Quan điểm của luật sư đề nghị bỏ hẳn Luật Đầu tư nhận được không ít ý kiến ủng hộ tại hội thảo về đề xuất, sửa đổi các luật đầu tư, kinh doanh.
Hội thảo do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/7, sau khi Chính phủ mới đây đã đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà khẳng định Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 cùng với Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 mới đây về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã thể hiện những nỗ lực cải cách của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế thi hành các luật đã thể hiện nhiều vướng mắc.
Lãnh đạo VPCP, Bộ KHĐT và VCCI lắng nghe các ý kiến tại hội thảo |
“Trong bối cảnh đó, cần phải rà soát lại tất cả những quy định bất hợp lý, trái ngược nhau, chưa tương thích với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, không phù hợp với thực tế để sửa đổi, thậm chí là bãi bỏ để tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư, kinh doanh”, ông Hà nhấn mạnh và lưu ý hội thảo cũng cần đề cập đến Điều 292 của BLHS 2015 mà cộng đồng Start-up Việt Nam đang kiến nghị bãi bỏ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng mục tiêu cao nhất là các luật cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho kinh doanh theo đúng chỉ thị của Thủ tướng. “Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi khi Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị của doanh nghiệp và Thủ tướng đã chỉ thị rằng: Cần phải xây dựng để trình luật này trong thời gian sớm nhất”, ông Tuấn nói.
‘Đăng ký đầu tư mà sao nhiều cửa ải thế?’
Là người đưa ra kiến nghị bỏ hẳn Luật Đầu tư, luật sư Ngô Việt Hòa từ Công ty General Motor cho rằng Luật này “đang khiến hệ thống pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn rất nhiều”. Ông cho biết cách đây 2 năm, tại một hội thảo, một chuyên gia sau khi góp ý vào Luật Doanh nghiệp thì đã bỏ ra ngòai, với lý do là theo ông ấy, không cần thiết phải có Luật Đầu tư.
Cụ thể, ông Ngô Việt Hòa cho rằng Luật Đầu tư lẽ ra chỉ nên quy định về hoạt động của nhà đầu tư nước ngòai, nhưng hiện đang điều chỉnh cả hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Còn nội dung về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì lẽ ra phải đưa vào Luật Doanh nghiệp, như vậy, nội hàm của Luật Đầu tư không còn nhiều. Ngay cả việc Luật Đầu tư quy định ưu đãi cho nhà đầu tư cũng là không đúng, bởi trên thực tế không có ưu đãi cho nhà đầu tư, chỉ ưu đãi doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là Luật Đầu tư đã tạo ra một hệ thống chồng lấn trong cấp phép, như giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư, trong khi về mặt kỹ thuật hòan toàn có thể gộp làm một.
“Tôi biết là khó, nhưng tốt nhất là làm sao có thể bỏ hẳn Luật Đầu tư, còn những nội dung cần thiết có thể đưa vào Luật Doanh nghiệp để tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất”, ông Ngô Việt Hòa kiến nghị.
Trên thực tế, nội dung quan trọng nhất mang tính đột phá cải cách của Luật Đầu tư là quy định về các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện vốn được đặt tại dự thảo Luật Doanh nghiệp, nhưng về sau được chuyển sang Luật Đầu tư.
Ý kiến này của ông Ngô Việt Hòa nhận được nhiều ý kiến đồng tình tại hội thảo. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, ý kiến cá nhân ông là không cần thiết phải có Luật Đầu tư.
Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho biết ông ghi nhận ý kiến góp ý nói trên và hứa sẽ nghiên cứu kỹ để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.
“Cá nhân tôi cũng đã nghe rất nhiều phản ánh về vấn đề này. Hôm qua đây thôi, trên đường về Hà Nội tôi cũng nghe phản ánh về hành trình đi đăng ký đầu tư. Người ta đi đăng ký đầu tư, tạo nhiều công văn việc làm cho xã hội, mà sao phải qua nhiều cửa ải thế?”, ông Đông nói.
Điều kiện kinh doanh vẫn gây tranh cãi
Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất tại hội thảo là về các điều kiện kinh doanh. Ông Nguyễn Tiến Vỵ từ Hiệp hội Bia rượu nước giải khát cho biết ngoài quy định của Luật Đầu tư về ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thì Luật Thương mại 2005 cũng có danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh… Trên thực tế, nhiều địa phương đã dựa vào quy định này và gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Vỵ cho biết trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư, các bộ ngành, Chính phủ và cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất đưa kinh doanh bia ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng Luật vẫn quy định kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương thì là kinh doanh có điều kiện, mà trong đó lại có mặt hàng bia.
“Nói chung, tôi kiến nghị kinh doanh thực phẩm thì không cần phải là kinh doanh có điều kiện, bởi vì Luật An toàn thực phẩm đã quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật với sản xuất, chế biến thực phẩm rồi, nay lại đưa tiếp điều kiện kinh doanh là không cần thiết”, ông Vỵ nói.
Liên quan đến điều kiện kinh doanh, tranh cãi nổ ra ngay tại hội thảo về điều kiện nhập khẩu ô tô theo Thông tư 20 của Bộ Công Thương. Theo Thông tư này, một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền của chính hãng.
Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và đại diện Honda, quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Quyết từ công ty Hưng Hà lại phản đối gay gắt quy định này.
“Tôi là một nạn nhân của Thông tư 20, nên rất mong mỏi bãi bỏ Thông tư này. Trường Hải là doanh nghiệp ô tô lớn của Việt Nam, nhưng cũng xuất phát từ một doanh nghiệp nhỏ. Với quy định của Thông tư 20, chỉ các doanh nghiệp lớn mới được tham gia nhập khẩu. Tôi tha thiết kiến nghị làm sao điều kiện kinh doanh phải bảo đảm được môi trường thuận lợi cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phân biệt đối xử”, ông Quyết nói.
Ủng hộ quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng quy định này là phản cạnh tranh, trong khi để bảo vệ người tiêu dùng thì tốt nhất là thúc đẩy cạnh tranh. Mặt khác, Việt Nam đã có khung khổ pháp lý đầy đủ để bảo đảm rằng trước khi ô tô lăn bánh thì phải bảo đảm an toàn.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, qua rà soát của VCCI và qua hội thảo này, đã thấy có khoảng 50 luật với khoảng 150 điều luật cần sửa đổi theo quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp. Ông cho rằng, cần phải thay đổi tư duy làm luật, nếu cứ như lâu nay là một luật thi hành 4, 5 năm rồi mới tổng kết, sửa đổi thì chúng ta sẽ lỡ hết các cơ hội của nền kinh tế. Nếu các luật, nghị định, thông tư vừa ban hành nếu bất cập thì cần sửa ngay.
“Hội thảo này rất quan trọng vì ngày 26 tới đây Quốc hội sẽ bàn chương trình xây dựng pháp luật. Doanh nghiệp không cần sự ổn định dựa trên những quy định bất hợp lý, mà 5 năm tới là giai đoạn rất quyết định của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.