(Congannghean.vn)-Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra từ ngày 11 - 13/7. Kỳ họp lần này sẽ thông qua nhiều nghị quyết, nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, an sinh của người dân.Cử tri mong muốn, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ thảo luận, trao đổi những vấn đề “nóng”, tồn tại từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
Nhiều lao động Nghệ An vẫn phải tha hương vào Nam tìm việc làm |
Nông nghiệp luôn “nóng”
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Nghệ An. Vì thế, không khó để nhận ra, trong những phần tiếp thu và trả lời ý kiến cử tri, nông nghiệp luôn được người dân quan tâm đặc biệt. Từ cung ứng, quản lý giống cây trồng, vật nuôi đến việc xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, từ câu chuyện tàu 67 đến việc bố trí, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rồi thuốc bảo vệ thực vật… Trong đó, việc xây dựng các mô hình sản xuất hiện đại, đạt chuẩn tại các huyện, thành, thị vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Theo đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện được trên 5.000 mô hình. Các mô hình này phải đạt các yêu cầu như: Thực hiện đúng các bước triển khai về kỹ thuật, các đối tượng cây con, tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp, nhiều mô hình có ý nghĩa thực tiễn cao đã được nhân rộng và được người dân tiếp nhận nhiệt tình.
Trong đó có một số mô hình nổi trội như: Mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI (4.910 ha), ngô nếp thương phẩm giống mới tại các huyện miền núi (920 ha); sản xuất lạc thu đông (phục vụ giống lạc cho vụ xuân): 1.500 ha; sản xuất rau theo hướng an toàn (dưa chuột, dưa hấu, bí xanh, đậu cô ve, dưa bở, dưa lê): 1.600 ha; chuyển đổi đất cấy cưỡng sang trồng dưa chuột, bí xanh, rau bắp cải, xu hào theo hướng an toàn VietGap: 420 ha…
Với sự cố gắng của các địa phương, rất nhiều mô hình đã được nhân rộng (như lúa lai, lúa chất lượng cao, rau màu trên đất bãi, dưa, lợn an toàn sinh học, nông lâm kết hợp, vỗ béo bò thịt, gà sinh sản, đệm lót sinh học...), kết quả đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc nhân rộng các mô hình sản xuất vào thực tiễn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, một số mô hình thành công nhưng chưa nhân rộng được, hoặc nhân rộng chưa nhiều, tính bền vững chưa cao, như các mô hình sản xuất theo VietGap, trồng hoa, trồng các loại dưa, rau, vật nuôi đặc sản... Nguồn cung - cầu chưa đồng thuận cũng khiến người nông dân vẫn chưa thật sự mặn mà với việc nhân rộng các mô hình theo tiêu chuẩn VietGap. Trong khi chi phí duy trì và đánh giá vẫn còn quá cao so với thu nhập người dân.
Trong khi đó, tại Nghệ An, danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho phép sử dụng xấp xỉ trên 300 tên thương mại, với lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm xấp xỷ từ 250 - 300 tấn/năm. Toàn tỉnh có 595 cơ sở buôn bán thuốc BVTV thường xuyên, trong đó 246 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV; 968 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, bên cạnh đó còn nhiều các cơ sở buôn bán thuốc BVTV, thuốc thú y nhỏ lẻ, mùa vụ tại các thôn, xóm, chợ…
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các cấp chính quyền đã thực hiện 583 cuộc kiểm tra, thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất tại các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, thuốc thú y, trang trại, gia trại chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, bò thịt, lò giết mổ gia súc.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã tiến hành đình chỉ kinh doanh đối với 57 cơ sở, trong đó 39 cơ sở thuốc BVTV không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, 18 cơ sở vi phạm trong kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, số lượng, chủng loại thuốc BVTV, thuốc thú y trên thị trường hiện nay khá nhiều, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh và lựa chọn thuốc để sử dụng của người dân. Trong khi việc sử dụng thuốc BVTV của một bộ phận người dân không đảm bảo theo đúng quy định, nhất là không theo nguyên tắc sử dụng và đảm bảo thời gian cách ly, vẫn có tình trạng lạm dụng thuốc BVTV.
Dạy nghề và tạo việc làm chưa phát huy lợi thế
Hiện nay, tại Nghệ An, số lao động giải quyết việc làm hàng năm được tăng lên nhưng một số lao động bố trí việc làm chưa phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo và thiếu ổn định, bền vững. Số lao động chưa có việc làm sau khi đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh còn lớn. Trong khi, số lao động có trình độ kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Mặt khác, trong khi số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn còn nhiều nhưng một số lao động lại không muốn vào làm việc tại doanh nghiệp mà thích đi lao động tự do, không hợp pháp tại một số nước như: Lào, Trung Quốc, Thái Lan... dẫn đến rủi ro lớn và thu nhập không ổn định.
Theo thống kê gần đây, số lao động Nghệ An hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn còn cao. Mặt khác, dù số lượng cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng quy mô còn nhỏ, trong khi nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trung tâm dạy nghề cấp huyện vào những năm trước đây được đầu tư cơ sở vật chất phòng học, nhà thực hành lớn nhưng chưa phát huy được hiệu quả, còn gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Theo đó, trong 2 năm 2015 và 2016, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 155.196 người. Trong năm 2015, 2016, đã giải quyết việc làm cho 64.256 lao động sau đào tạo nghề; đã có hơn 200 doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để đào tạo và đã tiếp nhận, tuyển dụng 46.058 lao động. Cũng trong khoảng thời gian trên, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 75.360 lao động.