(Congannghean.vn)-Làm sao để thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển, chấm dứt tình trạng “bỏ ngăn kéo” các sáng chế khoa học, đó là trăn trở của các cấp lãnh đạo và không ít người dân Nghệ An. Mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất, các giải pháp đổi mới công nghệ, đưa nghiên cứu khoa học áp dụng vào đời sống đang là yêu cầu bức thiết đối với các cấp chính quyền địa phương.
Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động |
Thời gian gần đây, hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) có những đổi mới, hướng mạnh đến việc đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Ngành KH-CN đã lựa chọn chủ đề năm 2018 là thương mại hóa các kết quả và phát triển. Trên thực tế, trong hoạt động nghiên cứu các nhiệm vụ KH-CN, một số sản phẩm đã thương mại hóa thành công như: Chế phẩm vi sinh vật Biogreen phân hủy tồn dư thuốc BVTV trong đất trồng rau; chế phẩm compost maker sản xuất phân vi sinh từ phế phục phẩm nông nghiệp; chế phẩm thức ăn gia súc từ cây ngô, cây sắn; chế phẩm Val-a bệnh khô vằn… Một số sản phẩm đầu tư theo chuỗi giá trị đã được khẳng định trên thị trường như: Gà đồi Thanh Chương, trà hòa tan và viên nang cứng từ trà hoa vàng, dây thìa canh, kim ngân; trám đen Thanh Chương, nước mắm Vạn Phần…
Trên địa bàn tỉnh đã ban hành một số đề án, chính sách hỗ trợ, phục vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu như: Quyết định số 60/2013 về quy định xét thưởng công trình sáng tạo KH-CN; Quyết định số 24 của UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH-CN trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2171 về việc ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định số 5821/2017 ban hành kế hoạch phát triển thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Mục tiêu của Chương trình phát triển thị trường KH-CN đến năm 2020, xét về thị trường, mục tiêu Nhà nước đặt ra là tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH-CN trên thị trường hàng năm bình quân không dưới 15%, không dưới 20% đối với một số công nghệ cao được ưu tiên phát triển. Tỉ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ trong tổng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường khoa học và công nghệ đạt không dưới 10% vào năm 2015 và không dưới 20% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu cũng được khẩn trương ban hành quá trình thương mại hóa, như khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Xác định rõ hiệu quả của thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, Nhà nước, chính quyền các cấp đã đa dạng các hoạt động để đưa các chính sách ưu đãi đi vào thực tế. Tuy nhiên, việc triển khai tại các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, khó khăn về nguồn vốn đang là rào cản lớn nhất trong quá trình áp dụng tiến bộ KH-KT vào thực tế. Với chính sách hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh, số doanh nghiệp được hỗ trợ còn rất ít.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 52 tổ chức khoa học công nghệ và 8 doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, hoạt động thực tiễn vẫn còn nhiều cản trở, chưa đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn chung, việc phát huy vai trò của chợ công nghệ, thiết bị và sàn giao dịch công nghệ được hy vọng là cây cầu giới thiệu sản phẩm, tạo điểm kết nối cung cầu, thông tin về nhu cầu công nghệ của thị trường. Từ đây, nhiều hợp đồng đã được ký kết thành công, tạo cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng tiếp cận thị trường mới. Hiện nay, việc cần đặt ra là đẩy mạnh các dịch vụ về tài chính như thị trường vốn và chứng khoán cho KH-CN. Các dịch vụ KH-CN vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH tại địa phương.
Thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa KH-CN vào sản xuất nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH-CN. Một giải pháp được hy vọng tạo đột phá cho kết quả thương mại hóa các nghiên cứu KH-CN vào thực tiễn đó là đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho KH-CN, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, tạo hiệu ứng liên kết để nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn, hiện thực hóa mục tiêu mà các cấp đã đặt ra đối với thị trường KH-CN.