Cách chúng ta 12 năm ánh sáng, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra tới 2 siêu Trái Đất thuộc một ngôi sao có tên Tau Ceti nằm trong chòm sao Kình Ngư sau khi dử dụng kính viễn vọng ở Đài quan sát phía Nam châu Âu (đặt tại Chi lê) và Đài quan sát Keck (Mauna Kea, Hawaii).
Tau Ceti là ngôi sao có quang phổ giống Mặt Trời nhưng có trọng lượng nhỏ hơn (chỉ bằng 78% Mặt Trời), do tính tương đồng với Mặt Trời nên ngôi sao này trở thành mục tiêu số 1 cho cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh (SETI).
Hai siêu Trái Đất e và f được phát hiện. (Ảnh Telegraph.co.uk).
Theo đó, tại "vùng sống được" Goldilocks của Tau Ceti (khu vực không quá nóng hay quá lạnh để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng), các nhà khoa học Anh đã tìm thấy 4 hành tinh có kích thước tương đương Trái Đất.
Nằm tại vị trí gần trung tâm của vùng sống được, hai hành tinh không chỉ có kích cỡ tương tự Trái Đất mà còn có thể có sự sống tồn tại được (Ký hiệu là e và f).
Sau đó họ sử dụng phương pháp "rung" (Wobble) để đo ảnh hưởng của tương tác trọng lực trên các hành tinh này.
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Fabo Feng tới từ Đại học Hertfordshire (Anh) cho biết: "Khám phá của phương pháp rung yếu này là một cột mốc lịch sử trong việc tìm kiếm các hành tinh tương tự Trái Đất".
Vị trí ngôi sao Tau Ceti trên bầu trời. (Ảnh Fabo Feng, Đại học Hertfordshire).
Tiến sĩ Mikko Tuomi, đồng tác giả nghiên cứu và cũng tới từ Đại học Hertfordshire cho biết phương pháp nghiên cứu mới được cải tiến này sẽ giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng hơn trong việc phân biệt dấu hiệu ánh sáng của các hành tinh và hoạt động của sao.
Tau Ceti giống Mặt Trời về kích cỡ và độ sáng, là mục tiêu ưa thích của những nhà tiểu thuyết viễn tưởng và cả các nhà khoa học nhằm tìm kiếm một nơi có thể sống được.
Phát hiện được công bố trên Astronomical Journal.