Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201605/giai-phap-nao-de-dam-bao-trat-tu-atgt-duong-sat-bai-2-676225/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201605/giai-phap-nao-de-dam-bao-trat-tu-atgt-duong-sat-bai-2-676225/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giải pháp nào để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt? (Bài 2) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 09/05/2016, 14:14 [GMT+7]

Giải pháp nào để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt? (Bài 2)

Bài 1: Quyết kéo giảm TNGT đường sắt

Bài 2: Kỳ vọng những giải pháp "dài hơi"

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, liên tiếp những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối hiểm họa liên quan đến lĩnh vực này. Trước thực trạng đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp; qua đó góp phần hạn chế những rủi ro, đảm bảo trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn.

Những mô hình hay, việc làm thiết thực

Thời gian qua cũng như hiện nay, vấn đề đảm bảo trật tự ATGT đường sắt đang trở thành tâm điểm của các địa phương trong cả nước. Thậm chí, tại nhiều tỉnh, thành phố còn xảy ra hiện tượng ném đá lên các toa tàu, tháo trộm các thiết bị đường ray.

 Tại các điểm có rào chắn, trật tự ATGT đường sắt luôn được đảm bảo
Tại các điểm có rào chắn, trật tự ATGT đường sắt luôn được đảm bảo

Ở Nghệ An trước đây đã từng xảy ra hiện tượng học sinh tháo trộm thiết bị đường sắt, nhưng từ khi hưởng ứng phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, tình trạng này từng bước được khắc phục và chấm dứt hoàn toàn. Hàng nghìn học sinh tại các địa bàn có đường sắt đi qua đã tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào, qua đó tạo ra những hiệu ứng tích cực.

Gần đây, cũng trên địa bàn Nghệ An, phong trào “Thanh niên tình nguyện cảnh giới đường ngang” cũng đã phát huy hiệu quả tích cực khi tại các đường ngang không có rào chắn, do được bố trí người cảnh giới nên TNGT liên quan đến đường sắt đã giảm hẳn.

Ngoài ra, tại một số “điểm đen” về TNGT ở các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt đã xuất hiện các mô hình tự quản hoạt động hiệu quả. Đơn cử, tại cung đường sắt  đi qua  xóm 15, xã Nghi Kim, TP Vinh có một điểm giao cắt tại Nhà máy bật lửa gas Trung Lai. Đây không chỉ là nơi đi lại của khoảng 2.000 công nhân Nhà máy mà còn là lối đi hàng ngày của người dân các xóm 18A, 18B, 14, 15 của xã Nghi  Kim.

Khoảng 10 năm nay, anh Bùi Tiến Đông, một người dân đã tình nguyện làm nhiệm vụ cảnh giới tàu vào thời điểm công nhân đi làm và tan ca qua cung đường sắt nói trên. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời; quan trọng hơn, ngành đường sắt phải có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt mang tính bền vững, lâu dài.

Về vấn đề này, ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Phần lớn các vụ TNGT đường sắt đều xảy ra tại những đường ngang dân sinh. Nguyên nhân là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát. Bởi vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng tránh TNGT tại các điểm giao cắt cho nhân dân, việc thiết lập các tín hiệu cảnh báo, barie tự động hoặc bán tự động và cử người làm nhiệm vụ cảnh giới là việc cần làm trong thời gian sắp tới.

Đảm bảo trật tự ATGT đường sắt “dài hơi”

Ông Nguyễn Thế Thông, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết: Từ hiệu quả của việc lắp đặt các điểm cảnh báo tự động, Công ty đang xây dựng kế hoạch để từ nay đến cuối năm sẽ tiến hành lắp đặt mới 15 điểm bán tự động tại các đường ngang dân sinh. Việc làm này nhằm kịp thời cảnh báo cho người dân khi đi qua đường sắt, đồng thời giúp giảm thiểu các vụ va chạm, tai nạn khi nhân viên phải ra giữa đường kéo chắn như hiện nay.

Ngoài ra, ngành đường sắt cũng phấn đấu đến hết năm nay sẽ lắp đặt thêm 11 điểm cảnh báo tự động. Trong thời gian chờ đợi phê duyệt kinh phí, trước mắt, đối với các điểm giao cắt thường xảy ra TNGT, vào các giờ cao điểm hoặc ngày lễ, Công ty đều cử công nhân đứng gác để cảnh giới. Ngoài ra, công tác tuyên truyền nhằm giảm thiểu TNGT liên quan đến đường sắt cũng được các đơn vị liên quan phối hợp đẩy mạnh.

Hàng năm, tuổi trẻ ngành đường sắt đều phối hợp với các đơn vị kết nghĩa đến tận trường học tại các địa bàn có đường sắt đi qua để tuyên truyền rộng rãi cho các em học sinh. Hàng tháng, Đội Thanh tra giao thông và Phòng An toàn kỹ thuật của Công ty đã tổ chức in ấn, phát hành tờ rơi dọc tuyến.

Một hoạt động khác cũng được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực là tổ chức ký cam kết tại 100% xã, phường có tuyến đường sắt đi qua, mục đích là vừa góp phần bảo vệ hành lang ATGT, vừa cam kết không để phát sinh thêm các đường ngang dân sinh.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đường, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An cho biết: Thực tế kinh nghiệm cho thấy, hàng năm, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về trật tự ATGT cho giáo viên và học sinh các nhà trường nơi có đường sắt đi qua, đồng thời tổ chức cho học sinh, giáo viên ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ đều mang lại hiệu quả rất khả quan. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, phòng ngừa các hành vi gây mất trật tự ATGT đường sắt đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Ngoài ra, việc phối kết hợp với các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và công tác tuyên truyền trong các khu dân cư cũng được chú trọng và phát huy hiệu quả.

Qua đường thiếu quan sát là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT đường sắt
Qua đường thiếu quan sát là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT đường sắt

Tuy vậy, theo Thiếu tá Nguyễn Văn Đường, các vụ TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra tại các đường ngang dân sinh, nguyên nhân là do ý thức của một bộ phận nhân dân. Do đó, để giảm thiểu TNGT đường sắt, cần tìm cách tháo gỡ vướng mắc tại các đường ngang này.

Cụ thể, cần giao trách nhiệm cho các địa phương để đẩy nhanh sự phối hợp giữa ngành đường sắt với UBND tỉnh theo Quy chế phối hợp 07 đã được ký kết. Nếu các đường ngang dân sinh được thiết kế lại, làm thông thoáng tầm nhìn, lắp thêm hệ thống cảnh báo và gờ phân cách cứng thì việc giảm thiểu TNGT liên quan đến đường sắt không còn là điều đáng quan ngại như hiện nay.

Ngày 21/3/2016, UBND tỉnh Nghệ An có Kế hoạch số 156 về việc tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh năm 2016.

Theo đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan như Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, các sở GTVT, GD&ĐT, TT&TT, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể - xã hội cấp tỉnh cùng UBND các huyện, thành, thị có đường sắt đi qua phải có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng về trật tự ATGT đường sắt trong các tầng lớp nhân dân, tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật và xử lý nghiêm, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp tự ý mở đường ngang trái phép để răn đe, giáo dục.

 

.

Thiên Thảo

.