực hiện thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như máy đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, khi lực lượng CSGT nghi ngờ người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia, yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn thì gặp nhiều trở ngại.
Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết: Việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn còn gặp nhiều khó khăn; một phần do lực lượng mỏng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ thiếu. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là một số trường hợp vi phạm không chịu hợp tác. Khi lực lượng CSGT yêu cầu thở vào máy đo nồng độ cồn, gần như họ không chấp hành hoặc chấp hành theo kiểu qua loa, lấy lệ nên kết quả bị sai lệch.
Trung úy Phan Đức Đào, cán bộ Đội CSGT Công an huyện Diễn Châu cho biết: Nhiều trường hợp cố tình lảng tránh khi lực lượng CSGT yêu cầu thở vào máy đo nồng độ cồn hoặc ngậm nhưng không chịu thở. Thậm chí, nhiều người còn có lời nói, hành động xúc phạm lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Đối với những trường hợp đó, tổ công tác buộc phải sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để làm chứng cứ xử lý theo quy định của pháp luật, ghi lại hình ảnh để xử lý theo lỗi không chấp hành.
Phạt cao nhưng vẫn vi phạm
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở nước ta được áp dụng theo Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ.
Cụ thể, người điều khiển ôtô có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt mức cho phép sẽ bị phạt ở mức thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất 15 triệu đồng (tùy theo nồng độ cồn đo được); còn mức phạt thấp nhất đối với người điều khiển xe môtô là 500.000 đồng, cao nhất 3 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, chỉ tính từ ngày 16/12/2015 - 15/4/2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 221 vụ TNGT, làm 104 người chết, 163 người bị thương. 5 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã kiểm tra khoảng hơn 2.630 trường hợp liên quan đến nồng độ cồn, nhưng chỉ xử lý được 1.944 trường hợp.
Để ngăn ngừa, làm giảm các vụ vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, qua đó giảm thiểu số vụ TNGT, số người chết và bị thương do TNGT trên địa bàn tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Để việc triển khai thực hiện kế hoạch đạt kết quả cao, thời gian tới, lực lượng CSGT, Cảnh sát Trật tự và Thanh tra giao thông sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; trang bị máy đo nồng độ cồn trong hơi thở và các trang thiết bị phụ trợ cho lực lượng thực thi công vụ.
Song song với đó, tập huấn cho cán bộ ngành Y tế các quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; xây dựng các mô hình thí điểm về tuyên truyền, vận động người dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.