(Congannghean.vn)-Mặc dù không nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không có các thủ tục về môi trường, không đảm bảo về an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy…, thế nhưng, nhiều xưởng bóc gỗ vẫn ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài tại huyện Thanh Chương, bất chấp sự phản ứng của dư luận.
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, tại các xã Thanh Thủy, Thanh Xuân, Thanh Hà, Thanh Mai..., huyện Thanh Chương, có rất nhiều xưởng bóc gỗ mọc lên và ngang nhiên hoạt động giữa “thanh thiên bạch nhật” mà không có cơ quan nào kiểm tra, xử lý.
Xưởng bóc gỗ nằm ven đường Hồ Chí Minh (xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương) |
Nhận được thông tin phản ánh trên, trung tuần tháng 9/2018, chúng tôi có dịp khảo sát các địa điểm như các nguồn tin cung cấp, qua đó cho thấy, thông tin phản ánh của người dân là có cơ sở. Cụ thể, tại xóm 15, xã Thanh Hà, 1 xưởng chế biến gỗ hoạt động rầm rộ, gỗ sau khi bóc thành ván mỏng được phơi khắp nơi. Qua trao đổi với chính quyền địa phương, ông Phan Văn Lân, Chủ tịch UBND xã Thanh Hà không nắm được chính xác chủ cơ sở này là ai, chỉ biết là: “Người ở Phú Thọ vào thuê đất của ông Nguyễn Văn Minh để mở xưởng. Vừa qua, Kiểm lâm và huyện cũng đã về kiểm tra rồi nên xã không kiểm tra nữa”. Vừa giải thích, ông Lân vừa chỉ đạo cấp dưới lục tìm hợp đồng giữa chủ xưởng và hộ dân cho thuê đất. Tuy nhiên, sau 30 phút mà văn thư vẫn không tìm thấy hợp đồng nào cả.
Tương tự, tại đội 12/9, xã Thanh Mai, tại thời điểm chúng tôi có mặt, xưởng bóc gỗ do ông Nguyễn Quang Thiện làm chủ vẫn đang hoạt động. Khi được hỏi các thủ tục cấp phép hoạt động, ông Thiện chỉ có 1 tờ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ gia đình, do Phòng Tài chính kế hoạch huyện Thanh Chương cấp, trong đó ghi ngành nghề là dịch vụ cưa xẻ và chế biến gỗ dân dụng. Theo ông Thiện trình bày, các thủ tục giấy tờ đang làm, nhưng người dân phản ánh, xưởng đã đi vào hoạt động gần cả năm nay. Trong khi đó, qua trao đổi, ông Trần Công Bằng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, xã đang yêu cầu các hộ hoàn thành thủ tục theo quy định, nếu không sẽ buộc phải đình chỉ hoạt động, tháo dỡ công trình trái phép.
Thông tin phản ánh cho biết, trên địa bàn các xã Thanh Hà, Thanh Mai và Thanh Xuân có 5 xưởng chế biến gỗ tương tự như trên đã hoạt động trong một thời gian khá dài. Nhà xưởng được dựng trên những khoảng đất rộng hàng nghìn m2, phục vụ việc sản xuất và tập kết nguyên liệu, phơi thành phẩm. Mỗi xưởng được lắp đặt 1 - 2 dây chuyền bóc gỗ keo với công suất khoảng 500 tấn/tháng. Tại những xưởng này thường xuyên có khoảng 7 - 10 lao động làm việc. Hầu hết lao động tại đây được thuê theo thời vụ và không có các thiết bị an toàn tối thiểu để đảm bảo trong quá trình sản xuất.
Về thủ tục hồ sơ, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều chủ xưởng là người từ địa phương khác đến thuê đất của người dân sở tại, rồi dựng nhà xưởng và sản xuất, chế biến gỗ mang đi tiêu thụ. Trong khi đó, đất được thuê hầu hết là đất vườn, đất lâm nghiệp của người dân chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Thủ tục để các xưởng này hoạt động chỉ là 1 hợp đồng được chủ xưởng ký kết trực tiếp với người dân theo thời hạn nhất định với giá bèo bọt.
Có thể khẳng định, mặc dù những xưởng sản xuất gỗ nói trên rầm rộ hoạt động trong suốt thời gian dài với nhiều thiếu sót về mặt hồ sơ pháp lý nhưng không hiểu vì sao chính quyền các địa phương nói trên vẫn “ưu ái” cho các chủ xưởng hoạt động, bất chấp phản ứng của dư luận. Việc các xưởng chế biến gỗ trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm đã phá vỡ vùng quy hoạch nguyên liệu sản xuất gỗ dăm tại địa phương, đẩy các doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm hợp pháp, đã được cấp phép, được đầu tư bài bản vào nguy cơ phá sản, phải dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu đầu vào.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, đích thân ông đã chỉ đạo đồng chí Phó Chủ tịch huyện thành lập đoàn kiểm tra các nội dung báo chí phản ánh. Nếu các cơ sở này chưa có thủ tục đầy đủ theo quy định thì sẽ đình chỉ hoạt động.