(Congannghean.vn)-Trên cương vị là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp kiêm Chánh Văn phòng điều phối mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Con Cuông, ông Phan Xuân Diện đã “hợp thức hóa” các giấy tờ, thủ tục để lấy kinh phí phân bổ dự phòng của tỉnh cho các địa phương về thực hiện mô hình sản xuất, thu lợi tại gia đình. Việc làm này gây bất bình trong quần chúng nhân dân, làm giảm niềm tin đối với một chủ trương lớn đang được cả hệ thống chính trị và người dân quan tâm, hưởng ứng.
Mô hình thực hiện trang trại được phê duyệt cho huyện nhưng lại “rơi” vào cá nhân ông Diện |
Hợp thức hóa thủ tục
Chủ trương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (CTMTQG về NTM) là chính sách đúng đắn, hợp “ý Đảng, lòng dân”, nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực từ phía nhân dân, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và đổi thay bộ mặt nông thôn.
Chương trình ý nghĩa, nhân văn hơn khi được phát động, thực hiện quyết liệt tại nhiều địa phương miền núi, biên giới nhằm từng bước xóa bỏ khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, miền, tiến tới sự phát triển đồng bộ, cân đối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thế nhưng, tại huyện miền núi Con Cuông, khi chủ trương đang được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cùng người dân tập trung thực hiện theo các đề án, mục tiêu thì ông Phan Xuân Diện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM huyện lại lợi dụng nguồn kinh phí quản lý chỉ đạo dự phòng phân bổ của tỉnh từ CTMTQG về NTM để về phục vụ mô hình sản xuất tại trang trại của gia đình mình.
Theo điều tra của phóng viên, ngày 27/2/2015, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 802/QĐ-UBND về việc phân bổ vốn sự nghiệp CTMTQG về NTM. Trên cơ sở này, ngày 2/7/2015, UBND huyện Con Cuông có tờ trình 110 xin kinh phí xây dựng mô hình điểm trong phát triển sản xuất với số tiền trên 179 triệu đồng.
Đến ngày 12/8/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3488/QĐ-UBND về việc phân bổ nguồn kinh phí quản lý chỉ đạo, dự phòng đã bố trí cho các địa phương và các ngành trong tỉnh với số kinh phí 1,34 tỉ đồng. Trong đó, huyện Con Cuông được thẩm định, phê duyệt 150 triệu đồng cho chủ đầu tư là Văn phòng điều phối NTM huyện để thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà thả đồi an toàn sinh học quy mô trang trại tại xã Chi Khê”.
Có được nguồn vốn này, trên cương vị chức vụ của mình, ông Phan Xuân Diện đã “bằng mọi cách” xin về cho mình khi gia đình trước đó đã thực hiện mô hình trang trại tổng hợp tại thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê.
Để phục vụ thực hiện mô hình, UBND huyện Con Cuông đã có quyết định thành lập Tổ thẩm định trên cơ sở tờ trình cũng như phương án sản xuất của ông Diện. Sau khi có báo cáo của Tổ thẩm định, UBND huyện Con Cuông đã ban hành quyết định phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện mô hình.
Vấn đề được phát sinh và gây điều tiếng từ khi mô hình bắt đầu tiến hành thực hiện tại thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê, tất cả người dân và chính quyền địa phương không hề hay biết là mô hình này thực hiện từ chương trình NTM và ngạc nhiên hơn là thực hiện trên chính trang trại cũ của ông Phan Xuân Diện.
Chứng minh cho điều này, ông Lô Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết: “Xã cũng không hề biết việc nuôi gà của ông Diện lại lấy từ nguồn chương trình NTM thực hiện tại thôn mình quản lý. Bởi trước đó, trên địa bàn xã, các mô hình do xã làm chủ đầu tư đều được tuyên truyền, bàn bạc và lựa chọn cụ thể. Mãi sau này, ông Diện có gặp tôi (lúc bấy giờ ông Minh là Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế) đề nghị xã xác nhận tờ trình của ông ấy để cho họ “chủ trương” đi xin “nguồn”. Ông Diện cũng nói rằng, đây là mô hình tự tay ông đi xin nên chỉ cần chính quyền địa phương xác nhận. Biết thế nên tôi đồng ý ký và cũng không thông qua Thường trực Đảng ủy, UBND xã”.
