Cung cấp thông tin, các chính sách hỗ trợ thanh niên học nghề, giải quyết việc làm là nội dung Chương trình giao lưu trực tuyến “Tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh niên” diễn ra chiều 28/8 tại Hà Nội. Chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban điều hành Đề án 103 và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức .
Bức xúc vì cử nhân ra trường không có việc làm
Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục - Đào tạo Hoàng Ngọc Vinh khẳng định: “Tình trạng cử nhân ra trường không có việc làm đang là vấn đề bức xúc của xã hội”. Vụ trưởng đã chỉ rõ 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất do nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc làm mới được tạo ra trên thị trường lao động. Thứ hai, chất lượng đào tạo của các trường chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Thứ ba, công tác dự báo, quy hoạch và điều hành vĩ mô để đảm bảo cân đối trong cơ cấu trình độ đào tạo chưa tốt. Riêng về chất lượng thì có nhiều nguyên nhân: Về suất đầu tư đào tạo trên đầu sinh viên, do chất lượng giảng viên, do mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, do chính bản thân sinh viên chưa thực sự nỗ lực rèn luyện, sinh viên cần bằng cấp hơn là năng lực thực sự. Điều đó ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên.
Lời khuyên mà ông Hoàng Ngọc Vinh đưa ra là cử nhân chưa có việc làm có thể học thêm các kỹ năng nghề nghiệp để tăng cơ hội kiếm việc. Có bằng đại học không có nghĩa là phải có việc làm mà đòi hỏi bản thân người học phải rèn luyện nhiều kỹ năng khác như: kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề... đặc biệt là phải có năng lực thực hành. Việc học thêm các kỹ năng này là cần thiết và có thể học ở bất cứ cơ sở đào tạo nào để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Trong suy nghĩ của nhiều người, học nghề chỉ là phương án cuối cùng, học đại học vẫn là mục tiêu số 1 của thanh niên |
1,9 triệu thanh niên đang học nghề
Phó Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Văn Tiến nói lên suy nghĩ của nhiều gia đình: “Do nhận thức của gia đình và bản thân thanh niên còn nặng nề về bằng cấp, mục tiêu số 1 là đại học và đi học đại học. Học nghề chỉ là phương án cuối cùng”.
Để giúp độc giả Nguyễn Văn Phúc ở Phú Thọ thuyết phục con cháu mình học nghề bởi theo lời ông Phúc đó là việc “rất khó khăn, gần như chúng không có khái niệm phải làm thợ”, Phó trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị (Trung ương Đoàn) Ngọ Văn Khuyến cho biết, theo thống kê, thanh niên đang tham gia học nghề ở các cấp trình độ vào khoảng gần 1,9 triệu người.
Phó trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị cũng nêu một thực tế là nhiều bạn trẻ có trình độ đại học và trên đại học chưa có việc làm xin đi làm công nhân cùng với một số lượng không nhỏ học sinh học hết lớp 12 cũng tham gia lực lượng này. Tuy nhiên, nhiều người khi hơn 30 tuổi phải đối mặt với nguy cơ mất việc vì không có trình độ tay nghề.
Thông tin về các chính sách hỗ trợ thanh niên học nghề và vay vốn khởi nghiệp, Phó trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị cho biết đối với lĩnh vực học nghề của thanh niên, hiện nay Đoàn đang triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, dự án của Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ tư vấn, định hướng việc chọn nghề, giới thiệu các nghề, các cơ sở đào tạo nghề có uy tín đối với thanh niên.
Bên cạnh đó, hệ thống 38 Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tại 32 tỉnh, thành phố đã và đang tham gia dạy nghề trực tiếp cho thanh niên với quy mô trên 15.000 người/năm. Đoàn Thanh niên cũng tham gia tư vấn, dạy nghề cho thanh niên theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
Ngoài ra, để giúp các thanh niên học nghề, tổ chức Đoàn cũng đang triển khai chương trình tín dụng cho vay học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc hỗ trợ thanh niên vay vốn khởi nghiệp, hiện đang có 2 chương trình vay vốn lớn đó là chương trình cho vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội và chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm (vốn 120).
Chương trình cho vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn triển khai gồm có 13 chương trình như giảm nghèo, giải quyết việc làm… và hiện đang có mức dư nợ trên 13.000 tỉ đồng, giúp rất nhiều thanh niên vươn lên thoát nghèo.
Nguồn vốn 120 của Đoàn với trên 66 tỉ đồng đã hỗ trợ nhiều hộ gia đình, nhóm hộ gia đình thanh niên và các cơ sở sản xuất kinh doanh do thanh niên làm chủ, góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 thanh niên mỗi năm.
Hiện, Trung ương Đoàn đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xây dựng một chương trình tín dụng riêng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động tại địa phương
Tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là bài toán đặt ra đối với nhiều thanh niên có mô hình phát triển kinh tế gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trả lời câu hỏi của anh Ngô Văn Quang (Yên Bái): “Khó khăn lớn nhất của các mô hình kinh tế thanh niên ở địa bàn nông thôn hiện nay là tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm chăn nuôi, Trung ương Đoàn có cách gì giúp đỡ thanh niên?”, Phó trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị (Trung ương Đoàn) Ngọ Văn Khuyến cho biết thời gian qua, tổ chức Đoàn các cấp đã triển khai nhiều mô hình kinh tế thanh niên nông thôn như tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại trẻ, câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế... Các mô hình này đều gắn với việc giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ thanh niên nông thôn vươn lên làm giàu và thực tế nhiều thanh niên đã trở thành các triệu phú, tỷ phú từ các mô hình này.
Trung ương Đoàn đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ là thanh niên, các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn (hợp tác xã, trang trại trẻ) như tập huấn nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội…, tổ chức Đoàn đã kết nối tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống các siêu thị lớn như Coopmart, Fivimart... kết nối các công ty như Orion, Bibica với các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ để giải quyết đầu ra cho nông sản.
Về phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, Đoàn đang triển khai việc cho vay phát triển sản xuất kinh doanh gắn với tạo việc làm thông qua Chương trình cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120).
Theo chương trình, mức vay tối đa từ nguồn vốn 120 là 500 triệu đồng với lãi suất là 0,6%/tháng. Để tham gia được chương trình vay vốn, đoàn viên thanh niên cần liên hệ với tổ chức Đoàn địa phương để được tư vấn, hướng dẫn xây dựng dự án và lập hồ sơ vay vốn.
.