Cuối cùng phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016 đã được Hội đồng tiền lương Quốc gia thông qua với mức tăng 12,4%. Con số này được coi là sự “nhượng bộ” của cả hai bên đại diện cho doanh nghiệp và người lao động. Bởi trước đó, phía VCCI đưa ra mức tăng là 10% (ban đầu chỉ 7%), còn phía Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra mức 16,8%. Tổng Liên đoàn Lao động kiên định bảo vệ con số này trong tất cả các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Kết quả phiên họp thứ 3 của Hội đồng tiền lương quốc gia mới chỉ là sự nhượng bộ tạm thời |
Kết thúc phiên họp thứ 3, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói đây chỉ là một bước nhượng bộ tạm thời, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời điểm này. Trong tương lai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn kiên quyết với mục tiêu phải sớm đạt mức lương tối thiểu đủ đảm bảo mức sống tối thiểu.
Ở phía “bên kia”, đại diện cho VCCI, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ: “Chúng tôi không thỏa mãn nhưng cũng chấp nhận kết quả này. Mức tăng này thật sự vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị xem xét lộ trình tăng lương tối thiểu trong những năm tới phải hợp lý hơn”.
Giải thích cho sự "khó thỏa mãn" các bên trong thỏa thuận về tiền lương, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cho rằng: "Tâm lý chung là người cho, cho 1 đồng cũng thấy nhiều. Còn người nhận, nhận 10 đồng cũng thấy ít. Vấn đề là DN không thế lấy mãi lý do năng suất lao động tăng thấp nên không thể tăng lương. Anh phải tìm cách cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động. Bàn cãi về chuyện tăng lương chỉ có các DN trong nước kêu ca chứ các DN FDI không hề có ý kiến gì. Mình tăng bao nhiêu họ sẵn sàng chi trả bấy nhiêu. Chúng ta hội nhập rồi thì phải theo luật chơi chung chứ không thể nói quê tôi nó vậy".
Với mức tăng 12,4% mà Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết, nhiều doanh nghiệp bày tỏ khó khăn trong việc chi trả cho người lao động. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Minh Huân thì với các DN chỉ đáp ứng được mức tăng lương tối thiểu 6%-7% thì phải tiết kiệm, đẩy mạnh năng suất, tổ chức lao động hợp lý nhằm có thêm nguồn chăm lo cho người lao động. Vì NLĐ là nguồn lực rất quan trọng để cho DN tồn tại ổn định và phát triển...
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng lưu ý thêm, trong quá trình điều chỉnh lương, các DN nên tiếp tục đánh giá mức đóng BHXH, khả năng chịu đựng DN ra sao rồi trình các cơ quan chức năng xem xét, thay đổi chính sách hợp lý...
Điều quan trọng, theo ông Huân, “mức tăng lương này đáp ứng được trên 80% mức sống tối thiểu của người lao động”.
Nói về vấn đề tiền lương theo ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Hiện nay mình đang xác định tiền lương không đúng. Vì nó không đáp ứng được cuộc sống. Còn việc lựa chọn con người để làm việc trong những tổ chức ấy là chuyện khác. Không đảm bảo chất lượng công việc thì phụ thuộc vào năng lực của mỗi người. “Chúng ta đang lẫn lộn trong việc xác định chế độ cho phù hợp với năng lực thực hiện. Đây là hai chuyện khác nhau” – ông Lợi nói.
Ông Đặng Như Lợi còn chỉ ra một bất cập nữa trong cách tính lương là trong sản xuất kinh doanh, trong cùng 1 ngành nghề, cùng một sản phẩm thì có thể sử dụng các loại công nghệ khác nhau, tổ chức quản lý lao động khác nhau, năng suất và hiệu quả khác nhau vậy thì tại sao cứ lương cùng một ngành nghề thì phải chung một thang bảng lương, cùng một tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật?
Ngoài ra, mức sống tối thiểu hiện nay vẫn lấy mức lương tối thiểu làm chuẩn. Thành ra, khi điều chỉnh thì các thứ khác lên theo hàng loạt, trong khi mức xác định lại không chính xác