Ảnh hưởng của Apple lên ngành sản xuất smartphone là hoàn toàn rõ ràng, nhưng không phải "tiêu chuẩn" nào do Táo đặt ra cũng là có lợi cho người tiêu dùng và môi trường.
Bài viết dưới đây được thực hiện bởi Kyle Wiens, nhà sáng lập của blog công nghệ iFixit chuyên "mổ" thiết bị điện tử và hướng dẫn sửa chữa miễn phí cho người tiêu dùng.
Bức ảnh phía trên không phải là 2 chiếc iPhone. Đây là ảnh chụp iPhone nằm trên và Huawei P9 nằm dưới.
Rõ ràng là Huawei đang copy Apple một cách trơ tráo. Dĩ nhiên, các yếu tố thiết kế như cảm biến vân tay và nút Home vật lý của P9 có khác biệt so với iPhone 6s, nhưng 2 chiếc điện thoại này trông giống như 2 anh em với cùng một phong cách thiết kế, trong đó đáng chú ý nhất hiển nhiên vẫn là 2 dải anten từng bị chê rất nhiều trên iPhone 6. Nếu muốn copy ai đó, tất cả những gì bạn cần chỉ là vài chi tiết.
Nhưng trong số tất cả các chi tiết nhỏ đó, có một thứ sẽ gợi nhắc ngay lập tức tới iPhone: 2 ốc vít 5 cạnh nằm ở 2 bên cổng sạc. 2 con ốc này có mục đích không mấy tốt đẹp: ngăn người dùng tái chế iPhone khi những chiếc smartphone Táo đã hết giá trị sử dụng. Và 2 con ốc này cũng là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy, nếu các nhà sản xuất tiếp tục copy Apple một cách trắng trợn, họ có thể gây hại cho chính bản thân họ và cho các fan của mình.
Tất cả mọi người đều copy Apple
Đến giờ phút này thì gần như phần lớn các nhà sản xuất đều đã copy chiếc iPhone 6. Không chỉ những nhà sản xuất kém tên tuổi từ Trung Quốc như OPPO (F1) và Vivo (XPlay 5) mà đến cả những tên tuổi lớn như HTC (One A9) hay Lenovo (Sisley S90) cũng copy dòng iPhone màn hình lớn đầu tiên của Táo. Giờ là Huawei, tên tuổi đứng thứ 3 thế giới về sản lượng smartphone.
Lý do đằng sau những hành động này là hết sức dễ hiểu. Apple thâu tóm được cộng đồng nhà thiết kế hàng đầu thế giới và tạo ra những tiêu chuẩn có ảnh hưởng lên toàn bộ ngành hi-end.
Người tiêu dùng cũng đánh đồng Apple với chất lượng. Chính nỗ lực đẩy mạnh phân khúc tầm cao của Apple đã giúp cho tuổi thọ laptop gia tăng đáng kể. Trong quá khứ, laptop thường bị thay thế trong vòng 1 hoặc 2 năm, nhưng đến nay những chiếc MacBook có tuổi đời 5 năm trở lên đã trở thành bình thường. Vỏ máy có thể bị xước hoặc móp, nhưng phần cứng thì vẫn hoạt động ổn định. Dell và HP copy thiết kế đó, và kết quả là những chiếc laptop vỏ nhôm bền bỉ hơn rất nhiều so với thiết kế vỏ nhựa trước đây.
Nhưng huyền thoại Jony Ive và nhóm thiết kế của ông không phải là những người hoàn hảo. Gần đây, Apple đã liên tục đưa ra những quyết định có thể gây hại cho người tiêu dùng và cả các công ty tái chế đồ điện tử.
Chính Apple là công ty đầu tiên đưa ra thiết kế pin không thể tách rời trên thiết bị của họ. iPhone là một trong những chiếc điện thoại di động đầu tiên không thể thay pin, iPad biến triết lý đó trở thành tiêu chuẩn của tablet, và tiếp theo đến lượt MacBook từ bỏ một trong những tính năng có thể coi là cốt lõi của laptop: pin tháo rời dễ dàng. Điều này buộc các công ty tái chế phải dành nhiều thời gian và công sức để gỡ pin ra khỏi thiết bị trước khi đưa iPhone, iPad và MacBook ra máy gỡ.
Đôi khi, Apple cũng tạo ra một số cơ chế giúp cho công việc tái chế trở nên dễ dàng hơn, ví dụ như một loại keo dính cho phép tháo pin khỏi chiếc iPad Pro 12 inch. Đáng tiếc những hành động như vậy là quá ít và không lâu dài: chiếc iPad Pro 9.7 inch mới ra mắt gần đây hủy bỏ cơ chế tháo pin này.
Những bất tiện tưởng chừng rất nhỏ này sẽ gây hại lớn đến một thế giới có số lượng thiết bị di động cao hơn cả dân số. Những chiếc smartphone và tablet cũ hoặc sẽ bị đem vứt tại các bãi rác lớn, hoặc sẽ bị đem tiêu huỷ hoặc sẽ được tái chế. Trong năm 2013, người Mỹ tạo ra 3 triệu tấn rác thải công nghệ cao, và trong đó chỉ 40% được tái chế.
