(Congannghean.vn)-Những năm qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp tích cực, bức tranh nông nghiệp của tỉnh ghi nhận nhiều chuyển động mới. Đặc biệt, với việc trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp, lĩnh vực này hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc.
Không thể phủ nhận, những năm qua, làn sóng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần to lớn vào việc thúc đẩy tăng trưởng của ngành. Giai đoạn 2016 - 2018, Nghệ An đã kêu gọi đầu tư 54 dự án với tổng mức đầu tư 50.482,782 tỉ đồng; trong đó riêng năm 2018 có 11 dự án với tổng mức đầu tư 587,55 tỉ đồng. Trong đó, nhiều DN đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng như phát triển thị trường.
Điều đáng mừng là, từ việc nhìn nhận được tiềm năng to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, đã có nhiều tập đoàn, DN lớn mạnh dạn khai mở những hướng đi mới, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tiên phong phải kể đến Tập đoàn TH với dự án chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao có quy mô đầu tư 1,2 tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động. Ngoài các dự án của TH, còn có dự án trồng và chế biến chè chất lượng cao, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, dự án sản xuất bơ ở Nghĩa Đàn, Nhà máy chế biến gỗ MDF tại Nghệ An của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm... Không chỉ góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy sản xuất mới, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn tạo ra cơ sở hướng đến việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng với quy mô lớn, giá trị cao.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp góp phần tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao |
Để hướng sự quan tâm đầu tư của các DN vào lĩnh vực này, thời gian qua, Nghệ An đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo dựng các điều kiện cần thiết, phục vụ hiệu quả cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Cùng với thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, tạo các vùng sản xuất hàng hóa để có diện tích lớn, dễ cơ giới hóa giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đường nguyên liệu… cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Theo đó, các vùng sản xuất nguyên liệu được nghiên cứu quy hoạch phù hợp với đặc thù từng vùng đất, hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung để kêu gọi nhiều dự án đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến sản phẩm. Liên quan đến cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý đầu tư cũng được tỉnh chú trọng nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa DN và người dân tham gia vào các dự án.
Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, song hiện DN đầu tư vào lĩnh vực này chủ yếu là DN quy mô nhỏ, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung các giải pháp thu hút đầu tư vào một số dự án cụ thể như: Phát triển cây dược liệu và nhà máy chế biến dược liệu, nhà máy sản xuất chè túi hòa tan chất lượng cao; nhà máy chế biến sản phẩm từ lạc… Trong lĩnh vực lâm nghiệp, sẽ thu hút dự án đầu tư nhà máy chế biến và sản xuất các loại đồ gỗ nội thất xuất khẩu; chế biến ván nhân tạo từ tre, nứa, mét...”.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, theo đại diện nhiều DN, dù đã có chính sách, cơ chế mới nhưng DN vẫn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ khi đầu tư vào nông nghiệp, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng và tích tụ đất đai. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ, khơi thông dòng vốn, hóa giải các vướng mắc về đất đai, tạo điều kiện cho DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Được biết, để tháo gỡ “điểm nghẽn” liên quan đến vấn đề đất đai, hiện nhiều địa phương đang nghiên cứu mô hình "ngân hàng đất nông nghiệp" lấy từ quỹ đất trong dân bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả, giúp người có nhu cầu thuê đất dễ tiếp cận với bên có nhu cầu cho thuê.
Thiết nghĩ, đây cũng là cách làm mà tỉnh nên nghiên cứu thực hiện. Cùng với hệ thống các giải pháp khác, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều bước đột phá mới về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đột phá về chất lượng sản phẩm và đột phá về đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp với tốc độ cao và bền vững.
.