(Congannghean.vn)-Nâng cao chỉ số cạnh tranh là mục tiêu phấn đấu của nhiều địa phương trong thời gian qua. Đây được xem là kênh thông tin quan trọng giúp các cấp chính quyền đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Những thay đổi đáng kể
Xác định rõ tầm quan trọng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 13/7/2012, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án cải thiện, nâng cao PCI. Sau 5 năm triển khai thực hiện, kết quả chỉ số PCI từ năm 2012 đến nay liên tục được cải thiện cho thấy hướng đi đúng của chính quyền tỉnh Nghệ An trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư tin tưởng chính quyền và đầu tư nhiều dự án lớn vào tỉnh Nghệ An.
Nghệ An luôn chủ động xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp (Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chào hỏi thân mật các doanh nghiệp nước ngoài) |
Trong đó, năm 2016, chỉ số PCI của Nghệ An đạt 59,45 điểm, xếp thứ 25/63 cả nước, đây cũng là điểm số và thứ hạng cao nhất từ trước đến nay của tỉnh Nghệ An, cũng là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Nghệ An được xếp vào nhóm tỉnh điều hành khá. Đây là kết quả rất đáng phấn khởi, ghi nhận nỗ lực phấn đấu sau nhiều năm của tỉnh, phản ánh việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ, nhiều chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện từng chỉ số thành phần PCI của cả hệ thống chính quyền trong thời gian qua.
Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh là một minh chứng cụ thể cho những nhận định trên; năm 2016, toàn tỉnh đã cấp mới 141 dự án, với tổng vốn đầu tư 35.441 tỉ đồng, tính đến tháng 5/2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 68 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.064,5 tỉ đồng; điều chỉnh cho 5 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 544,89 tỉ đồng. Nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm và nộp ngân sách lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, việc cải thiện chỉ số PCI của Nghệ An còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trong 10 chỉ số thành phần, có 3 chỉ số còn thấp, như: Chỉ số Chi phí thời gian: giảm 11 bậc; Chỉ số Chi phí không chính thức: giảm 21 bậc; Chỉ số Tiếp cận đất đai: giữ nguyên thứ bậc, nhưng giảm 0,42 điểm. Đây là những rào cản ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Trong đó, chi phí không chính thức vẫn còn rất lớn và giảm nhiều bậc. Đây không chỉ là thực trạng tại Nghệ An mà của nhiều địa phương trong cả nước.
Tăng cường chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, trong số 45% số doanh nghiệp đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh tra, kiểm tra trong năm 2016, chỉ 8% số doanh nghiệp là bị cán bộ thanh tra, kiểm tra đòi hỏi, ít hơn 5 lần so với tỉ lệ doanh nghiệp chủ động đưa biếu. Đáng chú ý, 59% số doanh nghiệp tin rằng, hành vi chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi này là phổ biến, trở thành “luật bất thành văn”. Hơn nữa, gần 80% số doanh nghiệp trả lời, việc đưa quà là nhằm tạo lập mối quan hệ, như một “hợp đồng bảo hiểm” cho những rắc rối và được tạo thuận lợi giải quyết các vụ việc nảy sinh trong tương lai.
Điều đó cho thấy, doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của các hoạt động chi phí “bôi trơn”. Có thể thấy, khi xu hướng xem việc gia tăng mức “chi phí không chính thức” để “bôi trơn” được mặc định như việc đương nhiên trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như để giải quyết các quan hệ xã hội đã cho thấy, mức độ “ô nhiễm” môi trường đầu tư và tâm lý xã hội ngày càng đậm đặc. Điều này không chỉ cản trở cạnh tranh lành mạnh, tăng chi phí sản xuất và giảm bớt lợi nhuận của doanh nghiệp, mà còn tạo kẽ hở cho thất thu ngân sách Nhà nước.
Theo nhiều doanh nghiệp, chỉ số chi phí không chính thức thấp chính là biểu hiện của mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ Hỗ trợ đầu tư, hạn chế tình trạng lót tay, phong bì. “Thực ra, quan trọng nhất là mình đừng nhũng nhiễu, tạo thuận lợi, khi doanh nghiệp thành công đều cảm ơn”, ông Bắc chia sẻ thêm.
Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Một trong những sáng kiến cải thiện chỉ số PCI chính là xây dựng, áp dụng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI). Mục tiêu của DDCI chính là tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế, khả năng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của cấp sở, ngành, huyện, thị. Việc xây dựng và áp dụng được DDCI sẽ đưa các cơ quan, đơn vị của tỉnh vào phong trào chung trong cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua ý kiến khảo sát của mình đóng góp tiếng nói vào các hoạt động điều hành kinh tế của địa phương.
Lãnh đạo các cấp chính quyền khẳng định: Khi Chính phủ chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính vì dân, thì doanh nghiệp cũng cần hành động kinh doanh liêm chính. Phải có sự song hành của cả cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan chính quyền mới giải quyết được tận gốc tình trạng phí “bôi trơn” và chi phí không chính thức.
Theo ông Trần Anh Sơn, Tổng thư ký Hội doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An: “Để xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, doanh nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với mỗi doanh nhân và dân doanh, phải kiên quyết đấu tranh với cái sai, thẳng thắn với cái đúng trên cơ sở mang tính chất xây dựng, đoàn kết cùng nhau phát triển, không ích kỷ, hẹp hòi. Còn đối với cán bộ và chuyên viên các cấp chính quyền, hãy làm tốt phần việc của mình, không vụ lợi; hãy xem việc của mình là trách nhiệm, là hưởng lương của doanh nghiệp, dân doanh đóng góp, hãy cố gắng làm tốt để được nhận sự cảm ơn còn hơn là vòi vĩnh”.