(Congannghean.vn)-Thực tế cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe của con người; đồng thời tác động trực tiếp đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Xác định rõ điều này, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp tích cực và mang lại hiệu quả cao.
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, trong năm 2019, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo về công tác ATTP trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 4057 ngày 7/10/2019 về việc ban hành Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025”. Các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND các huyện, thành, thị cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan theo lĩnh vực được phân công, phân cấp.
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn TP Vinh |
Năm 2019, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 1.138 cơ sở, cấp giấy xác nhận kiến thức cho 4.690 cá nhân, tổ chức; tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm cho 338 sản phẩm và ký cam kết đảm bảo ATTP cho 6.545 cơ sở. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 267 chứng chỉ đủ điều kiện buôn bán phân bón và xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật cho 15 sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng được thực hiện thường xuyên, đa dạng các hoạt động, loại hình trên nhiều phương tiện truyền thông như: Báo, đài, pano, áp phích, tờ rơi, hội nghị, hội thảo, tập huấn… Theo đó, đã tổ chức 391 cuộc tập huấn; 67 cuộc hội thảo, hội nghị; 676 buổi nói chuyện chuyên đề 3.022 băng rôn, khẩu hiệu; 109.693 tờ rơi, tờ gấp… Các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Du lịch… đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP theo lĩnh vực được phân công quản lý và đạt hiệu quả cao.
Tại tuyến huyện, công tác thông tin truyền thông được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn TP Vinh không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tại huyện Yên Thành đã tổ chức Hội nghị triển khai mô hình bếp ăn tập thể đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận. Riêng tại huyện Con Cuông đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình truyền thông Quốc gia về ATTP giai đoạn 2016 - 2020…
Trong năm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức xây dựng 20 mô hình sản xuất nông lâm thủy sản an toàn. Cùng với đó, ngành Y tế và UBND các huyện, thị xã, TP Vinh đang tiến hành thẩm định mô hình bếp ăn tập thể, nhà hàng trong khách sạn (đối tượng không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP) với 92 cơ sở tham gia (trong đó có 16 cơ sở thuộc quản lý của tuyến tỉnh và 76 cơ sở thuộc tuyến huyện quản lý). Tại tuyến tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho 300 người và trang bị hỗ trợ cho các cơ sở tham gia mô hình điểm gồm: Bộ sổ kiểm tra thực phẩm 3 bước và lưu mẫu thực phẩm; áp phích về quy trình rửa tay vệ sinh trong ăn uống, dụng cụ lưu mẫu thực phẩm; găng tay, tạp dề, khẩu trang, mũ chụp tóc.
Đặc biệt, công tác giám sát thực phẩm và ngộ độc thực phẩm được hết sức chú trọng. Ngành Y tế giám sát mối nguy ô nhiễm đối với 1.016 mẫu thực phẩm; trong đó có 967 mẫu đạt và 49 mẫu không đạt. Cũng trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm làm 66 người mắc, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ và số người tử vong giảm (năm 2018 xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 57 người mắc, trong đó có 4 trường hợp tử vong). Năm 2019, các Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành của ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các sở, ngành khác đã tiến hành thanh, kiểm tra 24.405 cơ sở. Trong đó có 19.942 cơ sở đạt và 3.463 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 1/412 cơ sở với tổng số tiền gần 2,4 tỉ đồng. Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 673 vụ vi phạm về ATTP, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 3,7 tỉ đồng và chuyển cơ quan khác xử lý 320 vụ, 320 đối tượng. Tạm giữ hàng hóa gồm hơn 40.316.000 kg sản phẩm động vật, 896 két nước ngọt, 2.454 hộp bánh kẹo các loại, 1.245 hộp bánh trung thu, 3.368 hộp sữa, 1.057 chai rượu ngoại, 3.960 chai nước mắm 3.000 lọ thuốc thú y… Riêng Cục Quản lý thị trường đã xử lý 550 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 2,1 tỉ đồng.
Thời gian tới, để công tác quản lý Nhà nước về ATTP tiếp tục đạt được hiệu quả tích cực, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành và phân công, phân cấp trong lĩnh vực này; đồng thời ban hành cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm của tỉnh. Các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP sẽ được trang bị, bố trí về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP từ tỉnh đến cơ sở; riêng cấp huyện, xã có bộ phận đầu mối và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý ATTP.
Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Đẩy mạnh hỗ trợ và nhân rộng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; quản lý dữ liệu và cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP tiên tiến (ISO 22000, HACCP, GMP, VietGAP…) và các mô hình điểm về ATTP. Ngoài ra, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về ATTP phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.
.