Ai cũng hiểu ý nghĩa to lớn của công việc tái chế: tái chế càng nhiều thì chúng ta càng giảm mức độ độc hại của môi trường và càng ít phải tàn phá Trái đất để khai thác khoáng sản cho các thiết bị mới. Những thỏi pin khó tháo sẽ tạo ra một mối nguy hiểm khổng lồ với các nhà máy tái chế. Trong kịch bản dễ chịu nhất, pin khó tháo rời sẽ làm giảm tiến độ công việc. Trong kịch bản xấu nhất, pin bị bỏ sót sẽ gây ra cháy nổ bên trong các thiết bị tháo gỡ linh kiện.
Con ốc nhỏ mà không nhỏ
Loại ốc 5 cạnh thực chất đã được Apple đưa vào sử dụng từ giữa năm 2009 để ngăn người dùng không thể tự thay pin trên chiếc MacBook Pro của họ. Đúng một năm sau đó, chiếc iPhone 4 cũng chuyển sang sử dụng loại ốc này.
Cho đến tận năm 2010, ốc 5 cạnh vẫn là một loại ốc rất hiếm gặp. Chuyển sang sử dụng loại ốc này là một bước đi chiến thuật của Apple: chỉ riêng nhà sản xuất MacBook là có đủ công cụ để mở (và sửa chữa) chiếc iPhone 4 của bạn. Đây là một cơ chế bảo vệ cho vị thế độc quyền của Táo, nhưng cùng lúc ngăn chặn các công ty khác sửa chữa iPhone cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn họ tái chế iPhone.
Thật may mắn, iFixit đã nghiên cứu loại ốc 5 cạnh và tạo ra tua vít tương thích với iPhone 4. Song, rõ ràng là không một ai (ngoài Apple) ưa thích loại ốc này. Không một nhà sản xuất smartphone nào chuyển sang sử dụng ốc 5 cạnh, cho tới tận khi Huawei làm vậy.
Huawei đã đi sai đường
Không ai biết lý do thực sự khiến Huawei chuyển sang dùng ốc 5 cạnh cho P9 là gì. Không có một ý nghĩa thực dụng nào đằng sau quyết định này cả.
Bởi xét về mặt cơ học, ốc 5 cạnh là loại ốc tránh dùng. Bản mỏng và gờ cong khiến cho người dùng rất dễ bị trượt tua vít khi vặn loại ốc này. Ý nghĩa bảo vệ của ốc 5 cạnh cũng không còn nữa: Apple đã bán ra gần 900 triệu chiếc iPhone kể từ iPhone 4 tới nay. Ốc 5 cạnh sẽ không phổ biến với người tiêu dùng phổ thông, nhưng gần như chắc chắn một người thợ sửa smartphone nào cũng đều đã có sẵn một chiếc tua vít dùng cho loại ốc này.
Do đó, lý do duy nhất có thể khiến Huawei sử dụng ốc 5 cạnh cho P9 là bởi hãng smartphone Trung Quốc này muốn copy vẻ ngoài của Apple. Cũng giống như những người đồng hương OPPO, Lenovo và Vivo, Huawei muốn ăn theo thành công của iPhone 6.
Thực tế là hành vi "học hỏi" sẽ giúp cho ngành công nghệ tiến lên phía trước. Nhưng để điều đó trở thành sự thật, người ta chỉ nên "học hỏi" những thứ tốt đẹp nhất. Huawei đã copy một ý tưởng không chỉ thực sự ngớ ngẩn mà còn gây hại cho người tiêu dùng từ Apple. Lý do để nhà sản xuất Trung Quốc làm điều đó cũng ngớ ngẩn không kém: để tạo ra một chiếc smartphone có vẻ ngoài "chuẩn" như Apple.
Điều các nhà sản xuất Trung Quốc cần phải đặc biệt ý thức ngay lúc này là hãy ngừng copy chiếc iPhone một cách trắng trợn và hãy tạo ra thứ gì đó thực sự mới mẻ. Hãy nhìn vào LG và chiếc G5: đây là lần đầu tiên một nhà sản xuất ra mắt một chiếc điện thoại module hoàn thiện, cho phép người dùng dễ dàng thay pin và mở rộng tính năng trên thân hình đẹp không thua kém gì những chiếc smartphone nhôm nguyên khối. Hay hãy như Samsung tìm tòi các phân khúc mới: thay đổi màn hình và gia tăng phụ kiện để làm nên bản sắc cho thương hiệu của mình, cùng lúc thúc đẩy các trào lưu của thế giới.
Thế giới hi-tech đòi hỏi các công ty phải sáng tạo thay vì chạy theo Apple trong khu vườn "đóng" của Tim Cook. Loài người cần những thiết bị có khả năng dễ sửa chữa, dễ tái chế hơn. Nhưng không mấy ai đủ thông minh và đủ dũng cảm để làm điều đó. Trong nỗ lực copy thành công hàng trăm tỷ đô của Apple, các hãng "Táo Tàu" đang gây hại cho tất cả mội người bằng cách sao chép đến cả... ốc vít của iPhone.