Hàng loạt ngân hàng như MDBank, Southernbank, PGBank, Maritime bank... tổ chức đại hội cổ đông và nội dung "nóng" nhất là sáp nhập. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, sẽ tiếp tục xử lý từ 6 -7 ngân hàng qua hợp nhất, sáp nhập.
Đa số các NH đã được tái cơ cấu thời gian qua và sắp tới đều có chung một lịch sử là lớn nhanh như thổi bằng chuyển đổi mô hình và tăng vốn liên tục. Tuy nhiên, bên trong cái vóc dáng to lớn đó là cơ thể yếu kém và nhiều ung nhọt. Vậy việc sáp nhập hay hợp nhất có làm cho các NH thực sự mạnh hơn hay một lần nữa chỉ là phù phép lớn nhanh như thổi.
Tiền tươi ở đâu ra?
Theo chuyên gia tài chính Phạm Nam Kim, cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud (Thuỵ Sỹ), sáp nhập NH theo cách làm như hiện nay, chỉ là giải pháp tốt để giảm thiểu số lượng. Còn để tạo ra những NH thực sự lớn mạnh có khả năng chịu đựng những cú sốc kinh tế, những khủng hoàng kinh tế toàn cầu thì chưa hẳn.
Ông Kim nhấn mạnh, sáp nhập NH chỉ mang đến hiệu quả thực sự khi có nguồn vốn mới đổ vào. Chỉ có tiền mới thực sự tháo gỡ được những khó khăn trong ngành NH Việt Nam hiện nay.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong tình trạng rất khó khăn do những yếu kém căn bản từ nhiều năm nay không được điều chỉnh kịp thời và hiệu quả. Thêm vào đó, sự suy thoái kinh tế dai dẳng đã đưa đến những khó khăn mới cho NH.
Tại thời điểm này, NH đã thoát khỏi tình trạng thiếu thanh khoản nhưng thảm cảnh nợ xấu chưa hết nguy hiểm. Ngoài ra, nguy cơ lớn hơn là tình trạng thiếu vốn, vì phần đông sự tăng vốn vừa qua, kể cả tăng vốn để tuân thủ vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng có khi được thực hiện bằng các "độc chiêu" để đối phó mà chưa chắc đã có tiền tươi.
Hàng loạt ngân hàng đã sáp nhập với nhau |
Sẽ thật là nguy hiểm nếu như NH tuyên bố tăng vốn nhưng rốt cuộc, chẳng có thêm một xu nào ngoài giấy ghi nợ và con số rực rỡ trên bảng cân đối với con dấu đỏ chót của cơ quan kiểm toán.
Khi NH thiếu vốn, thì chỉ có duy nhất một phương án đó là rót thêm tiền thật vào, nhưng lấy tiền ở đâu? Ai là đối tượng muốn bơm vốn vào NH, đó là bài toán không đơn giản của hệ thống NH Việt Nam hiện nay.
Vì thế, đã có không ít lo ngại về việc sáp nhập NH lại có thể là một pha "phù phép" mới. Các NH sau khi sáp nhập sẽ phình to ra khi cộng lại toàn bộ bản cân đối lại, nhưng thực tế không có thêm đủ vốn như tuyên bố dù đó là một phép cộng đơn giản. Với vốn mới, quy mô mới, các NH được hoạt động, với những "điều khoản" rộng rãi trong việc giám định nợ xấu và đôi khi được khoanh vùng một số khoản nợ. Và từ đó lại tạo ra những nguy cơ mới.
Đến thời điểm này, có vẻ như các nhà quản lý đang tin tưởng như việc sáp nhập NH là giải pháp tối ưu để gỡ rối tình trạng yếu kém của NH hiện nay. Tuy nhiên, cũng nên đặt câu hỏi về hiệu quả thực sự của sự sáp nhập NH đối với từng trường hợp cụ thể.
Khi ba NH "ốm yếu" là Tín Nghĩa, Đệ Nhất hợp nhất với SCB, thì được bơm tiền vào để giải thoát khủng hoảng thanh khoản, nhưng những yếu kém căn bản vẫn còn tồn tại.
"Tóm lại khi sáp nhập hai hoặc ba con "gà què" thì sẽ thành một con "gà què" to hơn và khó đi đứng hơn vì cái "chân" èo uột còn lại, do không chịu đựng nổi "thân hình" quá to", ông Kim nhận xét.
Níu nhau trong khó khăn
Bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, sáp nhập chỉ là một trong nhiều biện pháp tái cơ cấu và cải cách hệ thống tài chính ở mỗi quốc gia. Nếu rơi vào tình huống yếu mà lại sáp nhập vào ngân hàng mạnh thì không thể giải quyết được vấn đề. Một NH yếu được sáp nhập vào NH mạnh thì không thể khỏe lên, ngược lại nó lại khiến NH mạnh yếu đi.
Một cuộc sáp nhập không thể thực hiện trong vội vã mà sẽ mất rất nhiều công lao đánh giá, thương lượng và sự đồng tâm xây dựng NH mới |
Theo các chuyên gia tài chính, khi sáp nhập NH, phải giải quyết hai bài toán căn bản. Bài toán thứ nhất là giám định giá trị thực của bên bán cũng như bên mua. Công việc này phải do một cơ quan kiểm toán độc lập, được hai bên tin cậy rà soát kỹ càng về tổng tài sản, khoản phải trả cũng như mức độ rủi ro... Tiếp đến là bài toán chiến lược, sau khi sáp nhập sẽ có được giá trị cộng hưởng nào, phải đánh giá các cộng hưởng và thiết lập chương trình hành động cụ thể để thụ hưởng giá trị này.
Như vậy một cuộc sáp nhập không thể thực hiện trong vội vã mà sẽ mất rất nhiều công lao đánh giá, thương lượng và sự đồng tâm xây dựng NH mới. Nhưng có vẻ đang có sự vội vã sáp nhập, phải chăng là do "thời điểm" đã đến, nếu bỏ lỡ, sẽ rất khó thực hiện hoặc NH yếu sẽ không thể chịu nổi? Một số chuyên gia tài chính đặt câu hỏi.
Giới tài chính cũng băn khoăn việc sáp nhập có phải là cách kéo dài sự che dấu nợ xấu?. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sáp nhập theo phương thức này, các bên nhận sáp nhập sẽ chịu thách thức rất lớn với khoản nợ xấu mà NH nhỏ mang tới.
NH mạnh sáp nhập NH yếu, có nghĩa là phải ôm mọi tài sản của ngân hàng yếu, kể cả nợ xấu, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng. Đây sẽ là rủi ro mà các NH chủ trì việc sáp nhập sẽ phải tốn nhiều chi phí, thời gian để xử lí.
Ngoài ra, không ít chuyên gia tài chính cũng lo ngại có chuyện "hôi của" ở các NH yếu vào thời điểm trước khi nhập. Những người của NH yếu có thể thỏa thuận trước với khách hàng, rồi mạnh tay cho vay ra để hưởng hoa hồng. Nếu vậy nhiều khoản vay mới có nguy cơ biến thành nợ xấu, làm cho nợ xấu thực tăng cao hơn nữa, gây gánh nặng và sự khó khăn cho NH mới.
Như thế sáp nhập để tái cơ cấu NH vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần phải thận trọng và kiểm soát tốt nếu không sẽ đẩy khó khăn về cho tương lai.
.