(Congannghean.vn)-Từng là người lính vào sinh ra tử nơi chiến trường, đến khi bị địch bắt tù đày ra Phú Quốc, ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Khi trở về quê hương sinh sống, phát huy tinh thần anh bộ đội Cụ Hồ, người lính ấy lại tiếp tục cùng với các cựu chiến binh tích cực trồng rừng, giữ màu xanh nơi cửa biển. Ông là Nguyễn Huy Du trú tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc.
Từ hàng chục năm nay, người dân ở xã Nghi Quang đều biết đến ông Du với những cái tên rất trìu mến, cảm phục như: “ông trồng rừng”, “ông bưu tá”, “ông Công an xã”… Bởi những việc làm của ông không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp cho người dân mà hơn hết, đó là tinh thần của một người thương binh trở về với cuộc sống đời thường luôn hết mình vì việc làng, việc xã.
Năm 1967, tròn 20 tuổi, Nguyễn Huy Du lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Được biên chế vào C2, D4, E320, ông hành quân theo đường Trường Sơn rồi tham gia chiến đấu khắp các chiến trường từ Quảng Trị, Tây Nguyên cho đến tận đồng bằng miền Đông và Tây Nam Bộ. Ở mặt trận nào, ông Du cũng được đồng đội ghi nhận với tinh thần gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu. Trong trận càn của địch vào chiều 20/6/1971 tại ấp 3, xã Phước Dân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ông Du bị địch bắt.
Thương binh Nguyễn Huy Du bên cánh rừng sinh thái ngập mặn |
Mặc dù bị thương rất nặng nhưng với tinh thần kiên trung của người chiến sĩ cách mạng, cơ quan tình báo CIA của Hoa Kỳ đặt tại Sài Gòn lúc bấy giờ vẫn không thể khai thác được thông tin gì từ ông. Bởi vậy, một thời gian sau, chúng đưa ông ra Phú Quốc để giam giữ. Trong chiến lao tù khổ ải, bị tra tấn đến “thập tử nhất sinh”, ông Du vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đến tháng 3/1973, ông Du được trả tự do cùng với các chiến sĩ cách mạng bị bắt, tù đày trước đó tại phía Bắc sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị.
Lúc này, ông được chuyển về Đoàn 125, Quân khu Tả Ngạn đóng tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau khi vết thương bình phục, cuối năm 1973, ông lại tiếp tục được đơn vị giao nhiệm vụ huấn luyện tân binh tại Quân khu Tả Ngạn để bổ sung cho chiến trường miền Nam. Đến năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, ông được đơn vị cho phục viên, trở về quê sinh sống với gia đình.
Trở về quê hương sau ngày đất nước giải phóng, với ngổn ngang hoang tàn sau chiến tranh, người lính năm xưa lại gắng gượng, đứng lên gây dựng cuộc sống. Vừa xây dựng kinh tế riêng cho gia đình, thương binh Nguyễn Huy Du vừa tích cực tham gia phong trào đoàn thể địa phương. Đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích trồng rừng sinh thái, ông đã cùng các cựu chiến binh trong xã mạnh dạn nhận gần 50 ha khu vực đầm lầy ngập mặn nơi cửa biển để cải tạo hoang hóa, phủ xanh đất trống.
Thấy việc ra sức vận đồng bà con trồng sú, đước ở vùng đất ngập mặn mà kinh tế lại không thu về được gì, ai cũng ái ngại. Thế nhưng, với cái nhìn về tương lai, nếu mình không làm thì môi trường sống ở đây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bằng uy tín và ý chí của người lính từng vào sinh ra tử, ông Du đã biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Đến giờ, sau hơn 20 năm, cánh rừng ngập mặn mà người thương binh Nguyễn Huy Du đã bỏ công, bỏ sức cùng với các cựu chiến binh ngày đêm ra sức chăm sóc, bảo vệ năm nào, nay đã xanh tốt.
Việc trồng rừng và giữ rừng của ông Du không chỉ giữ cân bằng sinh thái mà còn có tác dụng chống sự xâm thực của biển vào đất liền. Đến xã Nghi Quang ngày này, ai cũng cảm nhận được sự bình yên nơi cửa biển ngút ngàn màu xanh với những đàn chim, cò về trú đậu. Dẫn chúng tôi tham quan cánh rừng mà mình gây dựng được, ông Du bảo nếu ngày trước, mình có suy nghĩ vì cái lợi trước mắt thì làm sao có khung cảnh như bây giờ.
Không chỉ được người dân biết đến với tên gọi trìu mến là “ông trồng rừng”, ở xã Nghi Quang, người thương binh Nguyễn Huy Du còn được mọi người cảm phục với vai trò là Công an xã. Hàng chục năm nay, với chức trách là thành viên của Ban Công an xã Nghi Quang, ông Du được xem là người có uy tín trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong địa phương. Bất cứ lúc nào, hễ ở đâu xảy ra tình trạng mất đoàn kết, ảnh hưởng đến ANTT, ông luôn là người xông xáo và giải quyết công việc một cách hiệu quả. Từ việc nhỏ đến việc lớn liên quan đến ANTT, bằng cách khuyên giải, vận động, sự xuất hiện của ông đã góp phần gìn giữ bình yên cho cuộc sống của người dân.
Đến bây giờ, khi các con đã trưởng thành, yên bề gia thất, dù tuổi đã ngoài 60 nhưng người dân vẫn chưa cho ông “nghỉ hưu”. Hiện nay, ngoài vai trò là Công an xã, ông Du còn được giao đảm nhiệm trọng trách Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam xã kiêm Phó huyện Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, ông Du còn được biết tới là người bưu tá cần mẫn của bà con trong xã. Ở bất cứ công việc nào, ông vẫn nhiệt tình tham gia, cống hiến. Như lời ông tâm sự với chúng tôi, trong chiến tranh, bom đạn ác liệt, đồng đội đã nhường lại sự sống cho mình nên khi trở về quê hương, còn sức thì mình còn phục vụ để đền đáp lại những hy sinh ấy.
.