Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201503/mat-dat-san-xuat-vi-nan-khai-thac-cat-trai-phep-597071/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201503/mat-dat-san-xuat-vi-nan-khai-thac-cat-trai-phep-597071/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mất đất sản xuất vì nạn khai thác cát trái phép - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 29/03/2015, 08:53 [GMT+7]

Mất đất sản xuất vì nạn khai thác cát trái phép

(Congannghean.vn)-Theo phản ánh của nhiều người dân ở xóm 1 và xóm 2, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, trong thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép đã khiến bờ sông Lam sạt lở, “nuốt chửng” hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp và xảy ra một số vụ chết người thương tâm. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng trên lên chính quyền địa phương, song tình trạng sạt lở đất vẫn tiếp tục diễn ra, đất sản xuất vẫn cứ thế mất dần.
 
Trước đây, xã Đặng Sơn có 65 ha đất sản xuất nông nghiệp nằm dọc bờ sông Lam, với chiều dài gần 200 m. Diện tích đất bãi được xã quy hoạch để trồng ngô, lạc, các loại rau màu. Tuy nhiên, từ 2 - 3 năm trở lại đây, xuất hiện nhiều tàu, thuyền với những “vòi bạch tuộc”, ngày đêm cắm xuống lòng sông để hút cát, khiến nhiều diện tích đất canh tác của bà con nông dân ở xóm 1 và xóm 2, xã Đặng Sơn bị sạt lở khá nghiêm trọng. Theo số liệu của UBND xã Đặng Sơn, diện tích đất nơi đây chỉ còn 40 ha, chiều dài giảm xuống chỉ còn 100 m. Điều này khiến hàng trăm hộ dân có đất canh tác dọc sông Lam rất lo lắng và hoang mang.
Hiện tượng sạt lở đã ăn sâu vào đất nông nghiệp của người dân
Hiện tượng sạt lở đã ăn sâu vào đất nông nghiệp của người dân
Chị Chu Thị Phương, người dân xóm 2, xã Đặng Sơn bức xúc cho biết: “Hầu như trong xóm, gia đình nào cũng có đất sản xuất ở bãi bồi Đặng Sơn. Tùy theo số lượng nhân khẩu mà mỗi gia đình được nhận diện tích đất nhiều hay ít. Riêng gia đình tôi có hơn 1 sào đất trồng ngô, lạc, nay vì sạt lở nên chỉ còn một nửa. “Bỏ thì thương, vương thì nặng”, giờ đây, bà con chúng tôi đang rất lo lắng vì đến mùa mưa lũ chắc sẽ bị sạt lở nhiều hơn. Nếu tình trạng sạt lở này vẫn tiếp tục tái diễn thì chúng tôi cũng đành bỏ cuộc”.
 
Theo quan sát của P.V, nước sông Lam đục ngầu, dọc diện tích đất nông nghiệp trồng hoa màu của bà con nhân dân xóm 1 và xóm 2, nhiều đoạn đã bị sạt lở, khoét hàm ếch sâu từ 1 - 3 m. Những đoạn còn lại cũng không còn nguyên vẹn, nhiều chỗ nứt toác và có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào.
 
Ngoài việc sạt lở dẫn đến làm mất đất sản xuất của người dân, một vấn đề khác được chính quyền và người dân quan tâm là, từ khi nạn khai thác cát trên sông Lam diễn ra, đã có nhiều vụ chết đuối thương tâm. Trước đây, sông Lam là một con sông hiền hòa, trong xanh, người dân thường xuống đây tắm. Tuy nhiên, khoảng từ 1 - 2 năm trở lại đây, dòng sông đã trở nên đục ngầu, rất “hung dữ”, chỗ nào cũng có nhiều hố nước xoáy kinh hoàng, nhiều em nhỏ khi đi chăn trâu, bò vì không ý thức được sự nguy hiểm nên đã nhảy xuống tắm, do đuối sức dẫn đến tử vong. Trong năm 2014, đã có 2 em chết đuối tại khu vực này.
 
Được biết, bãi bồi Đặng Sơn nằm giữa hai công trình trọng điểm là đập Ba Ra và cầu Đô Lương. Do sông Lam chảy qua và nhờ quá trình bồi đắp khiến đất đai ở đây màu mỡ, có trữ lượng cát khá lớn. Ngoài Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Tiến Hoa được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi ở bãi bồi Đặng Sơn vào ngày 6/10/2014, với diện tích 5,63 ha, trong thời hạn 10 năm, còn lại không có cơ sở hay bất cứ doanh nghiệp nào được quyền khai thác. Tuy nhiên, lợi dụng đêm khuya, ngày nghỉ hoặc các ngày lễ, nạn “cát tặc” lại diễn ra. Nhiều người đưa thuyền vào tận sát bờ sông để hút cát. 
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Tuấn Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn, cho biết: “Tình trạng bà con bị mất đất sản xuất nông nghiệp do sạt lở là có thật. Trong đó, các hộ dân ở xóm 2 là mất nhiều diện tích đất nhất. Khi nhận được phản ánh của bà con, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đo đạc, thống kê mỗi hộ gia đình mất bao nhiêu diện tích đất. Đất thì không có để đền bù cho bà con, nên chúng tôi chỉ có thể tính theo diện tích đất hiện tại để thu thuế, chứ không thu theo diện tích ban đầu”.
 
Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương cùng nhân dân đã nỗ lực rất nhiều trong việc phát hiện, đẩy đuổi các phương tiện khai thác cát trái phép. Nhưng do điều kiện, trang thiết bị, kinh phí cũng như nguồn nhân lực có hạn, mặt khác phạm vi, quyền hạn, chức năng xử phạt hạn chế nên vẫn không thể xử lý dứt điểm tình trạng này. Hiện, hàng ngày, UBND xã Đặng Sơn phải phân công lực lượng Công an xã thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ giảm bớt chứ chưa chấm dứt.
 
Để ngăn chặn tình trạng trên, người dân xã Đặng Sơn đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, để chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam.
.

Đặng Duyên

.