Ngày 4/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Có tình trạng công nhận xã nông thôn mới nhưng cho nợ tiêu chí
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các đại biểu đều nhận thấy xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn nông thôn và được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bộ mặt nông thôn nhanh chóng đổi mới, điện, đường, trường, trạm khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn nông thôn mới được cải thiện nhiều.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: nguồn lực đầu tư cho chương trình chưa đáp ứng yêu cầu bức thiết của các địa phương |
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương- tỉnh Quảng Bình cho rằng, nguồn lực đầu tư cho chương trình chưa đáp ứng yêu cầu bức thiết của các địa phương và chưa tính kỹ đến các miền, vùng, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm và thiếu đồng đều. Ví dụ, vùng Đông Nam Bộ 46,4%, sông Hồng 43,8%, nhưng miền núi phía Bắc chỉ 8,2%.
Thêm vào đó, một số tiêu chí đưa ra bất hợp lý gây lãng phí như tiêu chí về chợ, về trung tâm bưu điện, không ít chợ xây xong đã lãng phí trong lúc đó lại thiếu tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé- tỉnh Kiên Giang nêu ý kiến, việc chuẩn bị cơ sở pháp lý để triển khai chương trình này là chưa thật sát với thực tế mà cụ thể là đó là việc xây dựng bộ tiêu chí. 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới được đưa ra áp dụng chung cho cả nước trong khi đất nước ta đặc điểm từng vùng miền khác nhau.
Vùng hải đảo, đất đai khó khăn, điều kiện khí hậu khác nhau giữa các vùng, miền mà tiêu chí xây dựng nhà ở nông thôn lại quy định phải thực hiện đúng quy chuẩn của Bộ Xây dựng quy định, vùng hải đảo khó có thể thực hiện được mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiêu chí quy định không đem lại hiệu quả và có những nơi gây ra lãng phí khá lớn.
Đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn- tỉnh Nam Định cho rằng, trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cần tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích. Biểu hiện ở đây là huy động quá sức dân, là việc đánh giá kết quả thực hiện không sát các tiêu chí. Có tình trạng công nhận xã nông thôn mới nhưng cho nợ tiêu chí. Có xã được công nhận nông thôn mới nhưng lại trở thành con nợ lớn. Vì vậy, chính quyền lo, nhân dân lo, kém hẳn đi phần phấn khởi.
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bộ tiêu chí đến nay một số điểm chưa phù hợp. Bên cạnh đó việc tổ chức triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thiếu kiểm tra uốn nắn những sai lệnh trong việc chấp hành các chủ trương. Từ đó đã để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản khá nhiều mà nguyên nhân chủ yếu là bệnh thành tích, nóng vội chấp hành không nghiêm quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sửa đổi sâu sắc hơn về bộ tiêu chí cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 theo hướng phù hợp với vùng, miền. Cần có chính sách đặc thù trong phân bổ đầu tư công đối với các vùng thiên tai, hạn hán, vùng khó, vùng đồng bào dân tộc. Chính phủ cũng cần mạnh dạn kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc chấp hành chưa nghiêm, chạy theo thành tích, nóng vội, để nợ đọng xây dựng cơ bản, đặc biệt là đối với những dự án, công trình gây lãng phí. Những vấn đề này đã ảnh hưởng không tốt đến ý nghĩa rất tốt của chương trình xây dựng nông thôn mới và để ngăn chặn sự việc xảy ra thành tiền lệ trong tương lai.
Doanh nghiệp là đòn bẩy xây dựng nông thôn mới
Theo đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự- tỉnh Hà Tĩnh, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp là vấn đề rất lớn, vừa cấp bách, vừa chiến lược, vừa có tính lâu dài. Đây là vấn đề trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị bởi 70% dân số nước ta làm nông nghiệp.
Nếu giải quyết được vấn đề nông nghiệp tái cấu trúc lại gắn với nông thôn mới và phải đạt được yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, giải quyết việc làm và giảm nghèo, gắn với mục tiêu tái cấu trúc, kinh tế nông nghiệp, phải đạt cho được nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hàng hóa và nông nghiệp công nghệ cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự phát biểu tại Hội trường |
Cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp thực chất là thay đổi tập quán canh tác người dân, chuyển từ lao động thủ công sang lao động quy mô hóa, hiện đại hóa là quan trọng nhất, việc đó người dân không tự làm được một mình, nhà nước là bà đỡ cũng không làm thay được, chỉ có một lực lượng làm được đó là doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình- TP. Hà Nội khẳng định, việc nhất quán đề ra các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật đủ mạnh để việc thu hút thực sự các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần được xem xét là nội dung chính, là đòn bẩy về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Khi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp họ là người quyết định phân khúc thị trường sẽ tham gia sản phẩm sẽ sản xuất, quy trình canh tác và các ứng dụng khoa học công nghệ áp dụng, họ sẽ hướng dẫn người nông dân làm theo quy trình của mình và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Mô hình này đã được chứng minh trong thực tiễn sản xuất ở một số địa phương như Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, An Giang, trong đó đặc biệt thành công ở tỉnh Lâm Đồng với nghề trồng hoa và rau quả sạch. Khi các doanh nghiệp xuất hiện các trung tâm khuyến nông, trung tâm giống vật nuôi cây trồng... trở thành đối tác hoặc đối thủ cạnh tranh với họ. Vì vậy, cổ phần hóa các đơn vị này là cần thiết, là phương án tốt nhất cho nhà nước, giảm bớt gánh nặng ngân sách, lẫn xã hội, tăng thêm nguồn lực cho xã hội, bảo đảm công bằng xã hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh- tỉnh Bình Phước cũng nhất trí cho rằng, trong giai đoạn tới phải tập trung tạo năng lực phát triển cốt lõi cho nông nghiệp, nông thôn trên hai tuyến lực lượng chủ thể trong nông nghiệp và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho mỗi địa phương.
Lực lượng chủ thể mới trong nông nghiệp chính là doanh nghiệp, doanh nghiệp liên kết với nông dân, với sự hỗ trợ khuyến khích của nhà nước. Nhà khoa học là cấu trúc sức mạnh chủ thể mới của sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo mối liên hệ gắn kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp.
Không có doanh nghiệp dẫn dắt, không phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh thị trường mới, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, khối lượng lớn ngày càng dựa vào công nghệ để phát huy lợi thế đặc sản khác biệt nông nghiệp sẽ không thể phát triển.