Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201805/nen-kinh-te-tang-truong-cao-nhat-trong-7-nam-gan-day-795430/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201805/nen-kinh-te-tang-truong-cao-nhat-trong-7-nam-gan-day-795430/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
NỀN KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG CAO NHẤT TRONG 7 NĂM GẦN ĐÂY - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 21/05/2018, 14:28 [GMT+7]

NỀN KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG CAO NHẤT TRONG 7 NĂM GẦN ĐÂY

Sáng 21/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo
Thay mặt Chính phủ, Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, tổng hợp kết quả đạt được cả năm cho thấy những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỷ USD.

Theo báo cáo của Chính phủ, nhìn lại năm 2017, kết quả nổi bật nhất là kinh tế có mức tăng trưởng đột phá và ấn tượng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay trên nền lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 4%) và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều và khởi sắc trên các ngành, lĩnh vực, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, cao nhất trong 7 năm gần đây; các ngành dịch vụ đạt khá; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới, xuất siêu 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, các ngành, lĩnh vực phát triển đồng đều. Năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng 6,81% so với năm 2016, trong đó: Quý I tăng 5,15%, Quý II tăng 6,36%, Quý III tăng 7,38% và Quý IV tăng 7,65%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 6,7% và cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2017 tăng 1,41% so với năm trước.

Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Thu ngân sách nhà nước vượt mục tiêu đề ra. Bội chi ngân sách khoảng 3,48% GDP, thấp hơn số Quốc hội đã thông qua là 3,5% GDP.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2017 theo giá hiện hành đạt 1.668,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,3% GDP (năm 2016 là 33% GDP). Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP giảm từ 38,4% giai đoạn 2007-2011 xuống 31,9% giai đoạn 2012-2017, chủ yếu do giảm tỷ lệ nguồn vốn đầu tư công, cho thấy chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ nhằm giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước, giảm nợ công, tăng cường thu hút nguồn vốn từ các khu vực khác cho đầu tư phát triển.

Xuất nhập khẩu đạt kết quả ấn tượng nhờ sự phục hồi tích cực của thị trường thế giới và sản xuất trong nước phục vụ xuất khẩu tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm trước, vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra là tăng 6-7%.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được đặc biệt quan tâm. Đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo diễn ra mạnh mẽ, nhất là đổi mới công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng được xã hội đánh giá tích cực; khoa học công nghệ được tăng cường năng lực, chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt đã đẩy mạnh thực hiện chính sách đối với người có công, quan tâm kịp thời hỗ trợ cứu đói, giải quyết khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đã giảm xuống. Văn hóa, thể dục, thể thao đạt được nhiều thành tích ấn tượng, góp phần nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển và đi vào chiều sâu.

Ngoài những kết quả quan trọng và ấn tượng trong năm 2017, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của nền kinh tế nước ta. Chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Tăng trưởng công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, vốn đầu tư và lao động, trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế. Kinh tế trong nước tiếp tục phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Việt Nam vẫn tham gia chủ yếu ở khâu gia công, lắp ráp; doanh nghiệp nội địa chưa tham gia nhiều vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm. Công tác thị trường và dự báo cung cầu nông sản còn yếu. Buôn lậu, gian lận thương mại chưa được xử lý dứt điểm.

Báo cáo cho thấy, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết và chân tay miệng. Ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ và sự cố môi trường. Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm. Nhiều vụ khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Còn nhiều vụ trọng án, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tài chính ngân sách Nhà nước 2016./.

 

.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội