(Congannghean.vn)-Từ 2 công ty cung cấp 10 sản phẩm ra thị trường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2000, sau 15 năm, trên cả nước đã có tới 2.000 nhà cung cấp với 10.000 mặt hàng. Những con số trên đã cho thấy “bức tranh” đa dạng của thị trường thực phẩm chức năng (TPCN). Sự phát triển mạnh mẽ của dòng thị trường này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cấp quản lý, nhất là trong bối cảnh như nhiều chuyên gia nhận định “thế kỷ 21 là thế kỷ của TPCN”.
Trong vai một người tiêu dùng cần tìm mua thực phẩm bổ sung vi chất để làm đẹp, tôi được một chủ hiệu thuốc tại TP Vinh giới thiệu 3 loại Collagen của Mỹ, Hàn Quốc và Australia. Đó là chưa kể tới hàng chục các nhãn hiệu khác trên kệ thuốc mà cô nhân viên chưa có thời gian để giới thiệu. Thế nhưng, giá của các mặt hàng này không hề rẻ chút nào. Tính sơ sơ, nếu muốn làm đẹp và duy trì vẻ đẹp, tôi phải bỏ ra không dưới 3 triệu đồng - một con số không hề nhỏ so với số tiền lương của tôi cũng như mặt bằng chung về mức sống của người dân.
Hiện nay, trên thị trường, TPCN gồm có 3 loại chính: Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh và thực phẩm tăng cường miễn dịch. Theo đó, trong 10.000 sản phẩm chức năng có mặt trên thị trường cả nước thì 70% là hàng nhập ngoại, ngoài ra, trong 30% sản phẩm nội địa thì lại sử dụng tới 80% nguyên liệu nhập.
Tác dụng của TPCN là có cơ sở và đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và chứng minh. Tuy nhiên, do lợi nhuận mà các mặt hàng này đem lại là rất lớn, nên tình trạng làm giả các sản phẩm TPCN có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. |
TPCN được biết tới với nhiều công dụng như”: Chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật, hỗ trợ làm đẹp, sức khỏe sung mãn, hỗ trợ điều trị bệnh tật. Trong xu thế phát triển của thế giới hiện đại luôn kèm theo các nguy cơ, đòi hỏi mọi người phải có sức khỏe dẻo dai, thông qua việc bổ sung các loại vitamin, các vi chất dinh dưỡng, khoáng chất, các chất chống ôxy hóa. Đó cũng chính là lý do khiến người tiêu dùng tìm đến TPCN.
Tại Nghệ An, theo số liệu từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, có 30 đơn vị đăng ký tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm với gần 150 sản phẩm các loại. Tuy không đa dạng như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh nhưng thực tế trên cũng đặt ra nhiều thách thức cho các cấp quản lý. Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết: Từ ngày 15/1/2015, Thông tư 34 của Bộ Y tế về quản lý TPCN có hiệu lực.
Trọng tâm của Thông tư quy định về quản lý TPCN là giúp các cơ quan quản lý cũng như nhà sản xuất kiểm soát tốt hơn về hiệu quả, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm TPCN đã, đang và sẽ được công bố và lưu hành. Trong đó, quy định rõ ràng hơn về TPCN, phân loại, yêu cầu công bố về công dụng, liều lượng sử dụng, chống chỉ định, bằng chứng khoa học… Đây là những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của ngành TPCN trong những năm qua.
Một vấn đề nữa là yêu cầu định tính, định lượng sản phẩm. Từ trước tới nay, việc định tính, định lượng sản phẩm là yêu cầu không có tính bắt buộc, nhất là với các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh. Nhưng sau ngày 15/1/2015, các doanh nghiệp bắt buộc phải nêu được tên hoạt chất chính trong sản phẩm và hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm được công bố. Theo đó, mức độ đáp ứng của hoạt chất dưới 10% thì sản phẩm không được cấp giấy xác nhận công bố. Những điểm mới này không chỉ giúp cơ quan quản lý có “công cụ sắc bén” hơn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm mà còn giúp những nhà sản xuất TPCN chân chính mở rộng thị trường cũng như “thử sức” trong việc sáng tạo và xây dựng những công thức mới, sản phẩm mới.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Thông tư quy định về quản lý TPCN là một thông tư “khó”, bởi TPCN là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, và không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vẫn chưa xây dựng được tiêu chuẩn chung về TPCN. Thật khó để đưa ra thước đo xem một sản phẩm như thế nào là đạt hay không đạt, tốt hay không tốt, hiệu quả hay không hiệu quả, an toàn hay không an toàn… Hơn thế nữa, nếu không có những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, khi một sản phẩm TPCN ra đời, nhà quản lý cũng khó có thể thẩm định chất lượng và hiệu quả do thiếu "công cụ". Và khi đó, hệ lụy sẽ dồn cả lên người tiêu dùng.
Cũng vì sự phát triển của thị trường TPCN mà nhiều đối tượng đã không ngại sản xuất, mua bán nhiều loại thực phẩm giả, thực phẩm nhái. Đầu tháng 1/2015, Công an TP Hà Nội vừa triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán 10 tấn TPCN giả (chủ yếu là sữa ong chúa, nhau thai cừu và collagen của nước ngoài). Bất cứ loại TPCN nào có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường cũng đều bị các đối tượng làm giả. Thủ đoạn của các đối tượng là mua các loại viên nén rời, giá rẻ từ Trung Quốc về đóng gói, giả nhãn mác các thương hiệu TPCN nổi tiếng trên thế giới, rồi đặt làm giả tem chống hàng giả, tem nhãn phụ… Theo đó, một hộp sữa ong chúa đặt làm giả tại Trung Quốc chỉ có giá từ 50.000 - 60.000 đồng, nay về thị trường có giá gần 1 triệu đồng.
Tác dụng của TPCN là có cơ sở và đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và chứng minh. Tuy nhiên, do lợi nhuận mà các mặt hàng này đem lại là rất lớn, nên tình trạng làm giả các sản phẩm TPCN có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Vì vậy, sau khi có Thông tư 34, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý, trong đó chú trọng, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra trên toàn địa bàn.
.