Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) vừa có thông báo gửi các đơn vị thành viên về kế hoạch phát hành sách giáo khoa (SGK), trong đó thông điệp quan trọng nhất là dự kiến sẽ tăng khoảng từ 10-40% giá SGK phát hành trong năm học 2019-2020.
Trước sức ép của báo chí và công văn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngay sau đó NXBGDVN đã phát đi thông báo chính thức là sẽ giữ ổn định giá bán SGK trong năm học 2019-2020. Từ câu chuyện này, vấn đề kiểm soát giá SGK bằng cơ chế nào tiếp tục được dư luận xã hội đặt ra.
Lỗ thật hay lỗ giả?
Còn nhớ vào đầu năm học 2018-2019, tình trạng khan hiếm SGK đã bất ngờ xảy ra khi nhiều phụ huynh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã không thể mua đủ sách cho con trước thềm năm học mới. Đây cũng là chuyện hi hữu xảy ra trên thị trường SGK những năm gần đây.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, đây chính là hệ lụy của việc thực hiện chính sách một chương trình, một bộ SGK và giao cho một NXB duy nhất nắm độc quyền về biên soạn, in ấn và phát hành SGK suốt 16 năm qua.
Giữa tâm điểm của dư luận, NXB Giáo dục Việt Nam đã lên tiếng kêu lỗ trung bình khoảng 40 tỷ mỗi năm từ mảng kinh doanh SGK này. Theo báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam, kết quả kinh doanh mảng SGK của đơn vị này liên tục lỗ hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2015 lỗ 43,8 tỷ đồng. Năm 2016 lỗ 43,3 tỷ và năm 2017 lỗ 38,14 tỷ đồng. Đại diện NXB này lý giải rằng các khoản chi phí đầu vào của hoạt động xuất bản, phát hành SGK (nguyên, nhiên vật liệu, nhân công, tiền in ấn, vận chuyển) đều biến động tăng.
Xóa độc quyền được xem là cơ chế tốt nhất để kiểm soát giá bán và chất lượng SGK. Ảnh minh họa. |
NXB phải tự hạch toán, cân đối toàn bộ chi phí in ấn và phát hành SGK, không có trợ giá, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Nhưng điều đáng nói, mặc dù kêu lỗ nhưng NXBGD vẫn chi chiết khấu cho phát hành SGK lên tới 250 tỷ đồng, tương đương với 25% doanh thu hàng năm. Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, rất khó để xác định con số 40 tỷ là lỗ thật hay lỗ giả vì không biết lấy gì để đối sánh.
Trong khi đó, thị trường SGK với quy mô trung bình trên 16 triệu học sinh (từ mẫu giáo đến trung học phổ thông) luôn là mơ ước của tất cả các NXB trên thị trường.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Việc NXBGDVN tách khâu in và phát hành riêng ra khỏi chu trình khép kín từ khâu soạn thảo, biên soạn, triển khai in và phát hành có thể cũng là một “thủ thuật” khiến dư luận dễ bị mắc lừa.
Thực tế cho thấy, nguồn tiền ngân sách Nhà nước, ngân sách tài trợ từ quốc tế thường được “bơm” qua các khâu kia. Chẳng hạn như chương trình VNEN, tiền hỗ trợ từ dự án là không ít nhưng giá bán sách VNEN lại cao hơn nhiều so với SGK thông thường.
Kiểm soát giá SGK bằng cạnh tranh lành mạnh
Trước sự việc mới đây, NXBGDVN tự lên kế hoạch dự kiến điều chỉnh giá bán rồi lại ra thông báo không tăng giá bán SGK trong năm học mới 2019-2020, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có một cơ chế kiểm soát giá bán SGK khác với cơ chế hiện nay.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm: SGK cũng giống như mặt hàng sữa cho trẻ em, chỉ thiết yếu sau gạo, nhà nào cũng phải mua sách nên giá SGK là vấn đề rất nhạy cảm.
Do đó, giá SGK cần phải được thông qua các cơ quan như Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính để thẩm định, kiểm soát giá.
Nếu giá SGK do doanh nghiệp tự quyết thì sẽ khó mà biết được mức giá đó có hợp lý hay không, nhất là trong bối cảnh hiện thị trường SGK chỉ do mỗi NXBGD độc quyền.
TS Lê Viết Khuyến lại cho rằng, trong cơ chế thị trường, sự can thiệp của nhà nước về lâu dài là không cần thiết bởi mức giá hợp lý chỉ được tạo ra khi có rất nhiều người cùng cung cấp sản phẩm đó.
Theo phân tích của ông Khuyến, sở dĩ thị trường SGK không có sự cạnh tranh như hiện nay là vì NXB GDVN hiện vẫn đang độc quyền in ấn, phát hành.
Do vậy, thay vì quản lý giá, nhà nước hãy tạo cơ chế để có nhiều NXB được tham gia vào thị trường này; thay vì chỉ có một bộ SGK, phải tạo hành lang pháp lý để có nhiều bộ SGK từ một chuẩn khung chương trình chung. Khi có cạnh tranh thì giá thành sẽ minh bạch và người dân sẽ hoàn toàn được lợi.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cốt lõi vấn đề là phải tạo ra một thị trường SGK không độc quyền, khi đó sẽ không cần phải định giá hay kiểm soát giá SGK từ phía nhà nước. Doanh nghiệp (NXB) sẽ được quyền định giá dựa trên các yếu tố đầu vào như khổ sách, loại giấy, mực in, số lượng bản in/đầu sách.
Nếu doanh nghiệp (NXB) định giá quá cao so với thực tế thì sản phẩm sẽ không thể cạnh tranh được với các đối tác khác; việc điều chỉnh giá bán cũng dễ kiểm soát hơn do có yếu tố để so sánh. Đặc biệt, ngoài giá thành, chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng sẽ phong phú hơn, người dân có nhiều lựa chọn hơn.
Ông Phong cũng cho rằng, bài học từ thị trường viễn thông với việc phá thế độc quyền bằng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như hiện nay cũng có thể xem là một gợi ý cho một thị trường SGK cạnh tranh trong tương lai.
.