Cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10/9 cho thấy quyết tâm rất cao của người đứng đầu Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, ngay cả với những lĩnh vực đã được đánh giá tương đối tốt.
Cùng với thuế, hải quan, đất đai-xây dựng, lĩnh vực khởi sự kinh doanh đã được Chính phủ và Thủ tướng xác định là 4 trọng điểm cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sau các buổi làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về ba lĩnh vực đầu, cuộc làm việc của Thủ tướng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là nhằm vào trọng điểm “khởi sự kinh doanh”.
Trong thời gian qua, vấn đề khởi sự kinh doanh tại Việt Nam đã nhận được những đánh giá hết sức tích cực từ phía các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Báo cáo kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước được đánh giá cải cách mạnh mẽ nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp, chỉ số khởi sự kinh doanh tăng 16 bậc.
Còn theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp luôn đánh giá lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp xếp thứ nhất về mức độ hài lòng so với các lĩnh vực khác. Chỉ số này luôn tăng từ năm 2006 và đạt số điểm trung bình lên đến 8,59/10 vào năm 2013.
Kết quả đó rõ ràng là hết sức đáng khích lệ, nhưng người đứng đầu Chính phủ vẫn không ngại ngần đặt ra những yêu cầu còn cao hơn nữa: “Cương quyết giảm 50% thời gian thực hiện thủ tục (đăng ký doanh nghiệp) ngay trong năm 2014, tức giảm từ bình quân 4 ngày hiện nay xuống còn 2 ngày”.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải kiên quyết bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, không phù hợp, gây khó khăn, chậm trễ, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Những quy định, thủ tục còn lại cũng phải thông thoáng, rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện.
Tại sao Chính phủ và Thủ tướng vẫn tiếp tục coi khởi sự kinh doanh là một trọng điểm của cải cách? Câu trả lời có thể tìm thấy trong phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc làm việc.
Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những bước cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ trong lĩnh vực khởi sự doanh nghiệp, nhưng Thủ tướng cũng chỉ rõ: “Chúng ta không đi con đường nào khác, phải hội nhập với nền kinh tế thị trường của thế giới, phải cạnh tranh để tồn tại, để phát triển. Các nước trên thế giới cũng luôn cải cách để cạnh tranh”.
Điều đó có nghĩa là không chỉ những lĩnh vực nào làm chưa tốt mới phải cải cách, mà ngay cả những việc đã được làm tương đối tốt cũng phải đổi mới liên tục. Bởi khi chúng ta đã chấp nhận cuộc đua sòng phẳng với thế giới, một thế giới cạnh tranh khốc liệt, vận động, phát triển không ngừng và không chờ đợi một ai, thì cứ đứng yên đã là tụt hậu, hễ không tiến nghĩa là lùi. Không thể tự bằng lòng, “ngủ quên trong chiến thắng”, huống hồ chiến thắng trong trường hợp này cũng chỉ mang tính cá biệt, khi rất nhiều lĩnh vực khác vẫn còn bộn bề những vướng mắc cần tháo gỡ…
Kinh nghiệm trong nước cũng như thế giới đều cho thấy những cải cách ban đầu bao giờ cũng dễ được thúc đẩy mạnh mẽ và đến một giới hạn nào đó thì rất khó cải cách tiếp. Nhưng quyết tâm của Thủ tướng hoàn toàn không “duy ý chí”.
Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được những kết quả ấn tượng hơn nữa trong lĩnh vực này, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một loạt các kiến nghị để giảm thủ tục cũng như thời gian. Cùng với đó là những giải pháp đang được Chính phủ rốt ráo triển khai trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… theo hướng “cởi trói” mạnh mẽ cho môi trường kinh doanh.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, nếu cải cách này được thực hiện, chỉ số khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tăng khoảng 50 bậc trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, đứng ở vị trí 60/189 quốc gia, cao hơn chỉ số của 6 nước ASEAN (đứng thứ 90).
Thậm chí, nếu như không cần quy định một số thủ tục về nộp thuế môn bài, mua hóa đơn, mở tài khoản ngân hàng, khắc dấu… thì tối đa còn lại chỉ 3 thủ tục và Việt Nam sẽ đứng top đầu thế giới về khởi sự doanh nghiệp.
Một vấn đề khác cũng hết sức bức thiết được Thủ tướng chỉ ra tại buổi làm việc, đó là quyết tâm, là tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền. Bằng chứng là cùng một luật lệ, cùng một quy định, cùng một thủ tục về đăng ký kinh doanh, nhưng có nơi chậm, song có tỉnh chỉ mất hơn 1 ngày để giải quyết cho doanh nghiệp. “Nếu như tất cả đều với tinh thần phục vụ, chỉ khung khổ này thôi, không cần phải sửa thì cũng giảm bớt được bao nhiêu công sức của xã hội”, Thủ tướng bày tỏ.
Dĩ nhiên, sẽ không hiệu quả nếu chúng ta chỉ đánh giá một cách chung chung, đánh giá “cho có” về tinh thần cải cách, tinh thần phục vụ nhân dân. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải phấn đấu đạt mức điểm của các tỉnh, thành phố đang xếp hạng cao về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); yêu cầu Bộ Nội vụ công bố rộng rãi chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương… Với các công cụ đánh giá hữu hiệu này, tinh thần phục vụ, ý chí cải cách sẽ được “phơi bày” rõ ràng và cùng với các biện pháp khác, đây sẽ là động lực để các bộ, ngành, địa phương nỗ lực cải cách.
Nói tóm lại, yêu cầu của thực tiễn buộc chúng ta phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, các tính toán cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm được và chúng ta cũng đã có những cơ chế để đánh giá mức độ cải cách của cả bộ máy cũng như của từng bộ, ngành, địa phương. Nghĩa là, có đủ cơ sở để tin vào thành công của cuộc cải cách đó.
.