Mạng xã hội ngày nay đã trở thành một công cụ giao tiếp và tương tác không thể thiếu của nhiều người. Tuy nhiên, lạm dụng mạng xã hội để khoe khoang bản thân, thu hút sự chú ý của dư luận (câu like) đang trở thành một thực trạng đáng báo động trong một bộ phận giới trẻ. Họ đã không ngần ngại đăng tải những thông tin mang tính chất giật gân, nhạy cảm, thậm chí đùa cợt với tính mạng của chính bản thân mình với mục đích duy nhất – mong được người khác biết đến.
Đủ 4000 like, sẽ đổ xăng lên người, tự thiêu, rồi nhảy cầu Tân Hóa; đủ 1000 like sẽ châm lửa đốt trường…Hay những clip kiểu đóng giả khủng bố, quăng bom chỉ với mục đích gây hài và thu hút sự chú ý của dư luận…
Đó chỉ là một trong số ít những vụ việc đang trở thành một trào lưu đáng báo động trên mạng xã hội thời gian gần đây mà người ta quen gọi là “đủ like là làm” hay “câu like”. Điều đáng tiếc đó chính là đại bộ phận những người sa vào lối sống xa rời thực tế này lại là những người trẻ tuổi.
Mạng xã hội tạo ra ảnh hưởng lớn đến người sử dụng nói chung, giới trẻ nói riêng, cả theo hướng tích cực và tiêu cực |
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội cho biết: Nói đến giới trẻ là người ta nói lên cái sự thích cái gì mới mẻ. Thích cái gì độc đáo, thậm chí còn có phần tự khẳng định mình, rằng mình đã độc lập, rằng mình đã phát triển, rằng mình hoàn toàn có thể nghiêng ngửa với những người khác. Nhưng xung quanh cái việc sử dụng mạng xã hội, sử dụng facebook thì nó không chỉ thuần túy là thích chơi nổi hay không. Mà nó còn là cái gì đó biểu tỏ, rằng là tôi có mối liên hệ rộng, tôi là người có đủ điều kiện để bàn về tất cả các vấn đề của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, đáng trách hơn chính là thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm của những người sẵn sàng bấm nút Like, cùng với đó là những bình luận thách thức người đăng tin dám làm hay không. Chỉ từ sự tò mò, thỏa mãn nhu cầu thị hiếu của cá nhân, vô thức họ đã đẩy người khởi xướng đến những hành động sai trái.
Trung tá. TS Hà Thị Hồng Lan - PGĐ.Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm cho biết: Những thông tin thu hút sự quan tâm của giới trẻ hiện nay là những thông tin mang tính hot hoặc lạ và nó phù hợp với sự quan tâm của giới trẻ. Trong khi đó, các em chưa có kỹ năng trong việc tiếp cận thông tin đó như thế nào, đánh giá và xử lý thông tin ra làm sao. Quá chủ quan và quá thiếu kỹ năng, nên khi có thông tin như vậy thì vội vàng tiếp nhận nó hoặc phủ nhận nó một cách nhanh chóng mà không có cách thức xử lý thông tin đó.
“Đủ like là làm” hay “câu like” thực sự đang trở thành một hiện tượng đáng báo động, bởi dù những nút like trên mạng chỉ là ảo, nhưng hậu quả của nó lại là chính là sự an toàn của của cá nhân, gây hoang mang đối với xã hội. Nam thanh niên nhảy cầu Tân Hóa dù không gặp nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng bị thương nhẹ; nữ sinh đốt trường, bị bỏng nặng ở chân phải nhập viện; còn nhóm thanh niên quay clip giả khủng bố quăng bom thì bị công an triệu tập…Điều này một lần nữa đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện cho việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, cần thiết phải tính đến có những vấn đề là thuộc về cá nhân người sử dụng mạng xã hội. Thứ hai là vấn đề kiểm soát thông tin trên mạng của các cơ quan chức năng cũng như cơ chế hoạt động, mối liên hệ của các cá nhân với các tổ chức và các lực lượng chức năng.
Mạng xã hội tạo ra ảnh hưởng lớn đến người sử dụng nói chung, giới trẻ nói riêng, cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Để mạng ảo không gây ra hậu quả thật, mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần sáng suốt, văn minh và có trách nhiệm, từ đó tạo ra một cộng đồng mạng văn minh, lành mạnh theo đúng nghĩa của nó.