Các nhà khoa học mới tạo ra được một virus nhân tạo giúp hệ thống miễn dịch quét sạch ung thư.
Như chúng ta đã biết, các tế bào ung thư rất giỏi chống lại hệ thống miễn dịch nên vô cùng khó để tiêu diệt chúng. Nhưng liệu pháp mới do các nhà khoa học Thụy Sỹ mới nghiên cứu ra sẽ làm tăng khả năng phát hiện virus của cơ thể.
Phương pháp điều trị này có thể giúp chống lại căn bệnh ung thư mà không có những phản ứng phụ quái ác như hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch bình thường - Ảnh: Alamy Stock Photo. |
Theo đó, các nhà khoa học đã chèn các protein ung thư vào bên trong một virus nhân tạo để khi hệ miễn dịch phát hiện được, nó cũng sẽ săn tìm và diệt ung thư trong cơ thể có cùng một loại protein ấy. Kỹ thuật này có thể được dùng để chống lại bất kỳ loại ung thư nào.
Điều cần làm là các nhà khoa học chỉ lấy các protein từ khối u của bệnh nhân, đặt chúng vào virus rồi tiêm vào cơ thể, kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại bệnh cụ thể.
Điều trị trên chuột đã cho thấy sự thuyên giảm bệnh bất ngờ. Các nhà nghiên cứu đang háo hức muốn chuyển sang thử nghiệm trên con người.
Giáo sư Daniel Pinschewer, nhà nghiên cứu hàng đầu của Đại học Basel, nói: “Chúng tôi hi vọng rằng những phát hiện và công nghệ mới này sẽ sớm được sử dụng trong điều trị ung thư và giúp tăng tỷ lệ chữa bệnh thành công”.
Virus lymphocytic choriomeningitis được cải biến - Ảnh: Doron Merkler. |
Nhóm nhà nghiên cứu đã tạo ra các virus nhân tạo dựa trên virus lymphocytic choriomeningitis (LCMV), có thể lây nhiễm trên cả loài gặm nhấm và người. Mặc dù virus không có hại nhưng nó vẫn gây ra phản ứng miễn dịch. Họ cũng bổ sung vào các protein chỉ được tìm thấy trong tế bào ung thư.
Sự kết hợp của virus như thế đã kích hoạt hệ thống báo động của cơ thể đối với các protein ung thư được tìm thấy. Từ đó, cơ thể tạo ra một đội quân các tế bào bạch huyết T độc hại tế bào (cytotoxic T lymphocytes or CTLs), còn được gọi là tế bào tiêu diệt. Đội quân này sẽ xác định các tế bào ung thư thông qua protein của chúng và tiêu diệt chúng thành công.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.