(Congannghean.vn)-Gian hàng đơn giản chỉ là cái bàn cũ kỹ, tấm bìa các tông hay tấm ni lông cũ trải lên một góc nào đó ở vỉa hè, người ta có thể bày biện lên đó dăm bảy cân thịt gia súc, gia cầm để bán. Những sạp hàng tự phát như thế đang hiện hữu ở khắp các phường, xã trên địa bàn TP Vinh. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà quan trọng hơn là việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gần như đang bị bỏ ngỏ!
Điểm kinh doanh thực phẩm động vật tự phát tràn lan trên các tuyến đường TP Vinh |
Thực phẩm quê xuống phố
Trong những năm gần đây, trước tình trạng thực phẩm bị xâm hại nghiêm trọng bởi thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi, khiến nhiều người tỏ ra lo lắng cho bữa ăn của gia đình. Từ thực trạng trên, nhiều gia đình đã nảy sinh ý tưởng tự trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có phần đất dôi dư và thời gian để chăn nuôi, trồng trọt. Vì thế, thực phẩm hàng ngày chủ yếu vẫn phụ thuộc vào hàng hóa kinh doanh trên thị trường.
Nắm bắt nhu cầu này, nhiều tiểu thương đã tìm cách đưa thực phẩm từ các huyện về TP Vinh bày bán và người dân thành phố thường gọi đây là “thực phẩm quê”, bao gồm: Thịt lợn, thịt bê, thịt trâu, bò và các loại rau củ. Trong số này, có những sạp hàng bán thực phẩm đã qua kiểm dịch động vật nhưng cũng có nhiều sạp hàng xuất phát từ các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ, chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm dịch. Vậy nhưng, loại hình dịch vụ tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP, mất mỹ quan đô thị vẫn đang tồn tại ở nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Vinh.
Vào các buổi sáng trong ngày, dạo qua những tuyến đường như Phạm Đình Toái (phường Hà Huy Tập), Trần Nguyên Hãn (phường Đông Vĩnh), Nguyễn Sỹ Sách (phường Hưng Phúc), Lê Ninh (phường Quán Bàu), Kim Đồng (phường Hưng Bình), Ngô Đức Kế (phường Vinh Tân), Thái Phiên (phường Hồng Sơn)… sẽ dễ dàng bắt gặp các sạp hàng bán thịt gia súc (chủ yếu thịt heo, thịt bê, bò) trên các vỉa hè, góc đường phố.
Chị Trần Thị Phương trú tại phường Hưng Bình cho biết: “Lâu nay, gia đình tôi thường mua thực phẩm của một người lấy hàng từ huyện Thanh Chương xuống bán. Nhiều lần thấy thực phẩm tươi, ngon nên gia đình rất tin tưởng”. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề ATVSTP có đảm bảo hay không, chị Phương thừa nhận rất khó để nhận biết thực phẩm sạch mà chỉ biết tin vào lương tâm người bán hàng.
Còn bà Nguyễn Thị Sen trú tại phường Quán Bàu cho biết: “Tôi thường mua thực phẩm bán ở đường Lê Ninh. Thực phẩm nơi đây không khác gì trong chợ, nhiều khi giá cả còn thấp hơn. Còn về vấn đề ATVSTP thì chỉ có cơ quan chức năng kiểm tra mới biết, chứ người dân nhìn bằng mắt thường thấy miếng thịt tươi, ngon, giá cả vừa phải thì mua thôi”.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, đa số người mua thực phẩm ở vỉa hè hiện nay đang có thói quen tiện dụng, giá cả phải chăng, tin vào cảm quan cá nhân và lương tâm người bán hàng hơn là vấn đề ATVSTP. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các sạp hàng tự phát kinh doanh thực phẩm gia súc, gia cầm có đất tồn tại lâu nay?
Cơ quan chức năng nói gì?
Ông Nguyễn Tiến Đức, Trạm trưởng Trạm Thú y TP Vinh cho biết: Theo số liệu thống kê, hiện có gần 100 sạp hàng kinh doanh thịt gia súc tự phát nằm rải rác trên các tuyến đường của TP Vinh. Mặc dù thời gian qua, UBND thành phố đã có các văn bản chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt loại hình kinh doanh này, song sự vào cuộc vẫn chưa quyết liệt.
Về phía cơ quan Thú y chỉ có nhiệm vụ phối hợp, hướng dẫn hoặc cộng tác với UBND các phường, xã kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, còn nhiệm vụ chính, thường xuyên vẫn là của UBND các phường, xã.
Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND phường Hưng Phúc cho biết: Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp quản lý, siết chặt vấn đề ATVSTP và quản lý trật tự đô thị. UBND phường đã giao cho lực lượng quản lý đô thị tăng cường kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính và đẩy đuổi các trường hợp kinh doanh trái phép.
Nếu như trước đây, đường Nguyễn Sỹ Sách có 12 hộ kinh doanh thực phẩm gia súc thì nay chỉ còn 6 hộ, trong đó 4 hộ đã được cấp giấy phép. Ông Việt cho rằng, hiện tại, các phường chưa có lực lượng chuyên quản lý lĩnh vực ATVSTP, chỉ một người làm công tác Thú y thì không thể kham nổi. Hiện các phường đang giao cho bên quản lý đô thị kiêm nhiệm thêm, do đó quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề.
Theo ông Việt, UBND TP Vinh cần tổ chức tập huấn kiến thức về ATVSTP cho lực lượng này và cũng cần phải có thiết bị thử nhanh để kiểm tra thực phẩm khi cần thiết. Điều này sẽ thuận lợi cho các lực lượng khi kiểm tra không có giấy phép hoặc thử nhanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thì sẽ tiến hành xử phạt, đẩy đuổi.
Ông Hồ Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Bình cho biết: Hiện trên địa bàn phường có 8 điểm kinh doanh thực phẩm tự phát. Thời gian qua, phường đã xử lý 3 trường hợp vi phạm vì thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch động vật. Hiện, các điểm bán thực phẩm có kiểm dịch động vật, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vẫn tiếp tục kinh doanh.
Giải pháp nào cho thực phẩm vỉa hè?
Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Nguyễn Tiến Đức cho rằng, các phường, xã cần phải tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý và có chế tài xử phạt nghiêm các trường hợp tái phạm. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng loạt ở các phường, xã chứ không làm theo kiểu địa phương này siết chặt còn địa phương bên cạnh buông lỏng.
Mặt khác, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi ý thức người dân thay đổi thì chắc chắn, các loại hình kinh doanh này sẽ khó tồn tại và công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân để các sạp hàng kinh doanh thực phẩm tự phát tồn tại trong thời gian qua chính là sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của chính quyền các địa phương. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng chủ quan của người dân cũng chính là cơ hội để loại hình kinh doanh này có đất sống. Do đó, để giải quyết triệt để tình trạng này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của từng địa phương. UBND TP Vinh cần giao trách nhiệm cho UBND các phường, xã, nếu địa phương nào để tái phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Hiện nay, loại hình kinh doanh tự phát ở TP Vinh không chỉ có thịt gia súc mà còn có rau, củ, quả các loại. Đáng chú ý, hầu hết các mặt hàng này đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Có chăng, người bán chỉ tạo niềm tin bằng việc cam kết thực phẩm “sạch” đối với người tiêu dùng. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh này thì vấn đề ATVSTP sẽ rất khó kiểm soát.