Có những vụ, đối tượng bị truy tố mức hình phạt đặc biệt nghiêm trọng (nếu lấy tổng trọng lượng thì tử hình), nhưng khi giám định hàm lượng lại chuyển điều khoản nhẹ hơn của điều luật hoặc không bị tử hình.
Hiện nay có rất nhiều văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan đến việc giải quyết các vụ về án ma túy do giữa lý luận và thực tiễn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Đặc biệt, vấn đề được bàn luận, điều chỉnh nhiều nhất xoay quanh việc khi thu giữ được tang vật trong vụ án nghi chất ma túy có bắt buộc phải giám định hàm lượng (GĐHL) chất ma túy hay không, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Hai cách hiểu khác nhau
Trong quy định phần các tội phạm về ma túy theo Bộ luật Hình sự 2015, tại các điều luật tương ứng với tội danh cụ thể đều quy định "chất ma túy...". Đây là 3 từ rất chung để mô tả, diễn đạt trong luật nhưng cũng làm cho những người thực thi pháp luật có 2 quan điểm hiểu khác nhau. Một, cho rằng "chất ma túy" phải được hiểu là tinh chất, không phải dạng ma túy tổng hợp, do vậy khi giải quyết vụ án về ma túy phải thực hiện trưng cầu GĐHL đối với chất ma túy bị thu giữ để làm cơ sở định khung hình phạt (hiểu và thực hiện theo cách này, bị can được hưởng lợi). Hai, cho rằng "chất ma túy" cũng có thể tinh chất, cũng có thể là tổng hợp chất có chứa ma túy (như ma túy tổng hợp) nên khi giải quyết vụ án, không thực hiện GĐHL, lấy tổng khối lượng ma túy thu giữ được làm căn cứ định khung hình phạt (hiểu và thực hiện theo cách này, bị can bất lợi).
Rõ ràng cùng một điều luật, một quy định, một khối lượng chất ma túy bị thu giữ nhưng kết quả lại khác nhau trong việc nhìn nhận, giải quyết vụ án, không bảo đảm tính thống nhất trong điều tra, truy tố, xét xử.
Để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với công ước quốc tế, bảo đảm quyền con người, bảo đảm nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo, cũng như tránh oan sai trong xét xử, ngày 24/12/2007 Thông tư liên tịch (TTLT) số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTP (TT 17/2007) được ban hành, có nội dung chỉ đạo chung quy định tại tiết 1.4 mục 1 phần I như sau: "Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy...".
Giám định viên kỹ thuật hình sự giám định hàm lượng ma túy sau một vụ bắt giữ |
Đây là quy định rất đúng đắn nhưng trên thực tế thực hiện lại vướng mắc vì cả nước chỉ có Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an mới có đủ máy móc, trang thiết bị để thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy, dẫn tới số lượng vụ án tồn đọng lớn do phải chờ kết quả giám định.
Để tháo gỡ, ngày 14/11/2015, TTLT số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (TT 08/2015) sửa đổi tiết 1.4 mục 1 phần I TT 17/2007 nói trên.
Tiếp đó, ngày 29/8/2016, Bộ Công an ban hành Công văn số 2955/CSĐT(C44) về việc giải quyết các vụ án về ma túy, trong đó hướng dẫn chi tiết cách ghi trong kết luận giám định, tại mục 1 để thống nhất trong việc ghi kết luận giám định.
Văn bản dưới luật không khớp luật
Sau khi Công văn 2955 ra đời, số vụ án ma túy tồn đọng đã được giải quyết nhưng đối chiếu công văn trên với nhiều văn bản pháp luật khác thì vẫn thấy mâu thuẫn. Bởi trong Công văn 2955 thể hiện rõ việc cơ quan CSĐT can thiệp, chỉ đạo bằng văn bản mang tính bắt buộc trong hoạt động giám định tư pháp. Đây là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại điều 6 Luật Giám định tư pháp 2012.
Chưa kể, số ma túy thu giữ hiện nay hầu hết là ma túy tổng hợp. Nếu dựa trên Công văn 2955, giám định viên buộc phải kết luận tang vật là chất ma túy, gây áp lực rất lớn cho giám định viên. Nhiều vụ việc, đối tượng bị truy tố mức hình phạt đặc biệt nghiêm trọng (nếu lấy tổng trọng lượng thì tử hình) nhưng khi GĐHL lại chuyển điều khoản nhẹ hơn của điều luật hoặc không bị tử hình.
Nội dung hướng dẫn tại TT 08 trái với điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể, điều 15 đề cập trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Bộ luật Hình sự 2015 không quy định "lấy tổng khối lượng ma túy, kể cả trong trường hợp có pha trộn với các chất khác" để làm căn cứ định khung hình phạt. Thực tế quá trình điều tra, truy tố, xét xử hiện nay khi thu giữ tang vật trong vụ án nghi chất ma túy (dạng thể rắn), sau khi có kết luận giám định, hầu hết đều không phải là tinh chất ma túy mà là ma túy tổng hợp. Chứng minh được sự thật này là một căn cứ đặc biệt quan trọng khi xét xử. Đó là nguồn gốc định khung hình phạt. Nội dung hướng dẫn tại TT 08 có quan điểm chỉ đạo không GĐHL (trừ 4 trường hợp), sau đó lấy tổng khối lượng làm căn cứ định khung hình phạt đã đáp ứng được việc giải quyết tồn đọng án ma túy nhưng vô hình trung đã chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng cố ý thực hiện sai sự thật, trái với quy định tại điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Không được kết luận "là chế phẩm heroin"
Theo hướng dẫn của Công văn 2955/CSĐT(C44), đối với những trường hợp không bắt buộc phải tổ chức giám định để xác định hàm lượng, Cơ quan CSĐT công an các cấp khi ra quyết định tổ chức giám định đối với các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đã thu giữ được thì nội dung yêu cầu giám định cần ghi rõ: "Mẫu gửi giám định có phải là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy không? Loại chất ma túy, tiền chất gì? Trọng lượng (khối lượng) của mẫu gửi giám định là bao nhiêu?".
Đối với cơ quan giám định, trong kết luận giám định phải xác định rõ về chất ma túy để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự. Ví dụ như chất heroin, chất cocain... Không được kết luận "là chế phẩm heroin" hoặc "có thành phần heroin...".
.