Ngày 16/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQGXDNTM; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQGXDNTM; cùng đông đảo lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương... đã tham dự Hội nghị.
Nhiều mô hình mới đã xuất hiện từ việc triển khai Chương trình
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQGXDNTM giai đoạn 2010 - 2014 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2015. Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, cả nước đã triển khai thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và đã đạt được kết quả bước đầu khả quan. Bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình được hình thành khá đồng bộ; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành có tác dụng thiết thực và trở thành động lực thúc đẩy tiến độ triển khai.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng phát động đã có tác động đến sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cao và động viên tinh thần của toàn xã hội đối với nông dân, nông thôn. Hệ thống thông tin tuyên truyền về nông thôn mới hoạt động phong phú, liên tục đã động viên rất tích cực, kịp thời đến phong trào xây dựng nông thôn mới...
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, về nguồn vốn cho Chương trình, trong 3 năm 2011 - 2013, chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được 485.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước các cấp bố trí 161.938 tỷ đồng, chiếm 33,4%; vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 50.048 tỷ đồng (10,3%), gồm ngân sách Trung ương 5.469,16 tỷ đồng (1,1%) và ngân sách địa phương 44.579,15 tỷ đồng (9,2%); vốn lồng ghép 111.889,7 tỷ đồng (23,1%); vốn tín dụng 231.378,1 tỷ đồng, chiếm 47,7%. Các doanh nghiệp hỗ trợ 29.900,91 tỷ đồng, chiếm 6%; người dân đóng góp 62.841,07 tỷ đồng, chiếm 13%. Đáng chú ý là vốn cho xây dựng nông thôn mới đã được tăng cường khi ngày 25/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 195/QĐ-TTg phân bổ nguồn vốn trái phiếu cho năm 2014 - 2016 là 15.000 tỷ đồng, trong đó bố trí cho năm 2014 là 4.765 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang tích cực phân bổ nguồn vốn này qua các kênh để sớm triển khai thực hiện ngay.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương, đến quý I/2014, cả nước đã có 93,7% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, đồng thời các xã cũng tiến hành lập Đề án xây dựng nông thôn mới, với 81% số xã phê duyệt xong đề án. Tuy nhiên, cũng còn một số nơi nhiều xã chưa hoàn thành công tác này như Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La. Chất lượng công tác quy hoạch ở nhiều nơi còn thấp, nhiều xã mới dừng ở quy hoạch chung, thiếu cụ thể hóa cần thiết. Nhiều đề án nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất, văn hoá, bảo vệ môi trường…
Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới |
Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thực hiện Chương trình được nhấn mạnh là xây dựng nông thôn mới phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và của Ban Chỉ đạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội. Điều này có ý nghĩa quan trọng dẫn dắt và thúc đẩy thực hiện Chương trình.
Khẳng định và tạo điều kiện về cơ chế chính sách để người dân thực sự làm chủ thể, phát huy vai trò tích cực của các thôn, bản, ấp trong xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định cho sự thành công của Chương trình.
Nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí nông thôn mới để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân ở từng địa phương; phát huy cao nguồn lực tại chỗ; lồng ghép các chương trình, dự án; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên tạo ra sự chuyển biến thực tế trên diện rộng, tạo niềm tin vào Chương trình.
Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình trong các năm 2014 - 2015 và tới năm 2020, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu tới năm 2015 có 20% số xã và tới năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chí nông thôn mới; các xã chưa đạt chuẩn phải tăng từ 2 đến 3 tiêu chí/năm. Đến năm 2015 phấn đấu có huyện đạt nông thôn mới; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của cư dân nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQGXSNTM cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất để triển khai Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Qua 3 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, như: Chương trình đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước, được cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, nhân dân đồng tình ủng hộ và trực tiếp thực hiện. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số mô hình sản xuất hiệu quả, có sự gắn kết giữa người dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, qua đó tạo được một số quan hệ sản xuất mới. Mô hình xã nông thôn mới đã xuất hiện và trở thành hiện thực ở một số nơi. Một số tỉnh đã bắt đầu tập trung xây dựng huyện nông thôn mới. Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn Việt Nam...
Phải coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ trương quan trọng, hết sức đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong 3 năm qua, cả nước đã đồng tình, tích cực triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, trong đó nổi lên là: Để đạt được mục tiêu phấn đấu số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2015 là 20% và đến năm 2020 là 50% đòi hỏi sự nỗ lực phải lớn hơn rất nhiều; nhận thức về ý nghĩa quan trọng của Chương trình ở nhiều cơ quan, đơn vị, trong nhân dân còn chưa sâu; việc tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện còn chưa quyết liệt, nhiều nơi làm chưa tốt; nguồn lực đầu tư còn hạn chế...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Chương trình xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí đã được đề ra chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống nhân dân; bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục bám sát, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nội dung, giải pháp của Chương trình, trước hết là tập trung đưa khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất nông lâm thủy sản để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Thủ tướng cũng chỉ đạo: Việc đưa khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp phải làm nhanh, làm khẩn trương.
Thủ tướng đề nghị các địa phương cần có các cách làm năng động, sáng tạo, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn như đầu tư làm công nghiệp, làm dịch vụ trên địa bàn nông thôn, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển dịch lao động trực tiếp làm nông nghiệp sang làm dịch vụ, làm công nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn. Tạo sự liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước cần đặc biệt quan tâm xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư khác vào nông thôn, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục, viễn thông... Lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho các chương trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Đề cập đến các giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần hết sức quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, có cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các vùng khó khăn, có điểm xuất phát thấp; đẩy mạnh thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới; đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, điều hành, có kế hoạch hoạt động, phân công cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình; kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp thu ý kiến của Hội nghị và hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị này nhằm tiếp tục thúc đẩy thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, toàn diện hơn nữa Chương trình xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình MTQGXDNTM.
.