Ngày 2/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Sớm khắc phục những bất cập trong đầu tư công cho tam nông
Về tái cơ cấu nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công- tỉnh Vĩnh Long cho biết thời gian qua Chính phủ đã bỏ ngỏ vấn đề xây dựng thương hiệu tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông nghiệp. Dẫn đến, người nông dân phải tự bơi trong cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn và bế tắc trong sản xuất, làm cho nông nghiệp chúng ta chậm phát triển, đời sống người nông dân tiếp tục gặp khó khăn. Công tác quy hoạch còn chậm chưa xác thực khiến người nông dân lúng túng phải tự lo sản xuất để đảm bảo cho cuộc sống của mình nên giữa người nông dân xảy ra nhiều mâu thuẫn trong quá trình sản xuất.
Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công phát biểu tại Hội trường - Ảnh: Đình Nam |
Mặc dù, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ tích cực cho nông dân nhưng những chính sách đầu tư hiện nay còn dàn trải, chưa đồng bộ và chưa đi vào trọng tâm, chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả mang lại cho người nông dân chưa cao. Một số chính sách hỗ trợ chưa phân biệt rõ việc làm kinh tế trong đầu tư sản xuất nông nghiệp với việc thực hiện chính sách an sinh. Những chính sách khi đi vào cuộc sống, người nông dân thường hưởng lợi không nhiều.
Từ thực tiễn trên, đại biểu Lưu Thành Công kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, khắc phục những bất cập trong đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay, sửa ngay những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, chưa mang lại lợi ích cho nông dân, chưa thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, bố trí nguồn đầu tư cho nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu hiện đại hóa nền nông nghiệp. Sửa đổi các cơ chế, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư hướng vào các ngành, các lĩnh vực có lợi thế, có khả năng phát triển như ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp, nghiên cứu các chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư các nguồn lực phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền đặc biệt là vùng trồng lúa và nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Sớm hoàn thành công tác quy hoạch vùng, sản phẩm các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, thiết lập hệ thống thông tin quốc gia về nông nghiệp, hình thành các thương hiệu và ổn định thị trường tiêu thụ.
Xác định rõ nội dung chính, lực lượng chính và giải pháp then chốt trong tái cơ cấu nông nghiệp
Đánh giá cao chủ trương tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; khẳng định mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu nông nghiệp là chuyển đổi nền nông nghiệp hiện nay sang nền nông nghiệp hướng tới nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn theo xu hướng của thế giới; đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng- tỉnh Bắc Giang cho rằng phải làm rõ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp đâu là nội dung chính, đâu là lực lượng chính và đâu là giải pháp then chốt để quá trình tái cơ cấu này được diễn ra hiệu quả.
Theo đại biểu Lê Thị Thu Hồng có ba vấn đề lớn cần phải làm rõ là nội dung của tái cơ cấu nông nghiệp, lực lượng thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và những giải pháp về chính sách. Trong đó, cần phải nhấn mạnh và nhất quán chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới nông nghiệp hữu cơ để chủ động hội nhập và đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhà nước phải từng bước xóa bỏ bao cấp về nông nghiệp, từng bước cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp trong ngành nông nghiệp như trung tâm giống, khuyến nông, thú y. Cần phát triển lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp với vai trò là lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp hiện đại Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng phát biểu tại Hội trường |
Về lực lượng thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì hạt nhân nòng cốt phải là doanh nghiệp. Phải chuyển chủ thể chính trong nông nghiệp hiện nay từ hộ nông dân sang vai trò của doanh nghiệp. Thực tiễn chứng minh rằng doanh nghiệp có khả năng thực hiện việc này vì họ có năng lực đầu tư, có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ, có vốn, có kinh nghiệm trên thương trường.
Những giải pháp về chính sách thì cần phải hoàn thiện chính sách về đất đai để tạo sự thuận lợi cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất, tích cực đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, sớm nghiên cứu cơ chế cho thuê ruộng đất ổn định lâu dài. Cần tạo môi trường và chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Cần có sự cam kết đồng hành của chính quyền trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong quản lý sản xuất nông nghiệp, nhà nước nên dành nguồn lực tập trung xây dựng và chỉ đạo thực thi các chính sách về nông nghiệp và nông thôn. Cần có biện pháp liên kết tiểu vùng, phối hợp các địa phương cùng chung phát triển hệ sinh thái cho nông nghiệp hữu cơ và phát triển các hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistic, hệ thống chế biến bảo quản kho bãi, sàn giao dịch điện chung đây cũng là cách để hiện đại hóa nông thôn, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.
Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tạo điều kiện cho sản xuất
Giải trình trước Quốc hội về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn; nhận thức về tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng được nâng cao ở các bộ, ngành, địa phương; quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, hướng tới sản xuất hàng hóa; nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Tuy nhiên, trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, trong đó nổi lên là: Quy mô sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng mạnh khoa học- công nghệ hiện đại chỉ mới chiếm tỉ lệ nhỏ; các sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu là sản phẩm thô, các cảm phẩm chế biến sâu còn ít, dẫn tới chuỗi giá trị thấp; thị trường thiếu ổn định, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro; một số thị trường tiêu thụ lớn sản phẩm của chúng ta vẫn là tiểu ngạch; nhân tố hạt nhân trong tổ chức sản xuất nông nông nghiệp là hợp tác xã chưa có nhiều (hiện tại mới có khoảng 4.000 doanh nghiệp, 12.000 hợp tác xã, 56.000 tổ hợp tác xã, 29.500 trang trại), cho thấy nhân tố chủ chốt trong sản xuất hàng hóa lớn của chúng ta là ít.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình tại Hội trường |
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là nhận thức về phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa thực sự đầy đủ ở nhiều cấp chính quyền địa phương; chính sách ban hành nhiều nhưng có một số chính sách không đi được vào cuộc sống và còn có những bất cập; nguồn lực đầu tư, công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành có nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần xác định nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia để tập trung đầu tư và thúc đẩy, đó là những nhóm sảm phẩm lợi thế, tạo ra giá trị lớn, có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như: Cá tra, tôm, rau quả, điều, thịt lợn… Đồng thời, tập trung phát triển nhóm sảm phẩm có quy mô lớn, đặc thù, chủ lực ở cấp tỉnh như vải thiểu Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên… và nhóm sản phẩm có giá trị cao ở quy mô nhỏ trong các địa phương.
Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tạo điều kiện cho sản xuất, ở đây nút thắt lớn nhất là vấn đề về đất đai, phải bảo đảm tích tụ đất đai đến ngưỡng cho phép để bảo đảm ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng cho xuất khẩu.
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp về đầu tư phát triển ở khu vực nông nghiệp; chính sách phát triển các hợp tác xã…