Dư luận đang rất quan tâm tới thông tin về nguy cơ Hàn Quốc sẽ đóng cửa thị trường lao động do tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Kể từ sau khi Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc ký Bản ghi nhớ đặc biệt về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam vào cuối tháng 12/2013, tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng tính đến đầu tháng 1/2014 đã tăng lên 49%. Đến cuối năm nay, khi Bản ký kết giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Việt Nam và Bộ Việc làm, lao động Hàn Quốc hết hiệu lực, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn vẫn ở mức cao, trên 30%, chắc chắn phía Hàn Quốc sẽ chấm dứt tiếp nhận lao động Việt Nam. Và nếu tình huống này xảy ra, tất cả những nỗ lực của Việt Nam đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc xem như mất trắng.
Lao động kiểm tra sức khỏe trước khi sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+) |
“Đừng chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình”
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bản ghi nhớ đặc biệt được Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Việc làm, lao động Hàn Quốc ký kết vào ngày 31/12/2013 về nội dung gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm của Hàn Quốc đã thực hiện được hơn 8 tháng. Bản ghi nhớ này đã tạo nên bước ngoặt trong việc nối lại Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là IPS) tạm dừng sau một thời gian dài. Đây cũng là sự ghi nhận của phía Hàn Quốc về nỗ lực và quyết tâm cao của phía Việt Nam nhằm kéo giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước mà cư trú và làm việc bất hợp pháp từ mức trên dưới 50% xuống mức 38,2% năm 2013 - trước thời điểm ngày 31/12/2013.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, bản ký kết chỉ có hiệu lực trong 1 năm, và sau đó Bộ Việt làm lao động Hàn Quốc sẽ xem xét và đánh giá tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có giảm hay không, lấy đó làm cơ sở quyết định có tái ký bản ghi nhớ bình thường vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc đưa ra cảnh báo có thể hủy bỏ Bản ghi nhớ đặc biệt vào bất cứ lúc nào chứ không đợi đến cuối tháng 11/2014 mới xem xét đánh giá tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp.
Lý giải về cảnh báo này của phía Hàn Quốc, ông Long cho biết, kể từ sau khi Bản ghi nhớ đặc biệt được ký kết, phía Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, tuy nhiên tình trạng lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc vẫn chưa được cải thiện. Tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc và cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc mặc dù có giảm nhưng vẫn cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ bình quân chung của 15 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc.
Theo ông Long, nguyên nhân chính của tình trạng này là do người lao động thiếu ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình mà không nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng, đất nước. Họ đã lấy mất cơ hội của hàng nghìn, hàng chục nghìn lao động ở trong nước muốn được sang Hàn Quốc làm việc.
Một nguyên nhân nữa có thể thấy rõ đó là chênh lệch về thu nhập giữa trong nước và ở Hàn Quốc. Ở trong nước, nếu có việc làm ổn định, thu nhập của người lao động chỉ ở mức 3-5 triệu đồng/tháng. Trong khi ở Hàn Quốc người lao động có thu nhập từ 1.000-1.300 USD, tương đương khoảng 21-27 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ông Long cho rằng nguyên nhân này không thỏa đáng vì những lao động hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc về nước đúng thời hạn nhưng có nguyện vọng tiếp tục làm việc hợp pháp ở Hàn Quốc họ vẫn có rất nhiều cơ hội.
Nếu là người lao động mẫu mực, sau khi về nước họ làm thủ tục đăng ký thủ tục tại Trung tâm lao động ngoài nước, trong vòng 3 tháng có thể quay trở lại Hàn Quốc làm việc, không phải thi tiếng Hàn. Ngược lại, họ có thể tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính, sau đó nếu đạt yêu cầu, hồ sơ sẽ được gửi sang Hàn Quốc để chủ sử dụng phía Hàn lựa chọn.
Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính lao động bỏ trốn
Trước tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại thị trường Hàn Quốc ngày càng cao, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 nhằm tăng cường quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc trong đó nêu rõ trách nhiệm của Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao cũng như UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo, giao cho các đơn vị chức năng có liên quan như Cục Lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm ở Hàn Quốc. Cùng với đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền vận động người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn, không cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Về phía chính quyền địa phương, tăng cường trách nhiệm của các Sở LĐTBXH, các cơ quan này có vai trò tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xác định trách nhiệm cụ thể đối với các ban ngành có liên quan tuyên truyền các giải pháp vận động lao động Việt Nam ở Hàn Quốc về nước đúng hạn, khẩn trương rà soát lại danh sách người lao động sắp hết hạn hợp đồng phải về nước trong các tháng còn lại của năm 2014, đặc biệt tháng 9, 10 trên từng địa bàn cụ thể, để chỉ đạo quyết liệt vận động gia đình động viên con em họ.
Bên cạnh đó, chính quyền xã phường phải vào cuộc tích cực nắm chắc danh sách lao động sắp hết hạn hợp đồng phải về nước ở từng thôn, xóm, là con em của gia đình nào, sau đó tuyên truyền trên đài truyền thanh của xã phường, cử cán bộ phối hợp các tổ chức đoàn thể trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động.
Ông Long cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm của các gia đình có con em đi lao động ở Hàn Quốc, đặc biệt các gia đình cán bộ chủ chốt ở địa phương cần gương mẫu động viên con em mình để thể hiện trách nhiệm với lợi ích của cả cộng đồng.
Tuy nhiên, để quyết liệt xử lý tình trạng người lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ông Long cho rằng cần tập trung vào các giải pháp sau: tăng cường xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 95 ngày 22/8/2013 của Chính phủ đối với những lao động ở lại cư trú bất hợp pháp; tăng cường giải pháp tuyên truyền, vận động, đặc biệt các địa phương có người lao động sắp hết hạn hợp đồng về nước trong tháng 9, tháng 10, trong đó nhấn mạnh vai trò của Sở LĐTBXH và chính quyền xã phường cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt sự giúp đỡ của các gia đình có người lao động sắp hết hạn hợp đồng về nước trong tháng 9, tháng 10/2014. Ban Quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Văn phòng quản lý lao động IPS tại Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan của Hàn Quốc tăng cường tuyên truyền, thông tin tư vấn cho người lao động đang sắp hết hạn hợp đồng ở những nơi tập trung đông lao động Việt Nam sinh sống.
Nguy cơ thị trường lao động Hàn Quốc đóng cửa đối với lao động Việt Nam là rất cao. Nếu đến cuối tháng 11 năm nay Việt Nam không cải thiện được tình trạng dưới 30% lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, thiệt hại không chỉ riêng với người lao động mà còn đối với từng gia đình, từng địa phương, đối với cả đất nước. Đặc biệt hàng chục nghìn lao động của Việt Nam sẽ không được sang Hàn Quốc làm việc, áp lực giải quyết việc làm ở trong nước vốn đã khó khăn, sẽ càng khó hơn. Đất nước sẽ mất đi khoản ngoại tệ hàng trăm triệu đô la, trong khi nhiều địa phương vẫn chưa xác định được nguy cơ nghiêm trọng này.
Ông Long đề nghị, lao động đang làm việc tại Hàn Quốc cần thay đổi nhận thức của mình, đừng chỉ nghĩ đến bản thân mà hãy nghĩ cho những người khác. Hãy để cho hàng chục nghìn lao động khác ở trong nước cũng có cơ hội kiếm được những khoản thu nhập đáng mơ ước về cho bản thân và gia đình họ; Trong số hàng chục nghìn người ấy, có thể có cả người thân, bạn bè của những lao động đang làm việc tại Hàn Quốc./.
Quay về nước đúng thời hạn hợp đồng, người lao động không chỉ giữ được cơ hội quay trở lại làm việc hợp pháp ở Hàn Quốc của chính mình, mà trên hết không làm xấu và đánh mất hình ảnh của người lao động Việt Nam nói chung, lao động Việt Nam ở Hàn Quốc nói riêng.