(Congannghean.vn)-Đầu tư vào các dự án, chương trình khởi nghiệp luôn có hai mặt tích cực tới chủ đầu tư và người khởi nghiệp. Sự đột phá, tính khác biệt sẽ góp phần để các dự án khởi nghiệp có điều kiện tiếp cận với thực tiễn, mở rộng và đến với đông đảo người dân. “Bài toán” thu hút đầu tư cho các dự án khởi nghiệp đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đối với các cấp chính quyền địa phương.
Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch Từ Tâm vào cuối năm 2017. Xác định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch có nhiều rủi ro, lại là “tay ngang”, nên chị đã chủ động tập trung nghiên cứu thị trường, nhu cầu người dân. Sau thời gian đầu tư vào rau, thịt lợn sạch, chị tiếp tục mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi bò. Với 1 người khởi nghiệp như chị Ánh, khó khăn về nguồn vốn luôn là trăn trở hàng ngày.
Cùng cộng sự, chị xây dựng Đề án “Ứng dụng công nghệ sinh học trong xây dựng, phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối thịt bò vàng xứ Nghệ, chung tay xóa đói, giảm nghèo tại Nghệ An”. Với tính khả thi cao, hiệu quả thực tiễn rõ rệt, tại cuộc thi khởi nghiệp vừa tổ chức tại Nghệ An lần gần đây nhất, Đề án của chị đã nhận chứng nhận xuất sắc, đồng thời, được Ngân hàng Bắc Á tài trợ 100 triệu đồng. Số tiền này chỉ là con số khá nhỏ so với yêu cầu thực tiễn để triển khai dự án nhưng là nguồn hỗ trợ, động viên kịp thời để chị tiếp tục hành trình ứng dựng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp sạch, đưa những sản phẩm đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Chặng đường khởi nghiệp của chị và cộng sự cũng sẽ bớt phần vất vả hơn.
Sự hỗ trợ từ các ngân hàng là nguồn động viên để đưa dự án khởi nghiệp đi vào thực tiễn (Trong ảnh: Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh với chứng nhận tài trợ của Ngân hàng Bắc Á) |
Chị Ánh là 1 trong nhiều trường hợp đã chứng minh tính hiệu quả của dự án trong quá trình khởi nghiệp, tạo điểm nhấn, sức thu hút với các nhà đầu tư. Tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo mà chị Ánh tham gia, còn có rất nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư rất quan tâm dự án có tính phát hiện. UBND tỉnh Nghệ An xác định, cuộc thi nhằm xây dựng tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng, trong sinh viên, thanh niên, người lao động. Qua đó, tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh các sản phẩm, dự án khởi nghiệp tiềm năng, hỗ trợ hiện thực hóa các sản phẩm; đồng thời, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp đối với sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Tại đây không chỉ lắng nghe, đánh giá để cân nhắc đầu tư vốn, các nhà đầu tư, đại diện các quỹ đầu tư còn góp ý cho các dự án, chỉ ra những điểm thiếu sót, chưa sát thực tế cho các nhóm khởi nghiệp. Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh chia sẻ: "Các nhà đầu tư có kinh nghiệm và cách nhìn nhận sắc sảo. Dù có thể không nhận được tiền đầu tư nhưng các nhóm khởi nghiệp cũng đã học hỏi được nhiều ý kiến, đóng góp xây dựng hữu ích, từ đó hoàn thiện hơn ý tưởng, sản phẩm của mình. Vì vậy, những cuộc gặp gỡ giữa nhà đầu tư và nhóm khởi nghiệp là rất cần thiết".
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo đến năm 2025" (Đề án 844) hỗ trợ các tổ chức ươm tạo, đào tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách cần thiết nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo hoạt động và phát triển. Thông qua Ban điều hành Đề án 844, tổ chức các cuộc gặp thường niên với các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước, quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế tài chính thực hiện Đề án 844 nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động và phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ với việc thu hút đầu tư trong công tác khởi nghiệp, đồng thời là thuận lợi rất lớn với những ý tưởng kinh doanh sáng tạo của những người trẻ trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng.
Có thể thấy, nhiều năm qua, làn sóng khởi nghiệp đã tạo hiệu ứng rõ rệt trong đời sống kinh tế - xã hội của Nghệ An. Hiện, tỉnh có hơn 3,2 triệu dân và khoảng 10.000 doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ khá lớn. Đây là môi trường thuận lợi để những người trẻ có thể tìm kiếm các ý tưởng kinh doanh để xây dựng các dự án khởi nghiệp có giá trị thực tiễn. Trong đó, chiếm phần lớn là thanh niên trẻ với nhiệt huyết mạnh mẽ để cống hiến và khẳng định bản thân. Tuy nhiên, nhiều người khởi nghiệp muốn đầu tư, phát triển kinh tế nhưng lại thiếu vốn, trình độ năng lực về nắm bắt thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Vì thế, việc tổ chức các chương trình, cuộc thi để đưa các ý tưởng của những người trẻ đến gần hơn với nhà đầu tư là rất cần thiết. Điều đó rất cần sự quan tâm, thái độ quyết liệt của các cấp lãnh đạo, nhất là sở, ngành có liên quan. Có như vậy, làn sóng khởi nghiệp mới có thể đi vào thực chất, duy trì bền vững và tạo hiệu quả thiết thực trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.