Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc sớm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam là không thể trì hoãn bởi đây sẽ là nền tảng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu kết luận này tại cuộc họp về Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đến năm 2020 do Bộ GTVT báo cáo, diễn ra sáng nay (7/7) tại trụ sở Chính phủ.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính.
Hạ tầng giao thông kém thì không thể hội nhập
Cho ý kiến về Đề án này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí về sự cần thiết và cho rằng, công trình này không thể trì hoãn. Công trình có vai trò bảo đảm cho nền tảng phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông. Đây được coi là khâu đột phá chiến lược và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng hạ tầng giao thông thay đổi nhanh, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hệ thống hạ tầng giao thông đang còn nhiều vấn đề bất cập so với nhu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, mạng lưới giao thông so với khu vực còn nhiều hạn chế.
“Hạ tầng giao thông kém thì không thể hội nhập, không thể công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục tiêu tạo ra bước đột phá về hạ tầng giao thông đô thị, trong đó đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam, tập trung đến năm 2020 hoàn thành cơ bản tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía đông. Theo Phó Thủ tướng, nếu hoàn thành cơ bản được tuyến cao tốc này sẽ là tiền đề để xây dựng các tuyến đường cao tốc khác, hiện thực được mục tiêu năm 2020 đạt và vượt 2.000 km cao tốc đã đề ra.
Về nguồn vốn cho dự án, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới ngân sách Nhà nước cần bố trí thỏa đáng để tạo “vốn mồi” thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc này theo hình thức PPP, trong đó bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn vốn ngân sách Nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính tính toán để đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn của Nhà nước, bảo đảm thời gian thu phí, mức phí hợp lý, đồng thời bảo đảm sự hấp dẫn để thu hút các đầu tư trong nước và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ GTVT, KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án chi tiết về phát triển đường cao tốc, tập trung vào cao tốc Bắc-Nam về phía đông do Bộ GTVT chủ trì. Sau khi Bộ GTVT xây dựng xong Đề án, gửi các bộ liên quan để cụ thể hoá từng vấn đề, trong đó có mục tiêu, sự cần thiết, quy mô… nói rõ cơ chế huy động nguồn lực.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành liên quan tính toán tổng mức đầu tư từng dự án, kiểm soát chất lượng các dự án, xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.
Kết thúc buổi họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trong vòng 2 tuần (kể từ 7/7), Bộ GTVT phải hoàn thiện xong đề án tổng thể chi tiết của dự án này.
Cần thiết có đường cao tốc Bắc-Nam
Theo Bộ GTVT, để đáp ứng nhu cầu vận tải của tuyến đường bộ Bắc-Nam phục vụ nhu cầu phát triển đất nước, đồng thời từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên trục Bắc-Nam- trục vận tải quốc gia quan trọng nhất của đất nước, Chính phủ đã thực hiện đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ lên 4 làn xe, hoàn thành năm 2015.
Tuy nhiên, do đặc thù ở Việt Nam, giao thông trên quốc lộ là giao thông hỗn hợp (xe máy chiếm tỉ lệ cao), tốc độ thấp, nên cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự phát triển của các phương tiện vận tải, ngay khi vừa được nâng cấp thì áp lực giao thông lên Quốc lộ 1 vẫn đang rất lớn.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, yêu cầu đầu tư và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là với tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông đoạn Hà Nội-TPHCM. Tuyến cao tốc phía đông sẽ đi theo hướng Quốc lộ 1 và song song với Quốc lộ 1, còn phía tây sẽ đi theo hướng đường Hồ Chí Minh.
Tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông dài 1.814 km đi theo hướng Quốc lộ 1 với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP. Cần Thơ, trong đó, đoạn Hà Nội-TPHCM dài 1.624 km. Hiện tại, đã có một số đoạn ngắn đã được đưa vào khai thác, tổng chiều dài 171 km, gồm: Pháp Vân-Cầu Giẽ; Cầu Giẽ-Ninh Bình; TPHCM-Trung Lương; TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.
Những đoạn đang triển khai thi công, tổng chiều dài 302 km, gồm: La Sơn-Túy Loan; Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Bến Lức-Long Thành; Trung Lương-Mỹ Thuận.
Dự kiến, những đoạn cao tốc này sẽ được kết nối với nhau tạo thành tuyến cao tốc Bắc-Nam hoàn chỉnh. Như vậy, đến hết năm 2020, sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 473 km đường cao tốc. "Để thông tuyến cao tốc Bắc-Nam cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.315 km, trong đó đoạn Hà Nội-TPHCM phải đầu tư hoàn thành 1.291 km", ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết.
Về nhu cầu vốn đầu tư, phía Bộ GTVT cho rằng để hoàn thành được tuyến cao tốc này cần khoảng 235.952 tỷ đồng. Trong đó dự kiến vốn nhà đầu tư huy động khoảng 116.430 tỷ đồng (chiếm tỉ trọng 49,34%), vốn Nhà nước hỗ trợ đầu tư dự án là 119.522 tỷ đồng (chiếm 50,66%). Phần vốn Nhà nước dự kiến sử dụng nguồn từ trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 là 75.384 tỷ đồng và vốn ODA là 44.138 tỷ đồng.