Lý giải về điều này, ông Diện thừa nhận: “Mọi quy trình tôi làm không được thực hiện đúng trình tự, bởi về nguyên tắc, khi thực hiện mô hình sản xuất phải được công khai, bàn bạc, lấy ý kiến và thẩm định từ xã trên cơ sở nhu cầu và phương án sản xuất của hộ dân cùng với việc lựa chọn mô hình, địa điểm thực hiện, từ đó mới có tờ trình, quyết định phê duyệt từ các cơ quan liên quan. Đúng là tôi đã làm sai, đáng lẽ phải làm như thế nhưng vì biết chủ trương từ tỉnh (trên cương vị Chánh Văn phòng NTM huyện - P.V) nên xin thẳng từ tỉnh mà không thông qua, sau đó mới về trình thủ tục xin huyện, xin xã?!”.
“Rút” tiền Nhà nước làm mô hình thiếu khoa học, kém hiệu quả
Trở lại việc tìm hiểu quá trình thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà thả đồi an toàn sinh học tại thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê” do ông Diện làm chủ.
Theo kế hoạch mô hình của chủ trang trại và cả dự toán kinh phí được UBND huyện Con Cuông phê duyệt thì mô hình có tổng giá trị trên 308 triệu đồng. Trong đó nguồn NTM là 150 triệu đồng, nguồn dân góp trên 158,8 đồng, do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư, thực hiện trong thời gian 5 tháng, với quy mô 2.334 con.
Thế nhưng, qua tìm hiểu của phóng viên và cung cấp từ ông Diện, thực tế số gà được cấp và nuôi mới chỉ được 500 con (trong đó gà bị chết 100 con). Khi được hỏi số tiền phê duyệt 150 triệu đồng là để thực hiện cho các nội dung về giống, vật tư, tập huấn, hội thảo và các chi phí khác của 2.334 con, sao hộ nuôi lại chỉ có 500 con, ông Diện cho hay: “Tiền đã cấp đủ cho tôi. Tuy nhiên không đáp ứng đúng số lượng gà như ban đầu vì tôi sợ không nuôi một lúc được nhiều con mà xin điều chỉnh trong 3 giai đoạn!”.
Số lượng gà không đủ như phê duyệt và tỉ lệ sống sót, hiệu quả thấp |
Ngoài số tiền con giống thì thực tế, số kinh phí chi cho công tác thú y cũng không được tuân thủ. Ông Diện không trực tiếp mua cung ứng thuốc và tiêm phòng từ Trạm Thú y huyện theo như phê duyệt của huyện.
Ông Hoàng Văn Thạnh, Trạm trưởng Trạm Thú ý cho biết: Chúng tôi không nắm rõ mô hình và chưa bao giờ cấp thuốc cũng như cử cán bộ hướng dẫn tiêm và điều trị cho gà. Chỉ nhớ trước đó, có một cán bộ của Văn phòng NTM sang nhờ ký bản hợp đồng “khống” giữa Trạm và chủ đầu tư.
Từ đây có thể thấy, ông Diện đã thực hiện dự án nuôi gà không đủ số lượng như phê duyệt và cả thanh toán hợp đồng không đúng mục đích, không đúng quy định, gây thất thoát của Nhà nước số tiền không nhỏ cần được làm rõ.
Ở một diễn biến khác, trong quá trình triển khai dự án chăn nuôi gà đã bộc lộ những vấn đề thiếu khoa học. Bản thân người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và chính người làm thuê (người nhà ông Diện thuê quản lý, chăm sóc trang trại) cũng thừa nhận: “Ban đầu đã phát hiện thấy mô hình chưa khả quan, khi số gà dù chỉ 500/2.334 con đã khó chăm sóc, quản lý trên diện tích đất đồi, rồi tỉ lệ gà sống, chết. Ngay cả kiểu gà nuôi dưới gốc của cây táo là không phù hợp, khi giai đoạn táo ra hoa, thụ phấn cũng bị gà ăn, rồi khi táo cho quả cũng bị gà ăn, phá. Từ đó sẽ dẫn đến một kết cục “chọn táo hoặc chọn gà” chứ không thể nói là trang trại tổng hợp này cho hiệu quả cả hai”.
Đem những vấn đề liên quan đến quy trình thủ tục của mô hình và quá trình thực hiện có những “bất thường” do ông Diện làm chủ trao đổi với ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông.
Ông Thao thừa nhận: “Dù lý do gì đi nữa, mô hình cần được công khai cho dân, cho xã ở dưới biết để lựa chọn. Bản thân mình (ông Diện - P.V) là cán bộ không nên “ôm” về cho gia đình để lấy tiền Nhà nước. Trong khi mô hình được phê duyệt do chủ đầu tư là huyện chứ không phải của cá nhân mình. Vấn đề này của anh Diện là không phù hợp mà nên nhường cho người dân, nếu tốt thì nhân rộng ra cho bà con làm. Còn hiệu quả mô hình thì huyện chưa đánh giá cụ thể”.